Ngày 7/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng tiên tiến về tiến hành chiến tranh mạng và hai nước phải phối hợp với nhau để tránh những tính toán sai lầm, có thể dẫn tới xung đột. Ông Panetta đưa ra tuyên bố trên khi đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đầu tiên tới thăm Lầu Năm Góc trong vòng 9 năm qua. Phát biểu trước báo giới bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho biết Oasinhtơn và Bắc Kinh đã thừa nhận rằng tất cả các cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ không thể quy hết cho phía Trung Quốc. Ông cho biết thêm hai nước sẽ cùng phối hợp để tăng cường an ninh mạng. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã bảo vệ sự chuyển trọng tâm chiến lược của quân đội Mỹ sang châu Á khi cho rằng mục đích của việc này là nhằm giúp các nước bạn bè phát triển khả năng đương đầu với những thách thức chung và Oasinhtơn muốn có kiểu quan hệ như vậy với Bắc Kinh. Ông nói: "Mỹ và Trung Quốc là những cường quốc ở Thái Bình Dương và mục tiêu của chúng tôi là thành lập một mối quan hệ mang tính xây dựng cho tương lai. Việc này là cần thiết để hai nước chúng tôi trao đổi một cách hiệu quả về một loạt vấn đề đầy thách thức". 

Bộ trưởng Lương Quang Liệt tới Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng sau khi nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Trần Quang Thành đào thoát khỏi ngôi nhà nơi ông bị quản thúc và chạy đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Ông ta đã ở lại đây 6 ngày trong khi Oasinhtơn và Bắc Kinh thỏa luận về các điều khoản cho việc ông rời khỏi Sứ quán Mỹ. Trung Quốc đã buộc tội các nhà ngoại giao Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ và yêu cầu Oasinhtơn đưa ra lời xin lỗi. Nhân chuyến thăm của ông Lương Quang Liệt, các quan chức Mỹ muốn làm rõ vụ Trần Quang Thành. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Trung Quốc nói: "Chúng tôi không có ý định nêu vấn đề này" trong chuyến thăm của Bộ trưởng Lương Quang Liệt. Ông nói thêm số phận của Trần Quang Thành là chủ đề của các nhà ngoại giao Mỹ tại Bộ Ngoại giao, chứ không phải của Lầu Năm Góc. Trong các cuộc thảo luận tại Lầu Năm Góc, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã thảo luận các vấn đề gai góc như không gian mạng, vũ khí hạt nhân, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nỗ lực phòng thủ tên lửa của Mỹ, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, bế tắc giữa Trung Quốc với Philíppin về các đảo tranh chấp tại Biển Đông, chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.... Phát biểu trước khi các cuộc thảo luận này diễn ra, một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói: "Đây là những vấn đề quan trọng cần được thảo luận trong lĩnh vực quan hệ quân sự giữa hai nước, bởi chúng có thể giúp giảm cơ hội gây ra những hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm". 

Bộ trưởng Lương Quang Liệt đã mời Bộ trưởng Panetta tới thăm Trung Quốc trong năm nay và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận lời mời. Hai bên cũng đồng ý tổ chức cuộc tập trận chống cướp biển tại Vịnh Aden vào cuối năm nay. Trong những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc không ngừng cảnh giác lẫn nhau về ý định chiến lược của bên kia. Oasinhtơn lo ngại về tiến trình hiện đại hóa quân sự với tốc độ nhanh của Bắc Kinh, mặc dù chi phí quốc phòng của Mỹ cao gấp 6 lần so với của Trung Quốc. Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc phát triển các loại vũ khí dường như nhằm mục đích làm mất những lợi thế chiến lược của Mỹ như vũ khí chống vệ tinh hay tên lửa có thể ngăn cản hải quân Mỹ hoạt động tự do tại vùng biển gần Trung Quốc. 

Trong khi đó, Bắc Kinh lo ngại trước trọng tâm chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tuyên bố về chiến lược quân sự mới được Bộ trưởng Quốc phòng Panetta thông báo đầu năm nay, theo đó Mỹ sẽ chú trọng nhiều hơn vào khu vực này. Sau tuyên bố này, Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc đặt một lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Ôxtrâylia, một thỏa thuận tái cơ cấu căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và hội đàm với Philíppin về tăng cường hợp tác an ninh.

Theo Reuters (ngày 8/5)

Vũ Hiền (gt)