Trong các ngày từ 16-23/7 sẽ diễn ra một số hội nghị quốc tế quan trọng tại Bali (In-đô-nê-xi-a), bao gồm Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 44, Hội nghị sau hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (PMC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18. Các hội nghị này đang được các nước thành viên ASEAN, các nước châu Á và quốc tế ngày càng quan tâm vì chúng diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015. 

Hiện là Chủ tịch ASEAN, In-đô-nê-xi-a được kỳ vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động mọi sự ủng hộ để đối phó với những vấn đề vô cùng khó khăn, từ căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đến các vấn đề phi hạt nhân hóa. Theo ông Munabari, ARF được coi là diễn đàn đưa ra các giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn đối với các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực vì hai lý do: Thứ nhất, ARF là diễn đàn duy nhất trong khuôn khổ ASEAN, được thiết kế chủ yếu để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh chung, đồng thời tìm cách giải quyết. Thứ hai, ARF tạo cơ hội để ASEAN bày tỏ các mối quan tâm về an ninh khu vực, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ đối với các giải pháp cho những vấn đề này.

Mặc dù vậy, có không ít ý kiến chỉ trích rằng diễn đàn này chỉ là "nơi tụ tập nói chuyện hàng năm". 

Trong khi đó, với việc diễn ra một loạt cuộc họp sắp tới của ASEAN, có ít nhất ba vấn đề quan trọng đáng được xem xét kỹ: Thứ nhất, tranh chấp ở Biển Đông gần đây đã leo thang lên mức gây hấn. 

Thứ hai, tranh chấp lãnh thổ Thái Lan-Campuchia chưa được giải quyết nên càng cần phải nâng cao vai trò của ASEAN trong giải quyết xung đột giữa các thành viên với nhiều kết quả thực tiễn. ASEAN phải có cơ chế giải quyết xung đột mạnh mẽ hơn nhiều, chứ không chỉ dựa trên các nguyên tắc truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, thúc đẩy đối thoại và sự đồng thuận để giải quyết tranh chấp. Thứ ba, khôi phục các cuộc thảo luận về Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân khu vực Đông Nam Á (SEANWFZ) trong diễn đàn sắp tới là vấn đề đáng được quan tâm. Hiệp ước này, được 10 nước thành viên ASEAN ký tại Băng Cốc ngày 15/12/1995, là một công cụ có ý nghĩa thể hiện sự đóng góp của ASEAN vào việc hướng tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, chưa có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào ký văn kiện này. Do đó, việc nối lại các cuộc thảo luận về SEANWFZ trong các diễn đàn sắp tới rất có ý nghĩa vì ba lý do:

Thứ nhất, báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy tiến bộ trong việc hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai rất chậm chạp, đòi hỏi những nỗ lực tập thể để tăng cường cam kết toàn cầu không chấp nhận vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, trong Hội nghị xem xét về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại Niu Yoóc năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bật đèn xanh để tái khởi động các cuộc đàm phán SEANWFZ với ASEAN, ngụ ý một khả năng rằng "Chú Sam" sẽ ký SEANWFZ.

Thứ ba, Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a Marty Natalegawa đã tuyên bố In-đô-nê-xi-a sẽ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Trong thực tế, quá trình phê chuẩn CTBT đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ủy ban I, Quốc hội In-đô-nê-xi-a. Một cam kết như vậy chắc chắn sẽ là đòn bẩy của In-đô-nê-xi-a để thúc đẩy việc loại bỏ các vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả.

Ông Munabari kết luận: Hiện là lúc để In-đô-nê-xi-a đóng vai trò quyết định thúc đẩy những vấn đề ưu tiên trong các diễn đàn sắp tới, nếu không ARF sẽ chỉ là "nơi tụ tập để nói chuyện".

Theo Jakarta post

  Nhật Linh (gt)