Nhưng Penfabric, một công ty dệt ở Penang, Tây Bắc Malaysia, đang không chờ đợi. Ở một trong các nhà máy của công ty này, những lá cờ vàng nhạt phân biệt các cuộn vải cao cấp với vải rẻ tiền. Gần đây, những lá cờ này đã bắt đầu nhân lên. H. S. Teh, giám đốc điều hành của Penfabric, nói: “Chúng tôi cần phải bắt nhịp với những gì Mỹ muốn”.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất trong nhiều năm. Nếu được hoàn thành, nó sẽ là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất từ trước tới nay, với các thành viên chiếm gần 40% kinh tế toàn cầu. Những nước dẫn đầu các cuộc đàm phán muốn tạo ra một tiêu chuẩn mới cho các thỏa thuận thương mại. Họ đang xử lý một mớ các quy tắc, như quy tắc tỷ lệ nội địa hóa quyết định bao nhiêu phần của một sản phẩm phải được sản xuất từ đầu vào của địa phương, những quy tắc này đã thay thế thuế quan trở thành trở ngại lớn nhất cho dòng hàng hóa tự do qua các biên giới. Sau nhiều lần liên tiếp không đạt được các thỏa thuận toàn cầu lớn – Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chuyển trọng tâm của mình sang các ngành công nghiệp cụ thể thay vì những thỏa thuận toàn diện – TPP thực sự có nhiều cơ hội thành công. Một cuộc họp của các bộ trưởng thương mại ở Maui từ ngày 28-31/7 được chờ đợi sẽ hoàn tất thỏa thuận này.

Khó có thể đánh giá những lợi ích chính xác của TPP, nhất là vì các cuộc đàm phán thương mại vẫn còn đang được giữ kín. Những nhà quan sát chỉ trích vì sự thiếu thông tin tuy nhiên nếu công khai các đàm phán chắc chắn sẽ phá tiến trình chung của TPP. Các chính phủ sẽ có vài tháng để xem xét lại thỏa thuận cuối cùng trước khi quyết định có đồng ý hay không.

Ngay cả khi các chi tiết được công khai, sẽ vẫn khó có thể đánh giá được tác động. Nghiên cứu chính thức nhất, do Viện Peterson về kinh tế quốc tế công bố, cho rằng TPP sẽ mở rộng các nền kinh tế của 12 nước thành viên thêm 285 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng, giống như với bất kỳ mô hình kinh tế nào, hiện thực phức tạp hơn. Lợi ích có thể nhỏ hơn nếu việc miễn giảm thuế quan đánh mất đi tác động của nó – chẳng hạn, Nhật Bản vẫn đang tìm cách bảo vệ lương thực “thiêng liêng” của họ, như gạo, lúa mì và thịt bò trước hàng nhập khẩu. Nhưng thông qua những tác dụng phụ – chẳng hạn, nếu công nghiệp Việt Nam trở nên hiệu quả hơn – lợi ích cũng có thể lớn hơn. 

Tuy nhiên, việc tìm cách xác định giá trị chính xác của thỏa thuận là không nắm bắt được vấn đề. Nó được cho là mở rộng, thu hút thêm nhiều nước. Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia. Hy vọng là cuối cùng nó cũng thu hút Trung Quốc. Nếu khu vực 12 nước ban đầu được mở rộng lên 17, lợi ích có thể lớn hơn nhiều. Thứ hai, TPP không hoàn toàn là cắt giảm thuế quan (chúng vốn đã thấp sau nhiều năm tự do hóa thương mại) mà thay vào đó là đặt ra những quy tắc mới cho thương mại toàn cầu.

Bằng việc đặt Trung Quốc ra ngoài, Mỹ trong một chừng mực nào đó đã dùng cách thức đàm phán có lợi cho mình. Mặc dù các công ty do nhà nước sở hữu ở Malaysia hay Việt Nam muốn bảo vệ lĩnh vực của họ nhưng họ lại không có đủ sức mạnh như các công ty ở Trung Quốc. Nhưng nếu TPP được tiến hành và chứng tỏ là thành công, Trung Quốc có thể buộc phải gia nhập, hoặc ít nhất đồng ý với những hiệp ước có các tiêu chuẩn tương tự. Zhou Mi, một nhà nghiên cứu thuộc một cơ quan tư vấn chiến lược của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết: “Nếu Trung Quốc không thúc đẩy những ý tưởng của riêng mình về thương mại, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của các nước khác”.

Những quy tắc mà Mỹ đang thúc đẩy đã phải đối mặt với chỉ trích, tuy nhiên một số có cơ sở, một số thì không. Điều gây tranh cãi là một yêu cầu từ các công ty dược phẩm lớn về 12 năm đóng băng chia sẻ dữ liệu đối với một nhóm thuốc mới gọi là “biologics”, theo lập luận của họ là để khuyến khích đổi mới nhiều hơn. Các nhóm như Medecins Sans Frontieres nói rằng điều này sẽ đi quá xa và cản trở sự phát triển của các lựa chọn thay thế rẻ hơn cần thiết cho các nước nghèo. Những người hiểu về các cuộc đàm phán nói rằng điều khoản riêng về dữ liệu có thể được dời lại, có lẽ đến 7 năm.

