Đối với vấn đề này, Người phát ngôn “Ủy ban Đại lục Viện hành chính” (chính phủ) Đài Loan tái khẳng định đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của “Trung Hoa Dân quốc”. Một tuần trước đó, người phát ngôn này đã nói rõ trước báo giới Đài Loan lập trường của Chính phủ Đài Loan là rõ ràng, “Trung Hoa Dân quốc” kiên trì chủ trương đòi chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư và Biển Đông, “không thể cùng giải quyết các vấn đề liên quan cùng Trung Quốc Đại lục”, “không thể hợp tác với Trung Quốc Đại lục”. 

Trong bối cảnh không khí bảo vệ đảo Điếu Ngư của hai bờ bừng bừng khí thế, ý kiến kêu gọi chính quyền hai bờ hợp tác cùng bảo vệ đảo Điếu Ngư cấp thiết hơn bao giờ hết, thế nhưng nhà cầm quyền Đài Loan lại tiếp tục duy trì chính sách đã định, làm cho hợp tác hai bờ trong vấn đề đảo Điếu Ngư không được thúc đẩy và chuyển sang hợp tác không chính thức. Đằng sau chính sách đảo Điếu Ngư của Chính quyền Mã Anh Cửu là gì? Hai bờ phải chăng vẫn có cơ hội hợp tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đảo Điếu Ngư? 

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư 

Khác với lập trường “Đài Loan chỉ có quyền ngư nghiệp, không có chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư” được tuyên bố sau khi Lý Đăng Huy từ nhiệm và “mặc dù có chủ quyền, nhưng ưu tiên quyền đánh bắt cá” của Dân Tiến đảng, lập trường và chính sách bảo vệ chủ quyền của Chính quyền Mã Anh Cửu đối với chủ quyền đảo Điếu Ngư dựa trên “Hiến pháp một nước Trung Quốc” của “Trung Hoa Dân quốc”, tiếp diễn lập trường nhất quán của Quốc dân đảng đối với vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư, “kiên trì chủ quyền vốn có, giải quyết hoà bình tranh chấp”.

Chính quyền Mã Anh Cửu tuyên bố “Trung Hoa Dân Quốc có chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư, từ nay về sau vẫn sẽ ra sức bảo vệ chủ quyền đảo này và bảo vệ an toàn cho ngư dân của chúng ta”; xét thấy tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư không thể giải quyết hoàn toàn trong thời gian ngắn, chúng ta chủ trương tranh chấp này không nên giải quyết bằng vũ lực, mà xử lý theo phương thức hoà bình”, nên “cùng nhau khai thác, cùng hưởng tài nguyên”. 

Từ năm 2008 đến nay, khi xảy ra nhiều lần khủng hoảng chủ quyền đảo Điếu Ngư, Chính quyền Mã Anh Cửu đều tái khẳng định kịp thời, rõ ràng và nghiêm túc lập trường chính sách kể trên. Có thống kê cho thấy, từ tháng 5/2008 đến cuối năm 2011, Chính quyền Mã Anh Cửu đã liên tục ra hơn 20 tuyên bố về vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư. Từ tháng 1/2012 đến nay, dưới sự khiêu khích nhiều lần của phía Nhật Bản, Mã Anh Cửu, “Viện hành chính”, “Ủy ban Đại lục Viện hành chính”, thậm chí “Bộ Quốc phòng” Đài Loan đều ra tuyên bố, tái khẳng định lập trường chủ quyền, đồng thời phản đối các động thái của Nhật Bản. Mã Anh Cửu chỉ rõ “Nhật Bản chiếm đoạt đảo Điếu Ngư là sự thật lịch sử”, “chúng ta một tấc cũng không thể nhượng bộ”. 
Đồng thời với kiên trì chủ quyền đảo Điếu Ngư, Chính quyền Mã Anh Cửu cũng sử dụng các biện pháp thực chất, cụ thể để bảo vệ chủ quyền. Cuối năm 2009, Chính quyền Mã Anh Cửu đã sửa đổi “đường cơ sở lãnh hải, ranh giới khu vực tiếp giáp và lãnh hải lần thứ nhất Trung Hoa Dân quốc”, đây là đường cơ sở lãnh hải được Chính quyền Đài Loan sửa đổi lần đầu tiên kể từ khi công bố năm 1999 đến nay. Trên cơ sở này, mức độ ủng hộ của Chính quyền Mã Anh Cửu đối với “Hội bảo vệ đảo Điếu Ngư” không ngừng tăng lên, nhấn mạnh bảo vệ an toàn cho những người bảo vệ đảo Điếu Ngư theo pháp luật, đồng thời phái tàu tuần tra đến hộ tống tại các vùng biển liên quan. 

