Mọi cuộc điện đàm giữa các nhà ngoại giao cấp dưới thường không được dư luận quan tâm, song cuộc điện đàm giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin hôm 20/7 về cuộc khủng hoảng Ukraine là một ngoại lệ. Điều này cũng tái khẳng định rằng những tiến triển trong vấn đề Ukraine - cho dù được giải quyết hay tiếp tục leo thang - sẽ được định hình bởi Moskva và Washington, chứ không phải bởi Kiev. 

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra cách đây gần 18 tháng, có hai cuộc đàm phán đặc biệt được nhiều người quan tâm. Đầu tiên là cuộc đàm phán tại Minsk (Belarus) giữa đại diện chính phủ Ukraine, các phần tử ly khai thân Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Cuộc đàm phán này tập trung giải quyết các khủng hoảng về mặt kĩ thuật. Thứ hai là cuộc đàm phán Normandy giữa các đại diện đến từ Ukraine, Nga, Đức và Pháp, xem xét các cuộc khủng hoảng trên ở góc độ chính trị rộng hơn. Điều đáng chú ý là Mỹ, mặc dù là một bên đóng vai trò chính trong việc giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, lại vắng mặt trong cả hai cuộc đàm phán. Washington đã tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao liên quan đến cuộc khủng hoảng, nhưng quan chức của cả Mỹ và Nga chỉ gặp nhau trên cơ sở các nhóm công tác đặc biệt. 

Tuy nhiên, thực tế trên có thể đã thay đổi vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho biết Nga và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận là thành lập một "khung quan hệ song phương đặc biệt". Ông Lavrov cho biết việc mở rộng đàm phán Normandy để Mỹ tham gia là quá "mạo hiểm", và rằng hai nước sẽ phối hợp các cuộc đàm phán song phương về Ukraine "trong thời gian thích hợp". Vì vậy, sau cuộc điện đàm vừa qua giữa bà Nuland và ông Karasin nhằm thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận Minsk và quá trình cải cách hiến pháp ở Ukraine, rất có thể sẽ có các cuộc điện đàm tiếp theo. 

Cốt lõi của cuộc khủng hoảng tại Ukraine là tranh chấp về địa chính trị sống còn đối với Nga. Nga muốn bảo vệ lợi ích bằng cách thiết lập các vùng đệm tại các khu vực lân cận. Trong khi đó, Mỹ lại muốn ngăn chặn sự nổi lên của các cường quốc khu vực có thể thách thức vị thế bá chủ của Mỹ. 

Nếu Ukraine ủng hộ Moskva, Nga sẽ nổi lên trở thành một cường quốc khu vực. Nếu Ukraine ủng hộ phương Tây, Nga sẽ trở nên dễ bị tổn thương. Phong trào Maidan (Biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu ở Ukraine) diễn ra vào tháng 2/2014 đã làm đảo ngược vị thế của Nga tại Ukraine. Moskva phản ứng bằng cách sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng nổi dậy đòi ly khai ở miền Đông Ukraine trong nỗ lực nhằm làm suy yếu hoặc trung hòa chính phủ thân phương Tây của Kiev. 

Đến nay, kế hoạch của Nga đã không thành công. Ukraine thậm chí còn gắn chặt hơn với phương Tây thông qua việc theo đuổi hội nhập sâu hơn về kinh tế và chính trị với Liên minh châu Âu, hợp tác chặt chẽ hơn với NATO về an ninh và quân sự . Mối quan hệ gần gũi của Ukraine với NATO làm Nga đặc biệt lo ngại, vì từ lâu Nga đã sợ việc làm này sẽ đẩy biên giới của liên minh quân sự NATO tới sát biên giới Nga. Moskva đã có nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của NATO tại khu vực. Năm 2008, Nga đã gây áp lực ngoại giao đối với Gruzia khi nước này tuyên bố liên minh với NATO. Điều này cho thấy mối quan tâm của Nga đối với việc mở rộng ảnh hưởng của NATO thậm chí còn lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. 

