Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây tại Nhật Bản mới đây, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành được 294 ghế trong khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền chỉ giành được 57 ghế. Là Chủ tịch LDP, ông Shinzo Abe chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản ngày 26/12. Đảng LDP và đảng New Komeito (đảng Công Minh Mới), liên minh của hai cựu đối tác trong các chính phủ do LDP lãnh đạo trước năm 2009, thành lập một chính phủ liên minh. 

Mặc dù đảng LDP và New Komeito không chiếm đa số tại Thượng viện, nhưng với tổng số 325 ghế, hai đảng chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Việc chiếm đa số của hai đảng tại Hạ viện có thể rất thuận tiện khi thông qua các dự luật bằng cách bỏ phiếu thông qua lần hai nếu các dự luật không được thông qua tại Thượng viện. Nhưng Chính quyền mới của tân Thủ tướng Abe dường như được thừa hưởng hàng loạt thách thức ở trong và ngoài nước từ chính phủ do DPJ lãnh đạo trước đó. 

Trên mặt trận trong nước, Chính phủ mới chủ yếu phải đối phó với tình trạng giảm phát và giá đồng yên quá cao. Để thúc đẩy nền kinh tế, Chính quyền Abe dự định nhanh chóng đưa ra một ngân sách bổ sung cho tài khóa 2013 trị giá vài nghìn tỷ yên để trình Quốc hội xem xét tại phiên họp cuối tháng 1/2013. Như cam kết trong chiến dịch tranh cử, đảng LDP cũng có thể áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh tay, kể cả đề ra mục tiêu lạm phát hàng năm và đạt được một thỏa thuận chính sách với Ngân hàng Nhật Bản. Bên cạnh đó, sửa đổi hiến pháp cũng có thể trở thành một chủ đề nóng bỏng của cuộc tranh luận trong nhiệm kỳ của ông Abe. Đảng LDP đang xem xét để thảo luận với đối tác liên minh New Komeito về việc nới lỏng các yêu cầu sửa đổi hiến pháp theo quy định tại Điều 96. Nhưng thuyết phục New Komeito về vấn đề này có thể không dễ dàng bởi vì đảng này khá thận trọng trước ý đồ tương lai của LDP nhằm sửa đổi Điều 9 (tuyên bố từ bỏ quyền khai chiến). Vấn đề năng lượng hạt nhân sẽ tiếp tục bao trùm các cuộc tranh luận trong nước. Đến nay LDP chưa đưa ra lập trường rõ ràng về vấn đề này có thể do công chúng phản đối mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo LDP rất chú trọng chính sách phi hạt nhân do Chính phủ DPJ đưa ra trước đây. Kể từ sau tai nạn hạt nhân Fukushima (tháng 3/2011), hoạt động của hầu hết các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản vẫn đang bị đình chỉ, từ đó tác động đến ngành công nghiệp cũng như tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của LDP, các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản một lần nữa có thể hoạt động trở lại, mặc dù chỉ khi nào vấn đề an toàn được bảo đảm, để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng. Nhưng lập trường của LDP về năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục phải đối mặt với những lời chỉ trích trên các lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, chính sách năng lượng của LDP dường như chưa cấp bách, khi đảng này đang chuẩn bị đề ra chiến lược cung cấp năng lượng cho đất nước trong 10 năm tới. 

Trên mặt trận đối ngoại, xây dựng lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản sẽ là một thách thức đối với Chính quyền Abe, đặc biệt khi căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và các nước láng giềng - Trung Quốc và Hàn Quốc – về các tranh chấp lãnh thổ. Chừng nào liên minh an ninh Nhật-Mỹ còn tồn tại, những căng thẳng đó sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Trong thời gian nắm quyền hơn 5 thập kỷ trước năm 2009, LDP đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Hiện nay, LDP không thể thay đổi tiến trình của họ trên mặt trận này. Thực tế, chuyến thăm được dự kiến của Thủ tướng Abe đến Mỹ vào tháng 1/2013 rõ ràng khẳng định niềm tin của LDP vào các mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Mỹ. LDP đang đề nghị xây dựng một đạo luật cơ bản về an ninh nhà nước để cho phép quốc gia thực hiện quyền tự vệ tập thể, từ đó sẽ thúc đẩy liên minh của Nhật Bản với Mỹ. Nhưng còn phải xem liệu ông Abe sẽ giải quyết các vấn đề rắc rối của liên minh thế nào, chẳng hạn căng thẳng giữa Mỹ và Nhật Bản về việc di chuyển căn cứ Futenma, tình cảm chống Mỹ gia tăng do các tội ác của quân đội Mỹ tại Okinawa. 

