Theo báo "Nihon Keizai" (Nhật Bản), Sách trắng Quốc phòng Đài Loan 2011 cho rằng quân đội Trung Quốc đang sở hữu hơn 1.400 tên lửa chiến thuật có khả năng tấn công Đài Loan, tăng 100 tên lửa so với 2 năm trước. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng phân tích rằng Hải quân và Lục quân Trung Quốc đã chuẩn bị quân lực để có ý định tấn công quy mô lớn và chiếm lại các đảo xa bờ mà Đài Bắc đang quản lý như đảo Kim Môn và Mã Tổ, đồng thời đủ năng lực để phong tỏa đảo chính Đài Loan. Tuy nhiên, Sách trắng 2011 cho rằng hiện Trung Quốc chưa đủ thực lực quân sự để tấn công toàn diện đảo chính Đài Loan do thiếu các loại tàu chiến và phương tiện cơ giới đổ bộ, nhưng họ có đủ năng lực để khống chế đảo này.

Sách trắng cho biết tổng số quân hiện nay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là khoảng hơn 2,3 triệu người, sở hữu 930 tàu chiến, 60 tàu ngầm, 1.860 máy bay chiến đấu, 300 máy bay ném bom, 180 tên lửa đạn đạo và 1.400 tên lửa chiến thuật, trong khi Đài Loan chỉ có 270.000 binh lính, 190 tàu chiến, 4 tàu ngầm, 390 máy bay chiến đấu và hoàn toàn không có máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo và tên lửa chiến thuật. Ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc trong năm 2010 cũng gấp 21 lần so với ngân sách của Đài Loan. Với sự chênh lệch như trên, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ ưu thế trong cán cân quân sự Trung-Đài hiện nay. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự từ nay đến năm 2020 nhằm mục tiêu đủ năng lực thực hiện tác chiến quy mô lớn vào Đài Loan, đồng thời phong tỏa khu vực eo biển Đài Loan để ngăn cản sự can thiệp của quân đội nước ngoài. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã bắt tay chế tạo và trang bị tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay Đông Phong 21D nhằm ngăn cản tàu sân bay của Mỹ, đang triển khai tại Tây Thái Bình Dương, tiếp cận eo biển Đài Loan khi có sự cố xảy ra. Trước tình thế này, Chính quyền Mã Anh Cửu đã nhiều lần yêu cầu Oasinhtơn bán cho đảo này một số máy bay chiến đấu F16 cải tiến và tàu ngầm điêzen, nhưng hợp đồng này cho tới nay vẫn chưa thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh. 

Kể từ khi Chính quyền Tổng thống Mã Anh Cửu của Quốc Dân đảng thân Trung Quốc lên cầm quyền tại Đài Loan năm 2008, quan hệ hai bờ Trung-Đài đã được cải thiện đáng kể. Tháng 6/2010, Bắc Kinh và Đài Bắc đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy giao thương giữa hai bên. Tuy nhiên, Sách trắng lần này vẫn chỉ ra rằng mặc dù Bắc Kinh đã chứng tỏ cho Đài Bắc thấy thái độ mềm mỏng của họ, nhưng nguy cơ đe dọa về mặt quân sự hoàn toàn không vì thế mà mất đi. 

Theo báo "Asahi" (Nhật Bản), tiếp tục nhấn mạnh tới nguy cơ Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Sách trắng đã một lần nữa kêu gọi Chính quyền Đài Bắc có thái độ cảnh giác trước Bắc Kinh một khi Trung Quốc tụ hội đủ sức mạnh cần thiết. Trước sức mạnh vượt trội của Trung Quốc, Sách trắng cho rằng việc Đài Loan chạy đua vũ trang với Trung Quốc là điều hoàn toàn không thể do nguồn ngân sách hạn hẹp. Do vậy, Sách trắng cho rằng Đài Loan cần tiếp tục tăng cường thực lực quân sự một cách hiệu quả dù chỉ để đáp ứng trong các cuộc chiến tranh qui mô nhỏ.

Lê Quang (gt)