Quyền bảo vệ chủ quyền của Chính quyền Mã Anh Cửu đối với đảo Điếu Ngư, nhìn từ mặt pháp lý “hai bờ cùng thuộc một Trung Quốc”, cần giúp cho việc hình thành sự hiểu ngầm giữa hai bờ về bảo vệ chủ quyền và tăng cường nhận thức quốc tế về “hai bờ cùng thuộc một Trung Quốc”; nhưng vì sao từ trước đến nay sự hợp hai bờ trong việc bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư đều dừng lại ở cấp độ phi chính thức, mức độ khó khăn trong hợp tác chính thức về mặt chính quyền lại không giảm? Từ trước đến nay, ý kiến kêu gọi hai bờ bắt tay bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư và cùng khai thác tài nguyên Biển Hoa Đông, Biển Đông không ngừng tăng lên, nhưng từ năm 1996 đến nay, Chính quyền Đài Loan luôn áp dụng thái độ xa cách hai bờ trong vấn đề chủ quyền Đông Hải, Biển Đông, tránh bắt tay cùng Đại lục. Từ sau khi Mã Anh Cửu lên cầm quyền, mặc dù nhiều lần tuyên bố lập trường đối với chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng trên bình diện hợp tác bảo vệ chủ quyền, lại tiến hành phân biệt với Đại lục, thể hiện rõ chủ trương không bắt tay với Đại lục trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. Mã Anh Cửu cho biết “đối với các tranh chấp liên quan đến chủ quyền đảo Điếu Ngư, hiện nay Đài Loan và Đại lục tự kháng nghị với Nhật Bản, hoàn toàn không có vấn đề hai bên phản đối lẫn nhau”, Đài Loan không bắt tay với Đại lục, “đây là vấn đề giải quyết giữa Đài Loan và Nhật Bản”. 

Tranh chấp chủ quyền giữa hai bờ 

Trước khi quan hệ chính trị hai bờ đạt được đột phá, sự hợp tác giữa hai bờ trong việc bảo vệ chủ quyền trên vấn đề đảo Điếu Ngư tồn tại nhiều trở ngại mang tính kết cấu. Việc xác định chính trị hai bờ luôn là vấn đề căn bản cản trở hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền. Ngày 18/9/2010, “Thời báo Trung Quốc” của Đài Loan có bài xã luận chỉ rõ “Chính phủ Trung Hoa Dân quốc bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư là “cây ngay không sợ chết đứng”, nhưng muốn hợp tác hai bờ, sẽ không thể tránh khỏi liên đới chủ quyền đảo Điếu Ngư rốt cuộc là thuộc Trung Hoa Dân quốc hay là Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa? Quốc gia khác cũng sẽ vì hợp tác hai bờ, mà nghi ngờ địa vị chủ quyền của Trung Hoa Dân quốc”; xã luận còn cho biết “trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, việc một mình bày tỏ quan điểm trái lại lại là cơ hội để Đài Loan bước lên vũ đài quốc tế”; “Đài Loan kiểm soát thực tế đảo Ba Bình của Việt Nam - đảo lớn nhất thuộc quần đảo quần đảo Trường Sa, một loạt đảo thuộc đảo Điếu Ngư” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đài Loan, cho dù đàm phán thế nào, muốn đạt được hiệp định, các bên đều không thể bỏ qua Đài Loan, đây mới là phương thức hữu hiệu nhất thể hiện chủ quyền thực chất”. Có học giả Đài Loan chĩ rõ trong bối cảnh quốc tế đều cho rằng “Trung Quốc” chính là nước CHND Trung Hoa, “hợp tác giữa hai bờ sẽ khiến các nước khác hoài nghi địa vị quốc gia chủ quyền của Đài Loan, đồng thời không thể tránh khỏi đặt ra vấn đề nghi ngờ chủ quyền đảo Điếu Ngư, Nam Hải thuộc Đại lục hay Đài Loan”. Trong vấn đề quy thuộc của đảo Điếu Ngư, thậm chí có học giả Đài Loan kiến nghị “thay” cách nói đảo Điếu Ngư là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”, thành đảo Điếu Ngư là “các đảo thuộc Trung Hoa Dân quốc”, nhằm xác lập sự quy thuộc chủ quyền, làm cho Đài Loan có quyền điều đình với Nhật Bản.

