Không có sự phân chia rạch ròi ở lưỡng đảng Mỹ về quan điểm ủng hộ hay phản đối đòn thuế quan mà Washington áp vào hàng hóa Trung Quốc. Giới nghị sĩ Mỹ và đại diện ở cả hai đảng có quan điểm khác biệt khi diễn giải cách thức mà những lợi ích kinh tế Mỹ có thể “đồng hành” cùng với chiến lược phát triển và thương mại của Trung Quốc. Mặc dù có những khác biệt song giới nghị sĩ Mỹ chia làm 3 trường phái.

Phái 1: Trung Quốc đang lợi dụng trật tự toàn cầu, nên Mỹ áp đòn thuế quan là cần thiết

Hai nhân vật chủ chốt trong phái này Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren. Mặc dù có tư tưởng khác biệt trong chính sách kinh tế xã hội nhưng Rubio và Warren lại tìm thấy điểm chung khi lên án mạnh mẽ hành vi kinh tế và cách hành xử về mặt ngoại giao của Bắc Kinh. Lập luận chính của Rubio là chiến lược phát triển công nghệ (như đề cập trong chính sách “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”) và chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc gây hại trực tiếp đến giới doanh nghiệp Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của ông, Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ thuộc Thượng viện Mỹ đã công bố báo cáo mang tên “Sản xuất ở Trung Quốc 2025 và Tương lai của Công nghiệp Mỹ”. Báo cáo này đã chỉ trích chiến lược công nghệ của Trung Quốc là lợi dụng sự yếu kém chiến lược trong hệ thống quốc tế và sử dụng những chiến lược phát triển không công bằng.

Cũng có phản đối tương tự đối với chiến lược kinh tế của Trung Quốc song thượng nghị sĩ Warren lại cho rằng Mỹ cần “bám” vào những tiêu chuẩn nhân quyền và coi đây là những điều kiện tiên quyết để hạ nhiệt căng thẳng thương mại hiện nay giữa hai nước. Hồi tháng 3/2018, Warren đã công khai liên hệ sự cần thiết “tôn trọng những quyền cơ bản của con người” là nhân tố chính cần xét đến trước khi Washington cân nhắc hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với Bắc Kinh.

Phái 2: Quan hệ Mỹ-Trung cần điều chỉnh, song đánh đòn thuế quan có thể vô ích

Trong phạm vi trường phái này là những người ủng hộ thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm kiềm chế hoặc điều chỉnh quan hệ Mỹ-Trung song họ không ưa chiến lược của Tổng thống Donald Trump. Đại diện tiêu biểu cho phe có lối tư duy này là các Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine, Mark Warner và Sherrod Brown. Luận điểm cơ bản của họ là chiến lược của Trump đối với Trung Quốc không chỉ không thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng lâu nay giữa hai nước mà còn gây hại cho những lợi ích kinh tế của Mỹ. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Mark Warner bày tỏ quan ngại rằng chiến lược của Trump chỉ tìm kiếm những lợi ích ngắn hạn mà không hề quan tâm đến sự thay đổi cấu trúc rất cần thiết đối với Trung Quốc. Còn Thượng nghị sĩ Kaine thì cho rằng những gì Trump đang làm thực ra đang gây đau đớn nhất đối với người dân Mỹ chứ không phải người Trung Quốc. Quan điểm của Kaine và Warner phần nào bị tác động bởi mối quan hệ kinh tế của bang Virginia với Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đậu tương hàng đầu của bang này. Vì vậy, hai thượng nghị sĩ này hiểu rõ cách thức mà các biện pháp thuế quan ảnh hưởng đến công ăn việc làm đối với người nông dân của bang. Do đó, họ cũng tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá chiến lược đối phó với Trung Quốc của Trump.

Phái 3: Các đòn chiến tranh thương mại là không hợp lý, cần tiếp tục làm ăn với Trung Quốc

Với các chính trị gia từ các bang như California, Massachusetts và Virginia, quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung có quy mô lớn và tồn tại lâu đời. Nhân vật tiêu biểu cho trường phái 3 này là thủ lĩnh phe đa số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Sự khác biệt cơ bản giữa trường phái tư tưởng 2 và 3 là mức độ gắn kết trực tiếp đối với quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung.

Là một đồng minh của Trump, Kevin McCarthy lại phản đối các đòn thuế và chính sách của Trump vốn ngăn chặn quỹ liên bang rót vốn cho các dự án liên quan các công ty của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ này của ông McCarthy lại là nhằm bảo vệ hoạt động làm ăn giữa Trung Quốc và các doanh nghiệp bang California - bang ông đại diện. Theo McCarthy và ban lãnh đạo bang California (đặc biệt là bang Massachusetts), các chính sách và quy định chống lại Trung Quốc gây ra những thiệt hại rõ ràng về công ăn việc làm, lương và cơ hội tạo việc làm.

Tác động và ẩn ý

Sự khác biệt về quan điểm của giới chính khách Mỹ về các biện pháp đối phó với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại gây ra tác động gì? Những tác động này sẽ tiến triển như thế nào? Mặc dù tồn tại một nhóm nhỏ các nghị sĩ có mối quan hệ cá nhân hơn về mặt kinh tế với giới doanh nghiệp Trung Quốc, song sự đồng thuận chung cho thấy họ không có ý chí để thúc đẩy một giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Những cơ hội hợp tác hạn chế ngay cả khi có những cơ hội hợp tác kinh tế chung ở cấp độ nhà nước. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở cả hai nước khiến việc thảo luận bất kỳ thỏa hiệp hay nhượng bộ nào đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới chính khách. Những yếu tố này khiến khả năng xảy ra một hệ thống kinh tế ít gắn kết hơn ngày càng hiện hữu, khi mà điểm tương đồng bị thu hẹp và sự cải thiện thực chất trong quan hệ Mỹ-Trung lại mong manh. 

Hannah Feldshuh là một nhà phân tích chính sách Trung Quốc. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ về Nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Yenching thuộc Đại học Bắc Kinh. Bài viết được đăng trên China-US Focus.

Kim Nguyên (gt)