20743377_images1413162_asean121.jpg

Ngày 10/6, lãnh đạo 26 nước châu Phi đã ký Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Ba bên (TFTA), hiệp định này bao trùm toàn bộ khu vực châu Phi, từ cực nam Cape Town đến tận cùng cực Bắc là Cairo, với dân số vào khoảng gần 600 triệu người và GDP của toàn bộ khu vực đạt 1.000 tỷ USD.

Trong khi đó, nhìn lại khu vực Đông Nam Á, đường phát triển kinh tế xuất hiện sự đình trệ. Năm 2007, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13, các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN đã ký bản lộ trình thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC), cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu này vào năm 2015. Tám năm đã trôi qua, những điều mong mỏi tốt đẹp năm xưa không còn, hiện ASEAN đang phải đối mặt với một sự thật phũ phàng, ba vấn đề chủ yếu là hàng rào mậu dịch phi thuế quan, hàng rào mậu dịch dịch vụ và hiệp định bầu trời mở vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cuối cùng nào.

Nếu so châu Phi sau khi ký TFTA với ASEAN, chúng ta nhận thấy một cảm giác lo ngại thực sự: tổng dân số của hai bên gần như nhau, song diện tích khu vực châu Phi rộng hơn, tài nguyên thiên nhiên cũng phong phú hơn, sau khi TFTA chính thức được thực hiện, do hàng rào mậu dịch được dỡ bỏ, các hoạt động về kinh tế và sử dụng lao động của khu vực này sẽ được tự do ở mức độ rất lớn, GDP của các nước sẽ tăng lên rất nhanh, và hoàn toàn có khả năng vượt qua tổng giá trị GDP 23.000 tỉ USD của ASEAN trong tương lai. Đến khi đó, liệu ASEAN có còn trở thành một thị trường lớn thứ tư thế giới sau EU, Mỹ và Trung Quốc hay không?

“Có thể lựa chọn người hàng xóm nhưng không thể lựa chọn nước láng giềng”, 10 nước ASEAN cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á cần phải nhận thức rõ về điều này và cố gắng vượt qua những trở ngại vốn khiến cho tiến trình “thành lập cộng động chung” bị đình trệ.

Đầu tiên là do vấn đề địa lý dẫn tới những tranh chấp về lãnh thổ giữa các nước thành viên. Campuchia và Thái Lan tranh chấp ngôi đền Preah Vihear hồi năm 2008. Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines có tranh chấp đảo chưa được giải quyết. Sự bất hòa giữa các nước thành viên tất nhiên không có lợi cho bầu không khí hội nhập của toàn bộ khối. Xóa bỏ quá khứ không tốt, thông qua thương lượng và đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng mâu thuẫn là việc mà các nhà lãnh đạo và người dân các nước ASEAN cần làm. Chúng ta có thể thấy rằng Malaysia và Singapore chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Pedra Branca, tạo nên hình mẫu trong việc thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các nước láng giềng.

Thứ hai, sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa giữa các nước thành viên. Brunei và Indonesia là nước Hồi giáo; Thái Lan, Myanmar và Campuchia là Phật giáo; Công giáo là tôn giáo chính của Philippines; Việt Nam và Lào lại là chủ nghĩa xã hội “vô thần”. Cầu đồng tồn dị, tôn trọng văn hóa và tôn giáo của nhau là nguyên tắc hợp tác và giao lưu mà các nước ASEAN cần phải tuân thủ.

Thứ ba, sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên. Theo số liệu của IMF, so sánh về GDP bình quân đầu người trong năm 2014 giữa các nước trong khối thấy rằng khoảng cách giữa nước cao nhất (Singapore) và nước thấp nhất (Campuchia) chênh lệch nhau 56 lần, trong khi con số này ở EU chỉ là 15 lần.

Sự mất cân đối về phát triển kinh tế trong nội bộ khu vực không có lợi cho sự phối hợp chính sách kinh tế giữa các thành viên, và cũng dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của một số nước kém phát triển. Đối với vấn đề này, thực ra cần phải đẩy nhanh giải quyết việc nhất thể hóa nền kinh tế khu vực, chỉ có loại bỏ hàng rào thuế quan và các rào cản thương mại, bảo đảm thống nhất chính sách đầu tư, mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.

Thứ tư, một số nước thành viên không thể giải quyết được các mâu thuẫn nội bộ. Tình hình chính trị Thái Lan vẫn chưa thật sự trở lại ổn định sau cuộc đảo chính gần đây; Myanmar vẫn còn chiến tranh ở biên giới giữa quân chính phủ và quân Kokang; Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang đứng trước áp lực phải từ chức. Những bất ổn này khiến cho lãnh đạo các nước có sự cố đó không thể dứt ra được và đương nhiên sẽ có thái độ thờ ơ đối với các vấn đề của khu vực. Tất nhiên, việc trong nước còn chưa giải quyết xong thì làm sao giải quyết được vấn đề của khu vực?

Thứ năm, thiếu một nhân tố trung tâm để duy trì đoàn kết. Với một đội bóng vô địch, trong số 11 cầu thủ trên sân nhất định phải có một thủ lĩnh có phẩm chất và kỹ năng dẫn dắt xuất sắc. Những nhân vật thuộc cấp “thủ lĩnh” như vậy có thể sử dụng “ảnh hưởng” của mình để giải quyết các mối quan hệ nội bộ trong lúc bình thường, và khi có sự cố sẵn sàng đứng lên dẫn dắt tập thể vượt qua khó khăn. Tương tự như vậy, hợp tác kinh tế khu vực cũng cần có sự chỉ huy và dẫn dắt của một nền kinh tế trung tâm. Tuy nhiên, quan sát thực tế hiện nay trong số 10 nước ASEAN vẫn còn chưa thấy nước nào hội tụ đủ các yếu tố cần thiết của một “thủ lĩnh” như vậy.

Theo “Liên hợp Buổi sáng”