Đúng như các học giả Đài Loan từng cho biết: “Bất kể là tính toán đến an ninh quốc gia hay lợi ích quốc gia, mấu chốt ở chỗ chúng ta tự nghĩ như thế nào về nhận thức chung quốc gia”. Ý dân kể trên đã cho thấy rõ tư duy chính sách của Chính quyền Đài Loan: Nếu kiên trì chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư, Nam Hải, Đài Loan sẽ phải kiên trì thân phận độc lập có chủ quyền, nếu không kiên trì là một quốc gia độc lập chủ quyền thì sẽ không thể có, chủ quyền đảo Điếu Ngư, Biển Đông. Vì vậy, trước khi chưa giải quyết được vấn đề xác định chính trị hai bờ, Chính quyền Đài Loan sẽ không có bất cứ hành động liên kết nào với Đại lục trong phương diện bảo vệ chủ quyền, đường biên ngang của Chính quyền Mã Anh Cửu là vừa phải có lập trường dân tộc, vừa phải có tính chủ thể. Chính quyền Mã Anh Cửu cho biết “đối với bất cứ kiến nghị hợp tác khai thác nào, chính quyền đều sẽ tính toán thận trọng, đưa ra quyết định phù hợp nhất có thể cho lợi ích của Đài Loan”. Ngày 2/9/2010, Cục trưởng Báo chí của Chính quyền Đài Loan Giang Khải Thần cho biết, “Đài Loan sẽ tính toán tham gia đối với ý tưởng cùng khai thác không làm tổn hại đến chủ quyền, cũng không dẫn đến tranh chấp”. 

Ngày 5/8/2012, đối với đảo Điếu Ngư và các tranh chấp lãnh thổ khác tại Đông Bắc Á, Mã Anh Cửu đã đề xuất “kiến nghị hoà bình Đông Hải”, đại ý là: các bên liên quan tự kiềm chế, không làm gia tăng các hành vi đối lập; gác lại tranh chấp, không từ bỏ kênh đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, lấy phương thức hoà bình xử lý tranh chấp; tìm kiếm nhận thức chung, nghiên cứu đề ra các nguyên tắc chuẩn mực cho Đông Hải; xây dựng cơ chế, hợp tác khai thác tài nguyên Đông Hải. 

Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á bắt tay gây áp lực 

Mỹ, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á bắt tay gây áp lực đối với Chính quyền Mã Anh Cửu, đề phòng hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền, cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Chính quyền Mã Anh Cửu băn khoăn hiện nay. 

Cùng với thực lực quốc gia được nâng cao và sức ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc Đại lục được tăng cường, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nước này, Mỹ đã gia tăng sức ảnh hưởng về chính trị, quân sự đối với châu Á, không ngừng tăng cường “Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật” và củng cố hợp tác bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Ôxtrâylia, Mỹ-ASEAN.

