thediplomat_2016-07-22_09-06-33-386x301.jpg

 

Tuy nhiên, các thành viên trong lực lượng quân đội Philippines và tập hợp giới trí thức-truyền thông đang thúc đẩy những động thái phản đối việc này. Trong cuộc tấn công phản bác những tuyên bố của ông Duterte, những người này liên tục mô tả Trung Quốc là mối nguy cơ đe dọa đất nước. Kết quả là xuất hiện sự bất hòa về mặt nhận thức cả ở trong và ngoài nước, khiến những nhà quan sát phải vất vả để bám sát chính sách đối ngoại của nước này.

Tuy vậy, có một sự phân tích nhiều sắc thái hơn lại cho rằng những gì đang diễn ra tại Philippines chỉ là cuộc tranh cãi nội bộ sâu sắc không hơn không kém về “linh hồn” trong chính sách đối ngoại Philippines. Rõ ràng, dưới thời ông Duterte, Philippines hiện không chấp thuận chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Thay vào đó, nước này đang định hình khuôn mẫu xu hướng “nương tựa chiến lược” từng bước một về phía cường quốc châu Á. Điều này khác biệt rất lớn với hàng loạt tranh cãi giữa ông Duterte và phương Tây về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Mối liên minh với Mỹ vẫn duy trì nguyên vẹn, nhưng Trung Quốc dường như đã trở thành người bảo hộ đầu tiên mà ông Duterte ưa thích.

Theo quan điểm của ông, Mỹ là cường quốc đang suy yếu, là một sự “không bình thường địa chính trị” và sẽ nhanh chóng phai mờ trong bức tranh châu Á những năm tới. Trung Quốc, mặt khác, lại là một thực tế địa chính trị và chiếm quyền lãnh đạo không thể chối cãi tại châu Á. Cụ thể hơn, ông Duterte đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một đối tác cho sự phát triển của Philippines. Trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã cam kết đầu tư gần 24 tỷ USD và sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc tái thiết thành phố Marawi.

Hơn nữa, Bắc Kinh đã trở thành người bảo hộ nhanh và vững chắc của Tổng thống Duterte trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Nước này cũng là một trong những quốc gia ủng hộ hăng hái nhất cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, đã gợi ý hỗ trợ xây dựng các trung tâm tái định cư quy mô lớn cũng như cung cấp hỗ trợ chống ma túy. Do vậy, khi ông Duterte thực hiện nhiều nỗ lực giảm sự phụ thuộc có tính lịch sự của Philippines vào Mỹ thì “sự ve vãn” về một liên minh với Trung Quốc đã từng bước hình thành.

Đầu năm nay, trước rất nhiều doanh nghiệp người Philippines gốc Hoa và Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, nhà lãnh đạo Philippines đã lập lờ rằng “nếu bạn muốn, chỉ việc để chúng tôi trở thành một tỉnh”. Về những tranh cãi chủ quyền biển đảo giữa Philippines với Trung Quốc, ông Duterte lập luận rằng nước ông nên “nhu mì” và “nhún nhường” nhằm giành được “ơn huệ” của Trung Quốc để tránh một cuộc chiến tranh tự sát với nước láng giềng mạnh hơn rất nhiều.

Dường như những tuyên bố trên không đủ sức gây sốc, nên ông Duterte gần đây thậm chí còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với tư cách cá nhân rằng sẽ bảo vệ ông khỏi mối nguy cơ bị phế truất. Ông cáo buộc Mỹ, đặc biệt là Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), có âm mưu lật đổ ông và đưa phe đối lập tự do lên cầm quyền. Do vậy, không cần phải băn khoăn gì nữa khi các nhà chỉ trích đã mô tả Tổng thống Philippines là một “người hầu trong khu vực” mới nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Duterte không hoàn toàn được áp dụng vào các chính sách của Philippines. Mặc dù ông vẫn là một nhà lãnh đạo được lòng dân, song ông không phải là vua của nước này. Vẫn có khoảng cách rất xa giữa việc thực thi quyền lực đơn phương với các vấn đề đối ngoại và chính sách quốc phòng, và ông Duterte đã phải lưu tâm đến quan điểm của các lực lượng khác trong bức tranh nội bộ có tính đa nguyên của Philippines – những người không ngưỡng mộ Bắc Kinh như ông.

Những người chỉ trích đã liên tục lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền cũng như trên Biển Đông. Họ cũng đồng thời dấy lên lo ngại về chất lượng các khoản đầu tư tiềm năng của Trung Quốc cũng như sự tuân thủ của nước này với các quy định bền vững môi trường và quản trị tốt, nhưng không đề cập đến sự phụ thuộc vào công nghệ và nhân công Trung Quốc. Đối với trường hợp tái thiết lại Marawi, mối lo ngại là việc quá nhiều nhân công Trung Quốc vào đây và việc họ có thể chèn ép, lấn át người địa phương vốn đã thất nghiệp và nghèo khổ cùng cực do cuộc xung đột.

Khi đề cập đến những chỉ trích trong nội bộ về chính sách đối ngoại dựa vào Trung Quốc của mình, ông Duterte đã lảng tránh và chuyển sang việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước này đối với bãi nổi Benham Rise ở khu vực Tây Thái Bình Dương, mà gần đây ông đã đổi tên thành bãi nổi Philippine Rise. Quan trọng nữa, ông đã liên tục tìm cách giành được sự thấu hiểu của lực lượng quân đội, vốn vẫn duy trì mối liên hệ gần gũi với phía Mỹ.

Lực lượng quân đội, vốn là lực lượng chính trong hai vụ lật đổ Tổng thống Philippines vài thập kỷ qua, đã mô tả Mỹ là một đối tác an ninh không thể bỏ qua. Trên thực tế, quân đội Philippines dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã từng bước có động thái nhằm khôi phục mối quan hệ bị "xói mòn" với phía Mỹ. Lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ qua, phía Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay đến Philippines trong nhiều tuần vào đầu năm nay, mới nhất là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào tháng trước. Tướng quân đội Philippines Rolando Bautista đã tuyên bố: “Mỹ là bạn của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, họ có thể giúp chúng ta đánh bại và ngăn chặn mọi mối đe dọa”.

Dư luận công chúng cũng có xu hướng nghiêng về phía Mỹ hơn là Trung Quốc để trở thành đối tác quốc tế được ưa thích hơn của Philippines. Lực lượng quân đội còn được hỗ trợ từ phía truyền thông Philippines, vốn đã góp phần của mình vào việc duy trì đề cập các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Cùng với các lực lượng định hướng, dẫn dắt dư luận hàng đầu, các thành viên nhánh tư pháp-lập pháp khác (một số xuất thân từ lực lượng quân đội) cũng đã tìm cách để ông Duterte phải có lập trường cứng rắn hơn nữa đối với Bắc Kinh.

Theo “Straitstimes

Mỹ Anh (gt)