Từ nạn cướp biển đe dọa công dân Mỹ và thương mại thế giới trên biển Xômali đến các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia như Al-Qaeda, cho tới các nước "cứng đầu" nắm trong tay khả năng hạt nhân như Bắc Triều Tiên. Kèm theo các mối đe dọa đó là sự phát triển của quân đội Trung Quốc và sự mất ổn định tiếp tục diễn ra ở Trung Đông. Những thách thức an ninh này chứa đựng hàng loạt mối đe dọa từ các thiết bị nổ tức thì đến các loại vũ khí hạt nhân. Hơn nữa địa điểm của các mối đe dọa đó tiếp tục thay đổi. Trọng tâm của Mỹ đã chuyển từ Ápganixtan đến Pakixtan, sau đó đến Libi trong những tuần gần đây do Mỹ có ý đồ đáp ứng các yêu cầu đang thay đổi về quân sự. Việc cắt giảm sức mạnh quân sự của Mỹ sau sự sụp đổ của Liên Xô đã làm tăng khó khăn trong việc giải quyết môi trường của mối đe dọa rộng lớn, phân tán và biến động. Sau khi Bức tường Béclin sụp đổ năm 1989, Mỹ cắt giảm 1/3 quân số và cơ cấu lực lượng của Lục quân giảm từ 18 sư đoàn xuống còn 10 sư đoàn. Hơn nữa gánh nặng giải quyết các thách thức an ninh trên toàn thế ngày càng đặt trên vai quân đội Mỹ do các nước khác thiếu khả năng quân sự và quyết tâm chính trị để hỗ trợ những nỗ lực như vậy. Thực tế, giải pháp quan trọng duy nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ trong thế kỷ 21 là duy trì một lực lượng quân sự có quy mô hợp lý, trang bị hùng mạnh và được huấn luyện toàn diện để có khả năng khuất phục, ngăn chặn, và nếu cần đánh bại các kẻ thù khác nhau trong tương lai. 

Chiến lược Quốc phòng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh 

Nửa cuối thế kỷ 20, quân đội Mỹ tập trung nỗ lực vào Liên Xô và Khối Vácsava. Phát triển lực lượng, bố trí các đơn vị và đầu tư cho các hệ thống vũ khí đều dựa trên cơ sở đánh giá mối đe dọa từ Liên Xô. Liên Xô đầu tư rất lớn cho lực lượng vũ trang và đạt được các công nghệ hiện đại cả trên vũ trụ, trên không, trên biển và trên bộ, như đưa vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo trái đất tháng 10/1957. Thật may mắn, mặc dù một số nỗ lực tình báo cho phép Liên Xô thu thập công nghệ của Mỹ và hầu hết các hệ thống vũ khí của họ được phát triển trong nước, nhưng tiến trình triển khai, phát triển và quy trình của Liên Xô mất thời gian khá dài, từ đó tạo cơ hội cho Mỹ và phương Tây nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Các đánh giá chính xác mối đe dọa trở thành cơ sở cho quân đội Mỹ hoạch định tác chiến và tăng ngân sách. Ngành công nghiệp và các cơ sở nghiên cứu của Chính phủ Mỹ phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì ưu thế về số lượng vũ khí, một phần do tiến trình triển khai và phát triển vũ khí của Liên Xô khá chậm. Nhờ nỗ lực ngân sách và phát triển công nghệ, Mỹ dần dần xóa bỏ khoảng cách công nghệ với Liên Xô. Mỹ cũng tin tưởng và nắm chắc các mối đe dọa có thể xuất hiện ở đâu. Sự ra đời của Hiệp ước Vácsava, bố trí lực lượng của tổ chức quân sự này và lịch sử đặc điểm địa lý quân sự giúp Mỹ đánh giá chính xác những nơi có khả năng xảy ra xung đột. Trên cơ sở xác định các vị trí đó, Mỹ và NATO triển khai lực lượng và các căn cứ quan trọng ở châu Âu cũng như nhiều nơi khác xung quanh "Lá chắn Thép" nhằm đối phó với những hành động thù địch của Liên Xô và Khối Vácsava. Mỹ coi Liên Xô là mối đe dọa bởi Liên Xô có lực lượng quân sự hùng mạnh, được trang bị các loại vũ khí hạt nhân nhằm phá hủy thế giới tự do nhiều lần, và dưới sự kiểm soát của giới lãnh đạo độc quyền có ý đồ đánh bại phương Tây. Chiến lược của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đã giúp lực lượng Mỹ và NATO ngăn chặn cuộc tấn công của Khối Vácsava. Cuối cùng, công nghệ Mỹ, cộng với sự ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan đã khuất phục Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev ngừng tiếp tục Chiến tranh Lạnh. Gorbachev tuyên bố trước Bộ Chính trị rằng Liên Xô có nguy cơ "bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang vượt quá khả năng của mình". 