Trong bối cảnh đó, đối mặt với tranh chấp đảo Điếu Ngư, Mỹ lúc công khai, lúc âm thầm ủng hộ Nhật Bản khiêu khích tranh chấp để phản đối Trung Quốc. Tháng 8/2010, Chính phủ Mỹ một lần nữa tuyên bố đảo Điếu Ngư “vẫn dưới sự quản lý hành chính của Nhật Bản, ‘Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật’ năm 1960 có hiệu lực khẳng định đây là lãnh thổ nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản”. Ý đồ chiến lược của Mỹ là thực hiện phối hợp với Chính quyền Đài Loan. Cùng với sự cải thiện quan hệ hai bờ, Mỹ cũng liên tục nghi ngờ thành ý hợp tác của Chính quyền Đài Loan với Mỹ. Tháng 6/2010, sau khi xảy ra “sự kiện tàu Cheonan”, một chuyên gia của tổ nghiên cứu Quốc hội Mỹ công khai bày tỏ nghi ngờ “vì sao Đài Loan là đồng minh lâu dài của Mỹ lại không có lập trường nhất trí với Mỹ, Nhật, Hàn, cùng lên án Bắc Triều Tiên tấn công tàu Cheonan”. Trong vấn đề giải quyết như thế nào quan hệ với Đại lục, Mỹ yêu cầu Chính quyền Đài Loan phải đứng về phía lập trường của đồng minh. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Schriver nhắc nhở Đài Loan “đồng thời với việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc Đại lục, cần thể hiện rõ ràng Đài Loan vẫn là một thành viên của mặt trận dân chủ, mới có thể đứng trên vị trí chiến lược đúng đắn trong cục diện mới của châu Á-Thái Bình Dương đang biến động”. 

Dưới sự ủng hộ của Mỹ, thái độ của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư trở nên cứng rắn và “được ăn cả ngã về không”. Nhật Bản cho rằng hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền sẽ tạo ra những mối nguy hại vô cùng to lớn đối với lợi ích và an ninh của mình. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Naoki cho rằng hai bờ bắt tay sẽ khiến cho “chuỗi đảo thứ nhất biến thành nội hải của Trung Quốc, ngăn cản Nhật Bản và việc bảo vệ tuyến đường sinh mệnh trên biển của Nhật Bản sẽ hết sức khó khăn”, việc này liên quan đến “sự sinh tử” của Nhật Bản. Do chịu thiệt hại nghiêm trọng trong trận động đất năm 2011, kinh tế Nhật Bản bị tác động mạnh bởi hai nhân tố là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thiên tai. Để ngăn chặn hai bờ hợp tác, Chính phủ Nhật Bản áp dụng nhiều biện pháp cứng, mền đối với Chính quyền Mã Anh Cửu. Một mặt không ngừng tuyên bố cứng rắn chủ quyền đối với vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư, mặt khác dụ dỗ Đài Loan, trông chờ tìm bước đột phá trong tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư từ phía Đài Loan. Tháng 12/2010, tại “Diễn đàn Đài-Nhật” lần thứ 9 tổ chức tại Đài Bắc (Đài Loan), rất nhiều chính khách, nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản tham dự diễn đàn cùng bày tỏ gác tranh chấp chủ quyền với Đài Loan, ưu tiên tiến hành khơi thông trong vấn đề ngư nghiệp; nghị sĩ đảng Dân chủ Nhật Bản Naoki Kazama lần đầu tiên truyền thông điệp có thể tiến hành khơi thông với Đài Loan xung quanh tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Nobuo lại đề xuất quân đội Nhật-Đài xây dựng hợp tác an ninh vùng biển, tổ chức diễn tập cứu hộ cứu nạn nhằm tăng cường quan hệ song phương. 

Sau khi thấy rõ ý đồ chiến lược của Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin cũng muốn dụ dỗ, uy hiếp Đài Loan, ngăn chặn Đài Loan bắt tay với Đại lục trong vấn đề Biển Đông. Đối với việc Chính quyền Đài Loan phụ thuộc nặng nề vào Mỹ trong vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh, bắt tay với Đại lục là có ý đồ chiến lược phản đối Mỹ và Nhật Bản, thoát ly “mặt trận dân chủ”, có nghĩa “chiến lược an ninh quốc gia” bị thay đổi triệt để, điều này rõ ràng là một thách thức to lớn mà Chính quyền Mã Anh Cửu, khó có thể gánh vác. Vì thế, với thực lực yếu, Chính quyền Mã Anh Cửu đành phải liên tục đưa ra cam kết ủng hộ “Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật”, tiếp tục tuyên bố “tuyệt đối không bắt tay Đại lục chống Nhật”. 

