Nga đang tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực Viễn Đông, trong đó có các vùng biển gần lãnh thổ Nhật Bản, với mục tiêu rõ ràng là nhằm tái xây dựng năng lực chiến đấu đã bị suy giảm sau sự sụp đổ của Liên Xô. Theo các chuyên gia phân tích quân sự, các hoạt động này cũng được thiết kế nhằm khôi phục cán cân quân sự với liên minh Mỹ-Nhật và đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự. Với việc ông Vladimir Putin, người ưu tiên cho chính sách quân đội mạnh, gần như chắc chắn sẽ quay lại với chiếc ghế tổng thống, Nga đang cố gắng xây dựng nước này thành một siêu cường về hải quân. 

Vào cuối tháng 9/2011, các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 của Nga đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn tên lửa có đầu đạn hạt nhân tầm thấp trên bán đảo Kamchatka. Cũng trong tháng 9, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, với sở chỉ huy ở Vladivostok, đã lệnh cho 24 tàu tới bán đảo này thông qua eo biển Soya và tiến hành một cuộc diễn tập lớn, với sự tham gia của khoảng 10.000 binh sĩ. Ngày 29/9, 12 tàu của Hải quân Nga đã đi qua eo biển Soya tới biển Nhật Bản sau khi quay về từ cuộc diễn tập hải quân này. Mục tiêu rõ ràng của hàng loạt các hoạt động quân sự này của Nga là nhằm tăng cường khả năng đối phó với Nhật Bản và Mỹ. Vào ngày 8/9, hai máy bay ném bom chiến lược của Nga đã bay xung quanh quần đảo Nhật Bản. Trong chuyến bay do thám đầy nghi ngờ này, hai máy bay này gần như đã xâm nhập vào không phận của Nhật Bản và thậm chí còn tiến hành tiếp nhiên liệu trên không ở phía Tây của vùng lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản, bao gồm 4 hòn đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng Nga đang chiếm giữ. Các nhà phân tích cho rằng chuyến bay của hai máy bay ném bom trên có thể coi là một hành động khiêu khích nhằm đánh giá xem liệu chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, mới được hình thành sáu ngày trước đó, sẽ phản ứng như thế nào. 

Nga cũng đang nỗ lực để duy trì khả năng răn đe hạt nhân chống lại Mỹ, với các biện pháp bao gồm việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại trong năm nay. Mặc dù các quan chức hàng đầu của Nga không thừa nhận điều này một cách công khai nhưng Nga đang theo dõi chặt chẽ động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nga có kế hoạch lớn nhằm nâng cấp các tàu tuần dương. Các tàu này sẽ được trang bị các tên lửa hạm đối hạm và được triển khai cùng với Hạm đội Thái Bình Dương. Có vẻ như đây là một hành động nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân. Báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Chiến tranh của Quân đội Mỹ kết luận rằng việc tăng cường các hoạt động quân sự của Nga ở khu vực Viễn Đông là nhằm vào Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Oasinhtơn hôm 27/9, Đô đốc Robert Willard, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói ông và Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) Ryoichi Oriki đã thảo luận về các hoạt động quân sự của Nga ở gần Nhật Bản. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ khá quan tâm tới tình hình hiện nay. 

Các hoạt động quân sự của Nga sẽ tăng cường hơn sau khi ông Putin quay lại vị trí người đứng đầu nước Nga sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2012. Ông Putin đã bày tỏ ý định sẽ ra tranh cử tổng thống trong bài phát biểu vào ngày 24/9, trong đó ông cũng nói rằng “trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, chúng ta cần phải hiện đại hóa vũ khí cho lực lượng hải quân và quân đội của chúng ta”. Ông Putin gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nga” ở Bắc Cực. Nhà lãnh đạo này có kế hoạch cử hai lữ đoàn tới khu vực này. Việc tăng cường sức mạnh quân sự ở các khu vực từ Thái Bình Dương tới Bắc Cực có thể trở thành ưu tiên hàng đầu dưới thời Chính quyền Putin. Hiện tại, khả năng quân sự của Nga vẫn chưa gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với Nhật Bản hoặc Mỹ. Trong các cuộc diễn tập trên bán đảo Kamchatka , các lực lượng Nga đã gặp phải hàng loạt các vấn đề như tên lửa bắn sai mục tiêu ở khoảng cách xa. Một chuyên gia phân tích quân sự nói: “Nga cần khoảng 20 năm để bắt kịp Mỹ về mặt trang thiết bị quân sự và hoạt động”. 

Các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho biết để đối phó với các động thái trên của Nga, Nhật Bản có kế hoạch phân tích việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Viễn Đông để xác định các ảnh hưởng của các hoạt động này đối với nước này. Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói: “Các hành động quân sự này có liên quan tới việc tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc và Mỹ. Chúng không nhằm trực tiếp vào Nhật Bản”. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ để phân tích ảnh hưởng của các hoạt động quân sự này đối với an ninh của Nhật Bản cũng như hệ thống phòng thủ của nước này trên quan điểm dài hạn. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba đã than phiền với người đồng cấp Sergey Lavrov của Nga trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên vào ngày 9/9, một ngày sau khi hai máy bay ném bom chiến lược của Nga bay xung quanh Nhật Bản. Ông Gemba đã nói với ông Lavrov rằng “liên quan tới các hoạt động này của các máy bay quân sự Nga trong một vài ngày qua, người dân Nhật Bản rất nghi ngờ về các dụng ý của phía Nga. Chúng tôi đề nghị Nga kiềm chế trong việc thực hiện các hành động như vậy”. 

Liên quan tới chính sách ngoại giao đối với Nga, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda dự định sẽ mở rộng hợp tác kinh tế với Mátxcơva với hy vọng điều này sẽ giúp dẫn tới một giải pháp về vấn đề vùng lãnh thổ phía Bắc (bốn hòn đảo mà Nhật Bản và Nga đang tranh chấp nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido). Tuy nhiên, giá trị chiến lược của vùng lãnh thổ phía Bắc mà Nga đang chiếm giữ có thể sẽ gia tăng do tầm quan trọng về mặt quân sự mà Nga đặt vào khu vực Viễn Đông. Vì vậy, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng “việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở khu vực Viễn Đông là không có lợi (đối với Nhật Bản)”. Các đường lối chương trình quốc phòng mới được soạn thảo vào tháng 12 năm ngoái của Nhật Bản đã đưa ra khái niệm “lực lượng phòng thủ chủ động”, trong đó SDF sẽ tăng cường các hoạt động cảnh báo sớm và giám sát ở quần đảo Nansei kéo dài từ tỉnh Kagoshima tới bán đảo Okinawa và tăng cường tính cơ động của các binh sĩ nước này. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói: “Với việc tăng cường chi tiêu quốc phòng, quân đội Nga đang nâng cấp các trang thiết bị, trong đó có các máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Chúng ta cần giám sát các hoạt động này trong dài hạn”./.

  Theo Yomiuri (1/10)

 Viết Tuấn (gt)