Tác động của phổ biến và phát triển công nghệ 

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình an ninh biến động và phức tạp hiện nay sẽ giảm trong tương lai gần. Đây là một giai đoạn thay đổi lớn và sự thay đổi này được thúc đẩy một phần do cuộc cách mạng công nghệ, trong đó đặc biệt là sự bùng nổ của Internet. Các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của "Mùa Xuân Arập" từ Tuynidi đến Ai Cập và Libi trong nhiều tháng. Đồng thời phe đối lập đã sử dụng Internet để phát động biểu tình chống Tổng thống Hosni Mubarak tại Aicập, Al-Qaeda sử dụng Internet để tuyển mộ những kẻ khủng bố mới, huấn luyện chúng và phối hợp hành động. Việc sử dụng Internet của Al-Qaeda trở thành một nhân tố quan trọng để tồn tại mặc dù Mỹ và đồng minh đã phát động cuộc chiến chống khủng bố kéo dài gần 10 năm. Từ lâu, Mỹ cho rằng công nghệ kiểm soát và chỉ huy của Mỹ tạo ra ưu thế hơn hẳn công nghệ của tất cả các nước, trừ một số đối thủ cạnh tranh. Nhưng Internet đã ảnh hưởng rất lớn đến ưu thế này bởi vì nó cho phép các nhân tố phi nhà nước, trong đó có Al-Qaeda, sử dụng các công nghệ thông tin liên lạc và kỹ thuật số hiện đại với chi phí rất nhỏ. 

Thật đáng tiếc, Internet không phải công nghệ duy nhất đã được phổ biến rộng rãi. Thậm chí tại thế giới thứ ba nghèo khổ, sự phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại, đặc biệt các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đã phát triển mạnh. Công nghệ tên lửa của Bắc Triều Tiên phát triển nhanh chóng và gây nỗi lo ngại lớn cho Mỹ. Năm 1998, phát hiện kịp thời sự phát triển đó, Ủy ban Đánh giá Mối đe dọa từ Tên lửa Đạn đạo của Mỹ nhấn mạnh: "Hiện nay, một nước muốn phát triển các loại tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật rất lớn từ các nguồn bên ngoài". Ủy ban này sợ rằng Mỹ có thể giảm bớt các chương trình phát triển tên lửa mới. Mặc dù Liên Xô chỉ dựa vào việc phát triển các công nghệ quan trọng ở trong nước, một tiến trình mất rất nhiều thời gian, nhưng các nước mới muốn tham gia cộng đồng tên lửa đạn đạo có thể bỏ qua nhiều bước phát triển đó bằng cách mua công nghệ từ các nước khác. 

Chấm dứt khả năng dự báo 

Những thay đổi gấp nhiều lần về công nghệ và thái độ xã hội đã tạo nên một môi trường đe dọa ngày càng khó dự đoán. Mỹ không thể biết chắc chắn nước nào sẽ là mối đe dọa tiếp theo chống lại Mỹ và không thể biết nguồn gốc mối đe dọa đó hoặc các khả năng quân sự có thể được sử dụng. Người ta cho rằng khó khăn này sẽ kéo dài một số năm. Trước kia có ai dự đoán Mỹ can dự Xômali hoặc các nước Bancăng mà ít nghĩ tới Irắc và Ápganixtan? Ai có thể dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép lực lượng Mỹ sử dụng lãnh thổ để tiến hành chiến dịch "Bão Táp Sa mạc" hoặc phản ứng của Tây Ban Nha trước các cuộc tấn công khủng bố tại Mađrít? Ai có thể dự đoán Mùa Xuân Arập và sự can dự của NATO tại Libi? Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ cảm thấy tự tin vào các nỗ lực chuẩn bị để chống lại mối đe dọa Xôviết. Các khả năng quân sự được phát triển trong thời gian đó và tổ chức lực lượng của Mỹ đã ngăn chặn hiệu quả Liên Xô. Kế hoạch lực lượng của Mỹ hoàn toàn minh bạch và có thể được ủng hộ trước Quốc hội và được công khai trước công chúng Mỹ vì nó dựa trên cơ sở phát triển nhưng chủ yếu nhờ các khả năng từ Liên Xô. Quốc hội và công chúng Mỹ nhận thức rõ mối đe dọa của Liên Xô và ủng hộ tăng ngân sách để xây dựng sức mạnh quân sự và thực hiện các chương trình hiện đại hóa quân sự, từ đó dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Béclin năm 1989. 