Tư duy Chiến tranh Lạnh và thái độ “thân Mỹ sơ Trung” 

Tư duy Chiến tranh Lạnh và thái độ “thân Mỹ sơ Trung” đang tồn tại phổ biến trên hòn đảo Đài Loan. Dưới thái độ này, phe màu Lam (Quốc dân đảng) tại Đài Loan không muốn thấy Đại lục kiểm soát hoàn toàn Biển Đông mà “gây nguy hiểm” cho an toàn tuyến giao thông trên biển của Đài Loan, cố ý lấy lập trường dân tộc làm đường biên ngang, hy vọng Biển Đông ủng hộ trì thế cân bằng, đồng thời củng cố lực lượng phòng vệ hiện có của Đài Loan tại Biển Đông. Để hoàn thành việc đo vẽ bản đồ thềm lục địa vùng biển xung quanh Đài Loan, chủ trường phạm vi chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế Đài Loan trên trường quốc tế, tháng 4/2009, Đài Loan đã phối hợp với tàu tuần tra Mỹ, khi chưa được phép của Đại lục, tiến hành hoạt động đo đạc bản đồ tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa vùng biển Đông Hải của Đại lục, bị tàu hải giám của Trung Quốc Đại lục xua đuổi, các nhà khoa học Đài Loan đi trên tàu lại nói “hải quân Trung Quốc không có quyền xua đuổi chúng tôi”! từ chối nghe theo cảnh cáo yêu cầu rời khỏi khu vực này của tàu hải giám Đại lục. Thái độ “thân Mỹ sơ Trung” của Chính quyền Đài Loan có thể thấy rõ. Tháng 8/2010, khi một Thượng nghị sĩ Mỹ hội kiến với “Viện trưởng Lập pháp” Đài Loan Vương Kim Bình, đã chất vấn thái độ của Trung Quốc Đại lục trên vấn đề Biển Đông có xu hướng quá cứng rắn, Vương Kim Bình lại lấy việc Đài Loan “tăng quân đồn trú tại Biển Đông”, đã xoa dịu nghi ngờ của phía Mỹ, hàm ý tiết lộ trong đó đã tương đối rõ ràng. 

Phe màu Lục (Dân tiến đảng) càng ra sức ngăn cản hai bờ bắt tay bảo vệ chủ quyền, tình nguyện làm công cụ bao vây Trung Quốc, cho nên trong vấn đề đảo Điếu Ngư, phái màu Lục đã đề xuất ý tưởng “liên kết với Nhật kiềm chế Trung Quốc”. Thậm chí có học giả phe màu Lục kiến nghị, “lợi ích chiến lược của Đài-Nhật trong việc bao vây Trung Quốc là thống nhất, vì vậy cần thiết lập cơ chế hợp tác an ninh trên biển với Nhật Bản”. Trong vấn đề Nam Hải, phe màu Lục đề xuất tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, bắt tay ngăn chặn Đại lục mở rộng sức mạnh ra biển. Tháng 9/2010, trong báo cáo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu Đài Loan nói rằng “Đài Loan không thể tiếp tục quá thân Đại lục”, “để tránh xa vào ‘liên kết với Đại lục kiềm chế bên ngoài’, phá vỡ vành đai bao vây chuỗi đảo”. Một bài viết “chuyên luận cuối tuần” của “Thời báo Tự do” nói “Mỹ thực hiện chính sách lôi kéo đối với Trung Quốc, kết quả hoàn toàn ngược lại”, “cho nên chính sách hiện nay áp dụng tương đối hiện thực, liên kết với các quốc gia châu Á, ngăn chặn bá quyền Trung Quốc”, kêu gọi Mã Anh Cửu sớm hồi tỉnh, không muốn “biến Đài Loan thành ‘Bắc Hàn thứ hai’”. 

Do tư duy Chiến tranh Lạnh và thái độ “thân Mỹ sơ Trung”, “liên kết Nhật Bản chống Đại lục” trong nội bộ đảo Đài Loan, cũng khiến Chính quyền Mã Anh Cửu áp dụng thái độ xa cách với Đại lục trong vấn đề bắt tay bảo vệ đảo Điếu Ngư./.

 

Chuyên gia Từ Thanh, Tạp chí “Tri thức Thế giới” (Trung Quốc)

Thùy Anh (gt)