Những bài viết này cho thấy tín hiệu thay đổi tư duy chiến lược quân sự của PLA. Trong giai đoạn đầu năm 2014, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc nghiên cứu về chiến lược quân sự của Trung Quốc, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn cải thiện công tác “quốc phòng và xây dựng lực lượng quân sự”. Hai bài báo lớn - được đăng trên "Tạp chí Học tập", chuyên về lĩnh vực tư tưởng, của trường Đảng Trung ương Trung Quốc và "Nhật báo Quân Giải phóng - đã đưa ra những cách lý giải khác nhau về tình hình hiện nay của Trung Quốc và tương lai của quân đội nước này, trong khi một cơ quan báo chí lớn hơn cho rằng những quan ngại về vấn đề quân sự đã được thừa nhận là các vấn đề “chiến lược”. 

Ý kiến đầu tiên trong số những bài viết này đưa ra một quan điểm lạc quan bắt nguồn từ khái niệm “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhấn mạnh sức mạnh đang tăng của Trung Quốc và kêu gọi xây dựng một lực lượng quân sự phù hợp với vị thế là một cường quốc toàn cầu. Bài viết có nhan đề “Giấc mơ Trung Hoa trước ngưỡng cửa Giấc mộng một quân đội hùng mạnh” trên "Thời báo Học tập" ra ngày 27/1 có đoạn: “Giấc mơ Trung Hoa thúc đẩy tư duy quân sự mới: Quá trình tăng cường sức mạnh quân sự phải phù hợp với sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc, giải quyết ổn thỏa những vấn đề về chiến lược quân sự và thiết lập một chiến lược quân sự bảo vệ sự phát triển quốc gia và hỗ trợ việc đạt được vị thế cường quốc lớn”. 

Bài viết trên "Thời báo Học tập" kêu gọi Trung Quốc thực hiện một chiến lược “sức mạnh quân sự hướng ra bên ngoài” và phát triển “sức mạnh quân sự toàn cầu một cách hạn chế” phù hợp với những lợi ích toàn cầu. Trong khi tái khẳng định cam kết với những hứa hẹn của Trung Quốc về việc không “theo đuổi mộng bá quyền” hay thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài, bài viết cũng kêu gọi xây dựng một quân đội Trung Quốc đủ khả năng bảo vệ các tuyến đường biển nằm ở những nơi xa xôi, thực hiện các trách nhiệm toàn cầu như tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế. 

"Nhật báo Quân Giải phóng" số ra ngày 4/2 có bài viết với nhan đề “Làm thế nào để đối mặt với Chiến trường Thầm lặng về Vận mệnh quốc gia” (được đăng lại trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc), nhấn mạnh mối đe dọa về việc bị các cường quốc quân sự cạnh tranh khác hất cẳng và khó khăn trong việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trước những tuyên bố chủ quyền biển của các nước láng giềng. Bài báo này lập luận rằng hoàn cảnh thay đổi đòi hỏi phải liên tục điều chỉnh chiến lược quân sự, đồng thời trích dẫn một phương châm nổi tiếng của Tôn Tử: “Trong thời bình, chuẩn bị cho chiến tranh” để cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc thiếu một "ý thức về nguy cơ": “Sự thiếu ý thức về nguy cơ chính là nguy cơ lớn nhất”. 

Bài viết này đề cập đến những sáng kiến chiến lược của quân đội Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông và của Mỹ, đồng thời lập luận rằng các cuộc chiến tranh nhỏ và thường xuyên đã giúp quân đội Mỹ tham gia vòng quay tự kiểm tra và đổi mới đầy quan trọng. Bài viết thậm chí còn cho rằng các chuyên gia chiến lược của Mỹ đã cố tình làm trầm trọng các mối đe dọa để thúc đẩy tiến trình này. "Nhật báo Quân Giải phóng" đưa ra những đề xuất cụ thể về việc xây dựng một quân đội theo kịp với thời đại. Bài viết kêu gọi tiến hành “chiến tranh thông tin” và thiết lập các cơ cấu chỉ huy chung. Tác giả bài viết cũng cho rằng chiến lược hải quân của Trung Quốc nên trở thành cốt lõi của tư duy chiến lược mới, với lập luận “hiện nay, tình hình bên ngoài ngày càng nghiêm trọng". Theo bài viết, đối mặt với thách thức này, quân đội Trung Quốc cần phải có “sự phòng thủ chủ động và tích cực” ở ngoài xa bờ biển nước này. 

Xung quanh hai đánh giá này, các báo của quân đội và đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng các bài viết về đổi mới chiến lược, đánh giá những nỗ lực trong phát triển quân sự ở các quốc gia khác và đề xuất những trọng điểm phát triển quân sự của Trung Quốc. Các bài viết đều tập trung vào việc “xây dựng và củng cố quân đội”, phát triển các hệ thống và các cơ cấu chỉ huy có tác dụng tăng cường sức mạnh quân sự. Những đề xuất này chủ yếu nằm trong hai khía cạnh: Thứ nhất là áp dụng thuyết “phát triển khoa học” của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; thứ hai là một nỗ lực nhằm hưởng ứng và cạnh tranh với đổi mới quân sự của Mỹ.

Mỹ Anh (gt)