Lâu nay, Nga luôn nghi ngờ Mỹ tìm cách gây ảnh hưởng ở khu vực ngoại vi của mình, điều này làm cho các cuộc hội đàm thường kỳ song phương giữa hai nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ở khía cạnh nào đó, cả hai quốc gia có đủ sức mạnh để định hình kết quả chính trị và quân sự ở Ukraine chứ không phải là chính phủ Ukraine hiện nay và phe ly khai. Việc tổ chức các cuộc đàm phán như vậy không nhất thiết phải đi đến cái đích là một nghị quyết hoặc thậm chí là việc giải quyết sự leo thang khủng hoảng tại Ukraine. Các vấn đề vẫn chưa đạt được sự thống nhất chung, đặc biệt là việc chính phủ trung ương Ukraine nên công nhận loại hình tự trị nào cho các khu vực ly khai.

Tất cả các bên tham gia chính trong cuộc khủng hoảng Ukraine đều ủng hộ một mức độ phân quyền nhất định. Nga coi việc phân quyền như là một cách để duy trì một vùng đệm ở phía Đông, nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của Ukraine, trong khi Ukraine coi nó như là một cách để thỏa hiệp nhưng vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với toàn bộ đất nước. Ukraine muốn lực lượng ly khai thực hiện các thỏa thuận Minsk và hạ vũ khí trước khi chính quyền trung ương sửa đổi hiến pháp quốc gia và công nhận quyền tự trị nhiều hơn cho các khu vực lãnh thổ phía Đông. Tuy nhiên, phe ly khai lại muốn thay đổi hiến pháp trước, và họ muốn có một vai trò nhất định trong việc sửa đổi này, rồi mới thực hiện đầy đủ các thỏa thuận ngừng bắn. 

Nhìn chung, Mỹ ủng hộ các quan điểm Ukraine; Nga ủng hộ lực lượng ly khai. Tuy nhiên, trong chuyến thăm gần đây tới Ukraine và trước cuộc điện đàm với ông Karasin, bà Nuland đã nhấn mạnh tới cuộc tranh luận của cơ quan lập pháp Ukraine về việc sửa đổi hiến pháp. Bà Nuland đã có lời kêu gọi gây tranh cãi khi hối thúc Ukraine trao cho cho các khu vực ở miền Đông Ukraine một "vị thế đặc biệt" theo pháp luật. Điều này có thể được xem như là một cái gật đầu của Mỹ với Nga. Tuy nhiên, hành động của bà Nuland cũng có thể được hiểu là một nỗ lực nhằm giúp Ukraine: Có được những cải cách hiến pháp nhiều hơn và tin cậy hơn, từ đó Moskva và lực lượng ly khai ít có cơ hội để chỉ trích những thay đổi của Ukraine và biện minh cho các vi phạm lệnh ngừng bắn. Washington cũng đã khích lệ Kiev trong việc yêu cầu lực lượng ly khai chấp hành lệnh ngưng bắn, đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt và hạn chế Moskva trong việc truy cập các khoản tín dụng nếu lực lượng ly khai tiếp tục vi phạm các thỏa thuận Minsk. 

Phản ứng của Nga đối với vấn đề này là không rõ ràng. Kremlin đã phát biểu có phần tích cực đối với quá trình cải cách của Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn đang gây ảnh hưởng đến các chiến trường Ukraine trong khi đòi hỏi chính phủ Ukraine có sự nhượng bộ chính trị nhiều hơn cho các vùng lãnh thổ ly khai. Nga cũng đang tìm kiếm sự nhượng bộ của Mỹ về vấn đề Ukraine bằng cách ủng hộ Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran. Moskva và Washington đang cố gắng đạt được một sự thỏa hiệp trong khi vẫn cố giữ quan điểm của mình. Với cuộc đàm phán tiếp theo giữa bà Nuland và ông Karasin, sự tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng và quá trình cải cách chính trị tại Ukraine sẽ là thử thách thực sự đối với tính hiệu quả của cuộc đối thoại song phương mới giữa Mỹ và Nga.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)