Chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thập kỷ tới không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh mà còn với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời chúng ngày càng có ảnh hưởng to lớn đến những khu vực khác trên thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã chiếm tới 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, và dự kiến sẽ tăng lên 28% vào năm 2030. Trung Quốc hiện nay cũng là nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, những tranh chấp biên giới biển kéo dài ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông là một yếu tố quan trọng tiếp tục gây nên sự bất ổn chiến lược cho khu vực. Vì vậy, cách thức mà Trung Quốc ứng phó với mỗi thách thức nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả chúng ta.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc có quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra một chiến lược quốc gia đầy tham vọng, cái mà ông gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”. Ông đã thiết lập hai mốc thời hạn để hiện thực hóa “giấc mơ” này: nhân dịp kỷ niệm một trăm năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2021, và kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2049. Cốt lõi của “Giấc mơ Trung Hoa” là nâng cao mức thu nhập của người Trung Quốc lên bằng với mức thu nhập bình quân của các nước có thu nhập bậc trung, và sau đó là bằng với mức thu nhập của các nền kinh tế tiên tiến, song song với việc khôi phục sự vĩ đại vốn có của Trung Quốc trong lịch sử.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”. Ông cũng nói rằng, để Đảng có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực thì Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải đối phó với thách thức cơ bản về tham nhũng. Do đó, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay, ảnh hưởng đến tất cả các đơn vị trong Đảng và toàn bộ 86 triệu Đảng viên. Sự thành công hay thất bại của chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như các chương trình cải cách kinh tế mà Trung Quốc đã bắt tay thực hiện.

Chính điều này đã dẫn đến những nội dung mới trong chương trình cải cách, và người ta tự hỏi rằng liệu Trung Quốc có thành công được hay không trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế vốn đã từng vận hành khá tốt trong 35 năm qua, nhưng nay không còn đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc.

Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị Trưng ương Đảng lần thứ 13, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch chi tiết để định hướng tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ thực thi kế hoạch này có lẽ không hề dễ dàng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấp nhận coi thị trường là yếu tố quyết định trong việc định hình tương lai của nền kinh tế. Đảng cũng đã nhận ra nhu cầu phải tạo ra các nguồn kích thích tăng trưởng kinh tế mới, ngoài đầu tư nhà nước và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã nhận thấy việc phải nâng mức tiêu dùng cá nhân trong nước cũng như tạo ra các việc làm mới trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là tại các thành phố Loại II của Trung Quốc hiện đang phát triển bùng nổ.

Mô hình phát triển mới này cũng khẳng định tính cấp thiết của việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tính trung lập trong cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường vốn một cách công bằng cho khu vực tư nhân. Cuối cùng, mô hình mới đòi hỏi những cải cách sâu sắc trong thị trường vốn của Trung Quốc, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư công lẫn tư nhân, để nâng cao khả năng phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế.

Nếu Bắc Kinh thất bại trong công cuộc cải cách quan trọng này, thì điều đó sẽ làm suy giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế, số lượng việc làm và tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc. Điều này cũng sẽ làm sụt giảm sự đóng góp của kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng toàn cầu, mà trong vòng 5 năm qua đã chiếm hơn một nửa tốc độ tăng trưởng của thế giới.

Cùng với đó, thương mại toàn cầu, và dòng chảy vốn đầu tư và thị trường sẽ bị suy yếu rõ rệt. Vào thời điểm mà các nền kinh tế Châu Âu và Nhật Bản vẫn còn đang suy yếu, còn mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng không mạnh, thì sự thất bại của chương trình cải cách kinh tế rất quan trọng này của Trung Quốc sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng cho thế giới.

Cuối cùng, về an ninh khu vực, ở Đông Á đang tồn tại những xu hướng xung đột sâu sắc giữa các lực lượng chủ nghĩa dân tộc và các lực lượng cầu hóa về kinh tế. Nếu như cc các lực lượng chủ nghĩa dân tộc đang kéo các quốc gia trong khu vực ra xa nhau thì ngược lại, quá trình toàn cầu hóa về kinh tế lại kết nối các nước này và khiến họ xích lại gần nhau hơn thông qua quá trình hội nhập kinh tế. Các tranh chấp lãnh thổ tiềm ẩn tại khu vực có thể được đặt trong khuôn khổ rộng lớn hơn này.

Vấn đề chính mà chúng ta phải đối mặt là khả năng xảy ra xung đột do tai nạn bất ngờ hoặc do việc quản lý kém các sự cố, dẫn đến leo thang căng thẳng về chính trị, ngoại giao và quân sự. Chỉ sự tập trung của các khí tài quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay đã tạo nên mối quan ngại thực sự đối với mặt trận này. Vì vậy, căng thẳng Trung-Nhật ở Biển Hoa Đông có thể sẽ được giảm thiểu bởi cả hai quốc gia đều nhận thấy rằng nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ là quá lớn và nếu nó xảy ra, lợi ích của hai bên sẽ cùng bị tổn hại. Tuy nhiên, ở Biển Đông thì chưa rõ điều gì sẽ xảy ra. Một xung đột, dù lớn hay nhỏ, xảy ra ở một trong hai vùng biển này sẽ làm suy yếu đáng kể lòng tin đối với nền kinh tế của khu vực.

Ba thách thức lớn trên đã gạt sang một bên thách thức lâu dài về sự phá hủy của môi trường và biến đổi khí hậu vốn không thể đảo ngược được. Trung Quốc đã bắt đầu hành động. Vẫn còn phải chờ xem những hành động này sẽ tạo ra kết quả như thế nào. Một lần nữa, nếu không nhanh tay hành động, hậu quả đối với trái đất này sẽ là khôn lường.

Ông Kevin Rudd từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Úc nhiệm kỳ 2007-2010, Ngoại trưởng Úc nhiệm kỳ 2010-2012 trước khi được tái bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013. Ông hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer thuộc Học viện Harvard Kennedy. Bài viết này được đăng lần đầu tại CNBC.

Người dịch: Hùng Sơn

Hiệu đính: Minh Ngọc