Nhìn vào vị trí địa lý của khu vực và vị trí của Trung Quốc, đặc biệt là sự tương tác với Mianma, có thể thấy không có lý do gì khiến Trung Quốc phải nhận thất bại trong việc giành ảnh hưởng tại Mianma. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mianma dựa trên cơ sở lịch sử, được định hình bởi đường biên chung và các mối quan hệ sắc tộc đặc trưng. Sự tương tác sâu sắc này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai, đặc biệt là khi xét đến các nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược của Mianma đối với kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc, ít nhất là trong vài thế kỷ qua, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình nội bộ của Mianma. Trung Quốc từng đưa quân đội vào lãnh thổ Mianma và kích động sự nổi dậy của các dân tộc miền núi sinh sống dọc đường biên giới chung. Trên thực tế, những động thái gần đây của Mianma mở cửa cho đầu tư nước ngoài là hành động phản ứng trước việc nước này quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Mianma, đầu tư từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ sẽ giúp nước này duy trì độc lập khi đối mặt với sự hiện diện mạnh mẽ về tài chính và nhân lực của Trung Quốc ở nước này. Việc Trung Quốc gần đây đề nghị phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận Mianma chứng tỏ nước này nghĩ rằng họ có ảnh hưởng to lớn ở Mianma, và ảnh hưởng đó sẽ tiếp tục tồn tại. Quy mô, vị trí địa lý và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc - cùng với kinh nghiệm về tình hình chính trị và kinh tế hiện tại của Mianma - đã khẳng định điều này.

Các nước khác như Mỹ, Thái Lan và Ấn Độ sẽ nhận thấy ảnh hưởng của mình ở Mianma tăng lên, song Trung Quốc vẫn có thể đạt được những kết quả như họ mong muốn. Ngoài ra, tuyên bố này cũng giúp Trung Quốc giải tỏa dư luận trong nước. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hiện có một cuộc tranh luận mở đến mức ngạc nhiên về cải cách chính trị, kinh tế và tương lai của Trung Quốc. Một tuyên bố chính thức ủng hộ việc mở cửa về chính trị và kinh tế, đặc biệt là tại một nước láng giềng có vai trò chiến lược quan trọng, có thể được coi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm nêu bật sự cần thiết phải cải cách. Trên phương diện quốc tế, việc công khai kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt - vốn bị cho là không hiệu quả và chỉ gây phương hại cho dân thường - Trung Quốc giành thêm lợi thế về mặt đạo đức. Bằng cách này, Bắc Kinh có thể xây dựng hình ảnh của mình như một bên liên quan đầy đủ và có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế như Oasinhtơn từ lâu vẫn đòi hỏi. Việc Mianma mở cửa tạo ra nhiều thách thức đối với Trung Quốc, từ những lo ngại mất đi lợi ích chiến lược đến việc Mỹ tiến gần đến biên giới Trung Quốc, song Trung Quốc dường như hiểu rằng ngoài mối quan hệ về ý thức hệ, về lâu dài, yếu tố địa lý đóng vai trò quyết định trong các mối quan hệ quốc tế và Mianma không phải là trường hợp ngoại lệ. Do đó, nếu quản lý tốt, Trung Quốc sẽ tiếp tục gặt hái được những lợi ích khổng lồ từ việc tham gia vào tiến trình mở cửa của Mianma.

Theo "Stratfor" (ngày 6/4)

Vũ Hiền (gt)