Việc ông Tập Cận Bình dành tổng cộng 36 ngày để công du nước ngoài kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 3/2013 cho thấy nhà lãnh đạo này của Trung Quốc rất chú ý đến chính sách đối ngoại. Vậy chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình sẽ là gì và khác biệt thế nào so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào? Mặc dù các nhà quan sát Trung Quốc đã thảo luận nhiều về vấn đề này, song dường như vẫn còn quá sớm để đưa ra lời đáp cuối cùng. Thực tế cho thấy Trung Quốc ở ngã ba đường khi đưa ra một số quyết định chiến lược và điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng, và hiện có nhiều cuộc tranh luận nội bộ lớn liên quan đến những vấn đề này.

Một trong những tranh cãi lớn liên quan đến việc liệu Trung Quốc có nên tiếp tục thực hiện chính sách “che giấu sức mạnh và ẩn mình chờ thời” hay không? Một số người cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục chính sách này, và biện luận rằng việc kín tiếng trong các vấn đề đối ngoại sẽ thúc đẩy những mục tiêu tập trung vào phát triển kinh tế và vấn đề quốc nội của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng giờ là lúc cần từ bỏ chính sách này bởi Trung Quốc hiện đã là một cường quốc thế giới, vì thế cần phải đảm trách nhiều vai trò toàn cầu hơn và không nên ngại ngần sử dụng sức mạnh để theo đuổi và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Nhiều học giả đã coi chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một ví dụ mà Trung Quốc nên tiếp bước.

Một vấn đề tranh cãi lớn khác liên quan đến những giá trị và đạo đức mà Trung Quốc sẽ sử dụng để định hướng chính sách đối ngoại. Một số học giả Trung Quốc chỉ trích chính sách đối ngoại của chính phủ hiện nay thiếu vắng những giá trị và nguyên tắc chung cũng như thuần túy mang tính thực dụng trong các vấn đề đối ngoại. Theo họ, điều đó khiến chính phủ gặp khó khăn trong việc đưa ra những lựa chọn chính sách. Do không có giá trị để định hướng chính sách, chính phủ thường do dự và bối rối, như trong trường hợp “Mùa xuân Arập”, Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng Syria gần đây.

Trong bối cảnh những nguyên tắc cũ kĩ từ thời Chiến tranh Lạnh - như Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình - đã không còn mang tính thực tế, Bắc Kinh cần phải có những nguyên tắc và định hướng mới cho chính sách đối ngoại. Nếu không, điều này sẽ trở thành rào cản lớn với Trung Quốc khi đảm nhận một vai trò toàn cầu lớn hơn. Tranh luận về khoảng trống giá trị cũng phát triển thành tranh luận rằng liệu Trung Quốc có nên thông qua các tiêu chuẩn và giá trị của phương Tây thay vì tự xây dựng cho riêng mình, và rằng liệu có tồn tại những nguyên tắc và giá trị chung mà tất cả các nước đều có thể thực hiện hay không. Những tranh cãi này tiêu biểu cho một cuộc khủng hoảng bản sắc lớn đối với chế độ và Trung Quốc hiện nay.

Trung Quốc vẫn cần thời gian để làm quen với vị thế mới của mình là một cường quốc thế giới tiềm tàng và để hình thành chính sách đối ngoại. Nước này chưa chuẩn bị để đảm nhận vai trò lớn hơn và hiện chưa rõ nước này sẽ sử dụng sức mạnh mới của mình thế nào. Đó cũng là lí do tại sao cách nói “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình lại được sử dụng chủ yếu với các khán giả trong nước hơn là nước ngoài. Kể từ khi lên nắm quyền lực, Tập Cận Bình đã nhiều lần thảo luận về chính sách đối ngoại và giới ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã viết nhiều bài báo để giới thiệu về chính sách đối ngoại “mới” của ông.

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã tranh luận rằng hiện chính quyền mới tại Trung Quốc đang áp dụng một cách tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn trong chính sách đối ngoại. Dù thực tế là Bắc Kinh đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ, thậm chí là cứng rắn, song chính sách đối ngoại của một quốc gia cần được đánh giá dựa trên nền tảng hành động chứ không phải lời nói. Những khẩu hiệu và định hướng chung không thể thay thế cho hành động thực sự. Đến nay, Bắc Kinh chưa có một chính sách phát triển tốt trong nhiều vấn đề, cũng như có được sự diễn giải rõ ràng và chi tiết về định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới.

Ngoài ra, hiện cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng chính phủ đã có những thay đổi chính sách cụ thể trước các thách thức chính sách đối ngoại lớn, như tranh chấp ở Biển Đông, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, hay vấn đề Bắc Triều Tiên. Những tranh luận gần đây về quan hệ đối ngoại cũng được gắn kết chặt chẽ với chính trị trong nước. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng đã tạo nên một bối cảnh mới cho chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình. Bắc Kinh lâu nay vốn lưỡng lự trước thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến chủ nghĩa dân tộc. Cụ thể, trong khi chủ nghĩa dân tộc là hữu ích trong việc gắn kết người dân trong nước, nó lại ngáng trở khả năng theo đuổi một chính sách đối ngoại có lợi của Trung Quốc.

Một vấn đề cơ bản đối với Tập Cận Bình là làm thế nào để duy trì sự cân bằng giữa chính trị trong nước và quan hệ đối ngoại. Nhìn lại lịch sử chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể thấy rằng những thay đổi chính sách lớn thường diễn ra sau khi có sự thay đổi chính trị. Nếu như vậy, chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình sẽ chỉ có thể rõ ràng hơn sau kì họp toàn thể thứ ba của Đại hội 18 diễn ra vào tháng 11 tới, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa ra những quyết định về chính sách kinh tế và đối nội trong 4 năm tới.

 

Theo “The Diplomat

Thùy Anh (gt)