Đối với Trung Quốc, giới lãnh đạo LDP dường như có lập trường không quyết đoán, mặc dù thực tế cuộc tranh cãi về quần đảo Senkaku gần đây đã phát triển đến đỉnh cao mới do tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập các vùng biển Nhật Bản và một máy bay Trung Quốc vi phạm không phận Nhật Bản ngày 13/12. Thực tế, Phó Chủ tịch LDP Masahiko Komura khẳng định Nhật Bản cần lập lại quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi với Trung Quốc mà hai nước đã nhất trí trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Shinzo Abe năm 2006-2007. Ông Abe dường như đang cố gắng xoa dịu mối lo ngại của Trung Quốc về hình ảnh hiếu chiến của ông bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất và cam kết nỗ lực cải thiện các mối quan hệ song phương khác. Nhưng Trung Quốc dường như không tin vào những cam kết như vậy. Thực tế, nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ chống lại lập trường hiếu chiến của ông Abe và yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo dõi sát quan điểm của giới lãnh đạo mới của Nhật Bản khi thăm đền thờ Yasukuni, tranh chấp quần đảo Senkaku và sửa đổi của Hiến pháp hòa bình. 

Chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ là một thách thức lớn của Chính quyền Abe. Nhật Bản đang đối mặt với thách thức an ninh nghiêm trọng do Bắc Triều Tiên triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.300 km trực tiếp nhắm vào Nhật Bản. Hơn nữa, vụ các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản trong thời kỳ trước Chiến tranh Lạnh cũng có thể nổi lên như một nguyên nhân quan trọng nữa gây căng thẳng giữa hai nước. Mặc dù Bình Nhưỡng cho rằng vấn đề bắt cóc con tin đã được giải quyết, nhưng Tôkyô lại cho rằng chừng nào Bắc Triều Tiên còn chưa cung cấp thông tin đầy đủ về những người bị bắt cóc thì quan hệ song phương vẫn chưa thể được bình thường hóa. Trong khi đó, những tác động của Chính quyền Abe đối với quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc vẫn chưa thể hiện chắc chắn, đặc biệt khi Hàn Quốc thay đổi lãnh đạo sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 19/12. Kể từ khi cha của tân Tổng thống Park Geun-Hye, cựu Tổng thống Pắc Chung Hi, mở đường bình thường hóa quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản sau chiến tranh, nhiều người hy vọng quan hệ song phương có thể cải thiện khi bà Park lên nắm quyền. Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc hàn gắn quan hệ giữa Xơun và Tôkiô sẽ tiếp tục phức tạp, bởi vì bà Park có lập trường không thỏa hiệp về một số vấn đề như tranh chấp đảo Takeshima.

Nhưng lần phóng tên lửa đạn đạo tầm xa gần đây của Bắc Triều Tiên có thể đẩy Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ liên kết với nhau để đối phó với Bình Nhưỡng. Sau vụ thử tên lửa, Bắc Triều Tiên có thể phát triển tầm bắn của các tên lửa. Điều này sẽ làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực, trong đó có Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin, tên lửa của Bắc Triều Tiên có tầm bắn 10.000 km, do đó chúng có khả năng vươn tới bờ biển phía Tây của Mỹ. Từ những năm 1980, Bắc Triều Tiên triển khai hơn 600 tên lửa Scud có tầm bắn 300-500 km liên tục đe dọa an ninh của Hàn Quốc. Ngược lại, tháng 10/2012 Mỹ và Hàn Quốc nhất trí mở rộng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo của Xơun từ 300 lên 800 km để vươn tới tất cả các khu vực của Bắc Triều Tiên, nhưng điều này dường như không đủ mạnh để ngăn chặn thái độ quyết đoán và khó lường của Bình Nhưỡng. Vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Triều Tiên rõ ràng cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức liên quan đến khả năng thu thập và chia sẻ thông tin tình báo. Vì vậy hai nước cùng với Mỹ có thể hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh trong tương lai của Bắc Triều Tiên. Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng có thể mở đường cho Nhật Bản và Hàn Quốc ký Hiệp định An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) và hoàn tất Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ tương hỗ về Mua sắm trang thiết bị quân sự (ACSA). 

Hiện nay, việc Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ lãnh đạo cũng là một khó khăn khác của Chính quyền Abe. Do nhiều nhà lãnh đạo LDP phản đối, LDP chưa đi sâu các chi tiết cụ thể của TPP. Mặc dù lúc đầu có quan điểm phản đối TPP, hiện nay ông Abe dường như có cái nhìn khác bằng cách tuyên bố các cuộc đàm phán TPP sẽ nằm trong một tiến trình nếu các lợi ích quốc gia của Nhật Bản được bảo đảm. Đến nay, tác động của của Chính quyền Abe đối với các mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản với các nước vẫn chưa thể hiện rõ, nhưng không thể phủ nhận thực tế là, các vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang là trở ngại lớn trong quan hệ của 3 nước để tiến tới một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn. Chỉ khi nào ba nước quyết định gạt sang một bên các vấn đề lịch sử và thực sự nỗ lực đạt được một số thỏa hiệp với nhau, lúc đó họ mới có thể bình thường hóa quan hệ lâu dài. Trong khi vấn đề lịch sử đang tiếp tục tồn tại ở các nước, Thủ tướng Abe cần xóa bỏ hình ảnh hiếu chiến của ông và gánh vác trách nhiệm phát triển các mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng để được coi là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng ở khu vực Đông Á. 

 

Tạp chí Á-Âu 

Thuỳ Anh (gt)