Nhưng điều khiến các quan chức quốc phòng nước này hài lòng sau nhiều năm hoạt động hiện đại hóa sức mạnh quân sự bị thắt chặt lại không phải là các hệ thống vũ khí chủ lực này. Điều được quan tâm nhất không chỉ ở giới lãnh đạo quân sự mà cả dân sự chính là các hợp đồng mua sắm này đều được thực hiện với một điều kiện tiên quyết là chuyển giao công nghệ - động thái giúp Inđônêxia thực sự tăng cường được sức mạnh quốc phòng khi giảm thiểu được sự phụ thuộc vào nguồn cung và công nghệ nước ngoài, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường phát triển các ngành chế tạo trong nước - nhất là ngành công nghiệp quốc phòng - để tận dụng điều kiện thuận lợi khi nền kinh tế đất nước trên đà tăng trưởng liên tục với nhịp độ cao. Inđônêxia đã thỏa thuận với Hàn Quốc để cùng chế tạo máy bay chiến đấu tương đương với máy bay F-16 của Mỹ và tàu ngầm 1.400 tấn. Chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro tới Bắc Kinh đã giúp Inđônêxia có thể tiến tới tự trang bị tên lửa hạm đối hạm C 705, có tầm bắn tới 140 km với công nghệ chuyển giao của Trung Quốc. Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Inđônêxia (TNI), Đô đốc Agus Suhartono, phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ngày 23/3: "Inđônêxia muốn có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn, để không chỉ tăng cường an ninh và ổn định của đất nước, mà còn cải thiện phúc lợi công cộng khi tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới”. Đô đốc Agus Suhartono cho biết các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Inđônêxia như công ty chế tạo vũ khí và xe bọc thép PT Pindad, công ty chế tạo máy bay PT Dirgantara, công ty đóng tàu PAL Inđônêxia sẽ tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của mình với các hợp đồng mua sắm của Bộ Quốc phòng, kể cả trong sản xuất cho các mục đích dân sự, giúp tăng thu nhập quốc dân nhờ năng lực xuất khẩu được cải thiện. Theo con số công bố chính thức được Quốc hội phê chuẩn, ngân sách quốc phòng năm 2012 của Inđônêxia là 7 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011, song vẫn ở mức dưới 1% GDP và là một con số rất khiêm tốn so với của Mỹ hay 106,2 tỷ USD của Trung Quốc. 

Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono, một cựu quân nhân, nói: “Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của Inđônêxia là điều bình thường và tất nhiên của quá trình hiện đại hóa quân đội và nâng cao sức mạnh phòng thủ của đất nước, và không phải là một cuộc chạy đua vũ trang". Người phát ngôn Ủy ban Chính sách Công nghiệp Quốc phòng Inđônêxia Silmy Karim cho biết Trung Quốc đã đặc biệt hỗ trợ những nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng của Inđônêxia, và các nước như Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Inđônêxia trong lĩnh vực này. Cuối tháng 12/2011, Inđônêxia và Hàn Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 1 tỷ USD mua 3 tàu ngầm, chiếc đầu tiên hoàn toàn do phía Hàn Quốc chế tạo tại cảng Busan và phía Inđônêxia chỉ cử cán bộ kỹ thuật sang tham quan, chiếc thứ hai phía Inđônêxia cử cán bộ và nhân viên kỹ thuật sang Hàn Quốc cùng tham gia trong quá trình chế tạo, và chiếc thứ ba Inđônêxia sẽ tự chế tạo trong nước tại cảng Surabaya với công nghệ do Hàn Quốc chuyển giao. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Inđônêxia Purnomo Yusgiantoro đã tới thăm các cơ sở chế tạo thiết bị giám sát hàng hải và tên lửa của Trung Quốc. Tân Đại sứ Trung Quốc tại Inđônêxia Lưu Kiến Siêu đã nói với các phóng viên rằng sức mạnh quân sự đầy đủ là cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn của Inđônêxia, và điều này cũng sẽ làm cho khu vực ổn định hơn. Cuối tháng 11/2011, Mỹ quyết định sẽ cung cấp cho Inđônêxia 24 máy bay chiến đấu tân trang lại F16. Ôxtrâylia cũng sẽ cấp cho Inđônêxia bốn máy bay vận tải C-130 Hercules phục vụ cho các nhu cầu cứu hộ cứu nạn và đối phó với thiên tai. Mặc dù có những ý kiến phản đối trong Quốc hội về chương trình mua sắm vũ khí của quân đội, song kế hoạch mua 6 chiếc Sukhoi 35 và 100 xe tăng Leopard vẫn được triển khai. Và để làm dịu sự phản đối có thể gây cản trở mục tiêu hiện đại hóa quân đội và nâng cao sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Inđônêxia trong tháng 3 này đã ký các hợp đồng đặt hàng với các nhà sản xuất trong nước, trị giá tới 1.300 tỷ rupiah (178 triệu USD), trong đó có 31 xe bọc thép APC Anoa dành cho bộ binh cơ giới.

Theo Thejakartaglobe (ngày 24/3)

Hương Trà (gt)