Các quy tắc khác được chào đón hơn. Một số nhà kinh tế đã lưu ý trọng tâm của TPP về tài sản trí tuệ và cơ chế của nó cho phép các nhà đầu tư khởi kiện các nhà nước, và kết luận rằng nó giống với một nghị trình chính trị hơn là một thỏa thuận thương mại tự do. Nhưng những điều khoản như vậy không chỉ có một không hai với TPP. Và sự táo bạo của nó trong việc giải quyết các quy tắc vốn đang phá hoại guồng quay của thương mại toàn cầu là đáng khen ngợi. Các công ty xuyên quốc gia biết rằng những quy tắc tỷ lệ nội địa hóa có thể chỉ mang tính méo mó như thuế quan. Matt Hobbs, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ của General Motors, nói: “Ở Đông Nam Á, người ta cơ bản phải chế tạo những chiếc xe hơi ở đất nước mà họ muốn bán chúng”.

Các cuộc đàm phán TPP đã diễn ra từ năm 2010 và có thể sẽ có căng thẳng trong những tuần cuối cùng. Một số người cho rằng Canada có thể rời bỏ nhóm này nếu các nông dân ngành bơ sữa của nước này không được bảo vệ. Malaysia có thể bị đẩy ra ngoài vì những lo ngại của Mỹ về nạn buôn bán người. Ở Mỹ, Quốc hội có thể nhấn chìm thỏa thuận này, dù những lợi ích cho các nông dân nuôi bò, nhà sản xuất xe hơi và các công ty dược có thể làm thay đổi cán cân theo hướng có lợi. Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với sự phản tác dụng ở trong nước nếu nước này mở cửa với thương mại nông nghiệp. Nhưng với tư cách là một trung tâm của đổi mới, nước này quan tâm mạnh mẽ đến TPP. Theo chuyên gia Matthew Goodman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Nhật Bản là một đồng minh then chốt với Mỹ khi đòi hỏi những quy tắc thương mại khắt khe hơn.

Hội chứng Trung Quốc

Cuối cùng, để TPP thực sự tạo được dấu ấn, nó phải lớn hơn. Bỏ Trung Quốc ra ngoài là một cách thức để hoàn tất thỏa thuận nhưng nếu cứ duy trì cách đó, đó sẽ là một kẽ hở lớn. Trung Quốc là nhà chế tạo lớn nhất thế giới. Bất kỳ khu vực thương mại nào của châu Á mà không có nước này sẽ phải đối mặt với một trong hai số phận đáng tiếc. Hoặc, vì vị trí trung tâm của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng của châu Á, thỏa thuận đó có nhiều kẽ hở với những sự miễn trừ tới mức nó trở nên vô giá trị. Hoặc, nếu khu vực đó thu hút động lực, thì tác động đó sẽ là làm chệch hướng thương mại ra khỏi các công ty Trung Quốc hiệu quả nhất và làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.

TPP có thể phải đối mặt với cả hai vấn đề. Chẳng hạn, trong ngành dệt may, các nhà máy của Việt Nam và Malaysia mong đợi được cho phép tiếp tục đưa vải vóc từ các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ tới những nước bên trong khu vực thương mại mà không thể sản xuất ra chúng. Sự miễn trừ này có thể rất lớn. Trong khi đó, các nhà sản xuất quần áo Việt Nam và Malaysia thừa nhận việc loại bỏ thành phẩm của Trung Quốc sẽ giúp họ chống lại sự cạnh tranh khắc nghiệt nhất đối với họ - khó có thể là lý tưởng của thương mại tự do. 

Tuy vậy, ở các lĩnh vực khác, TPP có thể tạo ra những tác động tốt. Các quy tắc để bảo vệ quyền lao động, củng cố các biện pháp bảo vệ môi trường và hạn chế trợ cấp dành cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước nên đi xa hơn bất cứ thỏa thuận thương mại trước đây nào. Các quan chức ở Trung Quốc, những người từng coi TPP là một quân cờ thí để cô lập nước này, giờ đây nói bóng gió về việc muốn gia nhập câu lạc bộ. Chuyên gia Jayant Menon thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết: “Đó sẽ không phải là thỏa thuận mang tiêu chuẩn vàng người ta đang nói đến, và họ sẽ may mắn nếu có được tiêu chuẩn bạc. Có lẽ nó sẽ là một tiêu chuẩn đồng”. Tuy nhiên, với các cuộc đàm phán thương mại đầy tham vọng đang được tiến hành, thậm chí một tiêu chuẩn đồng cũng đã là chói lọi./.

Theo The Economist

 Thùy Anh (gt)