Đối với ông Lê Lương Minh và các nước thành viên ASEAN, một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu và cần tập trung sự chú ý là việc bắt đầu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, đưa ASEAN hướng tới một lập trường thống nhất trong các tranh chấp tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực này, bao gồm tuyến đường vận tải quan trọng và các khu vực giàu có nguồn tài nguyên. Việt Nam, Brunây, Malaixia, Philíppin và cả hòn đảo Đài Loan cũng có các tuyên bố chồng chéo tại khu vực này. Để khẳng định uy tín, tân Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã tuyên bố rõ ông sẽ ưu tiên giải quyết các tranh chấp nêu trên. Trong buổi lễ chuyển giao tại Giacácta (Inđônêxia), ông Lê Lương Minh nhấn mạnh ASEAN luôn mong muốn tìm ra một giải pháp cho vấn đề này và sẽ hối thúc Trung Quốc đàm phán.

Bên cạnh việc một số nước thành viên ASEAN - đặc biệt là Philíppin và Việt Nam - có tranh chấp với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông cũng gây chia rẽ tổ chức này. Việc các nước thành viên ASEAN không thể đồng thuận để đưa ra một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnôm Pênh (Campuchia) hồi tháng 7/2012 được cho là có sự cản trở của Campuchia theo mệnh lệnh của Trung Quốc, nước đang đầu tư rất nhiều vào Campuchia. Hiện giờ, khi Brunây giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, có rất ít khả năng Trung Quốc gây được ảnh hưởng như vậy, đặc biệt là khi Brunây cũng là một bên có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng Brunây đang có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Mọi chuyện đều có hai mặt, khó có thể phủ nhận việc các tuyên bố bá quyền của Trung Quốc đang công khai đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng Mỹ đang gây sức ép quá mức để ASEAN bác bỏ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc, điều có thể gây cản trở tự do đi lại mà hải quân Mỹ đang "được hưởng" trên Biển Đông. Trong những tuyên bố hồi tuần trước, ông Surin đã gián tiếp bày tỏ lập trường lúng túng của ASEAN liên quan tới cuộc chiến quyền lực trong khu vực giữa các siêu cường và sự cần thiết để ASEAN tiến bước trên con đường độc lập. Ông Surin cho rằng thách thức đối với ASEAN là việc thể hiện trạng thái chiến lược mới nhằm cân bằng giữa các siêu cường trong khu vực này. Không có một tổ chức hay cơ quan trung tâm nào bên cạnh ASEAN có khả năng thực hiện tính thống nhất và trạng thái chiến lược trong khu vực. Diễn đàn ASEAN là quan trọng nhất đối với tất cả các bên trong khu vực.

Để phát triển thành một tổ chức như vậy không những phải có một lập trường thống nhất về vấn đề lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông mà còn phải vượt qua được chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên như truyền thống. Trường hợp ngoại lệ hiện nay là cuộc xung đột sắc tộc ở Mianma. Mặc dù ASEAN và thế giới mong muốn Mianma thực hiện cuộc chuyển giao suôn sẻ sang một xã hội mở cửa, những rõ ràng điều đó vẫn chưa diễn ra. ASEAN nên gây sức ép để Nâypiđô thực hiện một cuộc hòa giải với các binh sĩ vũ trang thiểu số của nhà nước Kachin, nơi xung đột đang gia tăng kể từ tháng trước. ASEAN cũng nên tác động để Mianma tìm ra giải pháp cho vấn đề bạo lực sắc tộc ở nhà nước Rakhine. Trong tuyên bố cuối cùng của mình, ông Surin đã kêu gọi các thành viên ASEAN mở rộng sự trợ giúp nhân đạo cho Rohingya của Mianma. May mắn là nhờ sự can thiệp của chính phủ, ít có khả năng phán quyết sắp tới của Tòa án Quốc tế về vấn đề đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia phải cần tới sự can thiệp của ASEAN, kể cả khi nó không có lợi cho phía Thái Lan như mọi người hy vọng. 

Vũ Hiền (gt)