Mặc dù hầu hết mọi người đang quan tâm tới vấn đề nội bộ và chính trị của Singapore, song Ngoại trưởng Shanmugam trong bài phát biểu và các câu trả lời tại câu lạc bộ doanh nghiệp ngày 27/8 lại truyền đi một thông điệp rất quan trọng: Đất nước Singapore nhỏ bé đang đứng trước những áp lực và thách thức về mặt ngoại giao ngày càng lớn, đó là bởi vì Singapore đang đứng trước sự thay đổi lớn trong môi trường quốc tế và khu vực, đòi hỏi mọi người cần hết sức lưu ý.

Cảnh báo của ông Shanmugam quả thực không quá chút nào. Hiện Singapore đang có quan hệ rất tốt với ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, không giống như trong quá khứ, Singapore khó có thể làm bạn với cả ba nước. Do cạnh tranh của một số nước lớn, trong những năm tới, thái độ của các nước lớn đối với Singapore có thể thay đổi theo hướng tạo ra áp lực, đòi hỏi Singapore phải lựa chọn một bên.

Ông Shanmugam lưu ý rằng là một nước nhỏ, trong nhiều lĩnh vực, Singapore cần phải dựa vào các nước khác. Ví dụ, Singapore cần những công nghệ quốc phòng của Mỹ, song cũng cần hợp tác thương mại và đầu tư của Trung Quốc và Nhật Bản, điều này có nghĩa là Singapore sẽ luôn phải đối mặt với áp lực. Ông Shanmugam nhận định, trong thời gian tới, ngoại giao Singapore sẽ bước vào giai đoạn mới, và sẽ phải đối mặt với áp lực chưa từng có, do đó cần phải có chính sách ngoại giao đủ mạnh, cần phải có ý chí mạnh mẽ đối với vấn đề trong nước.

Bài phát biểu của ông Shanmugam có thể được xem là sự nối tiếp chủ đề mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề cập đến trong bài phát biểu mít tinh nhân ngày Độc lập của Singapore vừa qua. Trong bài phát biểu đó, một trường hợp hiếm thấy, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi người dân cần phải nâng cao cảnh giác và ý thức để đối phó với những thay đổi trong khu vực, xác định rõ vị trí mà Singapore đang đứng cũng như những mối đe dọa mà đất nước đang gặp phải. Việc cả Thủ tướng Lý Hiển Long và Ngoại trưởng Shanmugam cùng đề cập đến một chủ đề cho thấy đây chính là vấn đề mà chính phủ đang hết sức quan tâm hiện nay.

Đặt lợi ích quốc gia lên trên, tính thực tế và không đứng về phía bên nào chính là chính sách đối ngoại mà Singapore vẫn luôn theo đuổi lâu nay, và cũng là chính sách ngoại giao mà các nước thành viên ASEAN theo đuổi. Tuy nhiên, chính sách không đứng hẳn về bên nào đang đứng trước không gian ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do những thay đổi địa chính trị trong khu vực, cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng, tranh chấp chủ quyển biển đảo ở Biển Đông giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Các vấn đề liên quan đến sự tăng giảm sức mạnh của các nước lớn, tranh chấp chủ quyền, vấn đề lịch sử, chính trị nội bộ của một số nước và tâm lý dân tộc sẽ ngày càng phức tạp và xảy ra nhiều mâu thuẫn. Điều này không chỉ tạo ra áp lực lớn đối với ngoại giao Singapore, mà còn khiến cho ASEAN đứng trước nguy cơ chia rẽ chưa từng có.

Vậy Singapore sẽ tự giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Shanmugam cho rằng cần phải nâng cao sức mạnh quốc phòng, thông qua các cơ chế khu vực như kiểu ASEAN để duy trì hòa bình và giải quyết tranh chấp, và phát huy vai trò tích cực của các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Nói cách khác, từ trong nước đến khu vực và quốc tế, Singapore đều cần phải thể hiện một điều gì đó. Ngoài ra, cũng cần phải cố gắng xây dựng quan hệ tốt với hai nước láng giềng là Malaysia và Indonesia. Trên thực tế, đây là chính sách ngoại giao được Singapore thực hiện.

Vấn đề tương đối nan giải là khi đối mặt với áp lực từ các cường quốc muốn Singapore bày tỏ thái độ đứng về một bên nào đó, vậy thì Singapore phải làm thế nào? Xem ra nguyên tắc “trung lập” cơ bản vẫn cần phải được áp dụng. Trong quan hệ quốc tế, một quốc gia muốn thực sự có được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế thì không chỉ chăm chăm theo đuổi lợi ích quốc gia một cách không có nguyên tắc, lúc theo bên này lúc theo bên kia. Sở dĩ, Singapore nhận được sự tôn trọng trong cộng đồng quốc tế, bởi vì Singapore thực hiện đường lối ngoại giao có nguyên tắc, luôn hành động theo đạo lý, tuân theo luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình. Do đó, Singapore đã không chịu áp lực từ Mỹ mà không tham gia vào ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Tương tự, trong các tranh chấp chủ quyền các đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Singapore cũng không đứng bất kỳ bên nào.

Tất nhiên, muốn duy trì nguyên tắc và lập trường của mình trước các áp lực quốc tế, đòi hỏi phải có một số "vốn" nhất định. Để đối phó với đe dọa quân sự, Singapore cần phải có một lực lượng quốc phòng vững mạnh. Để đối phó với những áp lực về mặt kinh tế, Singapore cần phải có sự đa dạng hóa các thị trường. Tuy nhiên, để tiếp tục vượt qua những áp lực về mặt ngoại giao và thể hiện được vai trò của mình, điều quan trọng hơn cả là Singapore cần phải tiếp tục duy trì là một quốc gia thành công. Đó chính là “vốn” ngoại giao lớn nhất cho một nước nhỏ như Singapore.

Theo "Liên hợp Buổi sáng"

Lê Sơn (gt)