Các chiến lược trong kỷ nguyên không chắc chắn 

Tình hình hiện nay rất khác, Mỹ cần tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Irắc, Ápganixtan và bất cứ nơi nào xuất hiện Al-Qaeda và tay chân của chúng. Mỹ cần kiểm soát cướp biển ở biển Xômali, khuyên can và ngăn chặn Iran, Bắc Triều Tiên và các nước cứng đầu khác gây hành động thù địch, đồng thời tiếp tục ghi nhớ rằng Nga vẫn có hơn 10.000 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa quân đội và thách thức các nước láng giềng khắp khu vực Biển Đông. Nhưng hiện nay quân đội Mỹ ít hơn lực lượng trong thời gian Chiến tranh Lạnh và Chính phủ Mỹ dường như cắt giảm các nhu cầu của quân đội cho các mục tiêu ngân sách. Thực tế, hiện nay các mối đe dọa phát triển với tốc độ nhanh chóng, do đó Mỹ cần chuẩn bị trước và không chờ đợi các thách thức nổi lên. Quân đội Mỹ cần có quy mô hợp lý để có thể hành động kịp thời với mọi tình huống và được trang bị mạnh để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ. Tốc độ mà các thách thức có thể nổi lên và các loại vũ khí nằm trong tay các kẻ thù của Mỹ làm cho bất cứ chiến lược nào cũng có khả năng bị vô hiệu hóa. Mặc dù việc xây dựng quân đội Mỹ trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II chứng tỏ các khả năng đặc biệt của Mỹ, nhưng các nước thách thức Mỹ trong tương lai có thể không mất nhiều năm cảnh báo để cho phép Mỹ chuẩn bị. Mỹ cũng không thể có các nước đồng minh như Anh cách đây 70 năm, có thể chống lại kẻ thù mà không cần Mỹ. Các quân đội hiện đại cần huấn luyện toàn diện. Họ không thể được hiện đại hóa nhanh chóng bằng cách tăng số lượng tân binh theo lệnh nhập ngũ và chỉ được huấn luyện vài tuần lễ. Sử dụng hiệu quả các loại vũ khí hiện đại đòi hỏi công tác chuẩn bị và huấn luyện toàn diện. Tương tự, bản thân các loại vũ khí đòi hỏi nhiều năm mới có thể phát triển và sản xuất. Hơn nữa, Mỹ ngày càng lệ thuộc các nước cung cấp các nhiên liệu thô và sản xuất hầu hết các sản phẩm. Trung Quốc và nhiều nước khác từ lâu đã vượt Mỹ trên nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng. Khả năng của Mỹ để được coi như một cái nôi của dân chủ đã giảm sút trong những năm gần đây và có thể bị nhiều nước khác thách thức. Thậm chí, việc cắt giảm tạm thời các khoản đầu tư quốc phòng có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho ngành công nghiệp của Mỹ và làm ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai. 

Trong thế kỷ 21, biện pháp quan trọng sống còn duy nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ là duy trì một lực lượng có quy mô hợp lý, được huấn luyện toàn diện và được trang bị các loại vũ khí hiện đại để có khả năng khuất phục, ngăn chặn và nếu cần đánh bại các kẻ thù trong tương lai. Mỹ sẽ không thể dự đoán địa điểm, bản chất, thời gian của thách thức quân sự tiếp theo. Mỹ không thể cho rằng tương lai sẽ giống như những can dự của Mỹ tại Irắc và Ápganixtan, càng không thể như cuộc đối đầu với Liên Xô hoặc các nước ủy nhiệm của Liên Xô. Do đó, Mỹ phải chuẩn bị quân đội cho thế kỷ 21. Muốn vậy, Quốc hội và Tổng thống phải đáp ứng các đề nghị ngân sách của Lầu Năm Góc. Lầu Năm Góc cần 731 tỷ USD trong năm tài khóa 2012 và 3600 tỷ cho 5 năm tới để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và tăng cường các khả năng; bảo đảm lực lượng Mỹ có thể đối phó với hàng loạt mối đe dọa trên thế giới. Quân đội Mỹ cần được tổ chức, huấn luyện và trang bị để khuất phục, ngăn chặn và cần thiết đánh bại tất cả các kẻ thù; đầu tư cho các tài sản cơ động trên không và trên biển cần thiết để nhanh chóng đối phó với các thách thức ở khắp nơi trên thế giới. Những tài sản này sẽ mất nhiều năm để phát triển và sản xuất. Mỹ không thể chờ đợi đến khi các mối đe dọa tương lai phát triển mới chuẩn bị; đầu tư cho các công nghệ cần thiết để tiếp tục đối phó với các mối đe dọa. Phát triển công nghệ và sử dụng ngày càng tăng các công nghệ đòi hỏi một chiến lược đầu tư lâu dài. 

Kết luận 

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần hiểu được những hạn chế của kế hoạch lực lượng được dựa trên cơ sở mối đe dọa trong một môi trường an ninh toàn cầu hiện đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng không thể dự đoán. Quốc hội Mỹ cần tìm cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết. Đây không phải vấn đề xây dựng quốc gia để chống lại nước ngoài. Nó là vấn đề bảo đảm sự sống còn của Mỹ và thế giới tự do. 

  Theo Heritage: "Adapting to the Threat Dynamics of the 21st Century

 

Viết Tuấn (gt)