Tại châu Á, Mỹ có thể tái hiện vai trò của Anh trong chính trường châu Âu trong thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Mỹ có thể và cần giúp các nước châu Á tránh một cuộc tranh giành quyền bá chủ khu vực, thông qua các hành động để hòa giải xung đột và bù đắp sự bất cân bằng quyền lực. Để thực hiện vai trò này, Mỹ cần tôn trọng vai trò địa chính trị và lịch sử của Trung Quốc trong tiến trình duy trì ổn định khu vực. Sự tham gia của Trung Quốc trong đối thoại về ổn định khu vực không chỉ giúp giảm nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn giảm khả năng xảy ra những diễn biến sai lầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản hoặc giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và thậm chí trong chừng mực nào đó, cả giữa Trung Quốc và Nga (về các nguồn tài nguyên và quy chế độc lập của các nước Trung Á). Mỹ cần thừa nhận rằng sự ổn định ở châu Á hiện nay không thể bị áp đặt bởi các cường quốc không ở tại châu Á. Nguyên tắc hướng dẫn chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á cần đề cao các nghĩa vụ của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời không để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh trên bộ giữa các cường quốc tại châu Á. Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể cùng thống nhất về một loạt vấn đề hay Mỹ có thể khuyến khích được Nhật Bản và Trung Quốc thực sự hòa giải và làm dịu được sự đối địch đang tăng lên giữa Trung Quốc và Ấn Độ, triển vọng ổn định ở châu Á sẽ tăng lên mạnh mẽ. 

Mặt khác, theo Brzinski, Mỹ đang ngày càng tích cực trong việc mở rộng và phát triển phương Tây trở thành một khu vực dân chủ và ổn định hơn. Về nguyên tắc, nỗ lực này, nếu thành công sẽ phối hợp được sức mạnh của một phương Tây hợp tác và rộng lớn hơn, trải dài từ Bắc Mỹ và châu Âu xuyên qua lục địa Á-Âu và bao gồm cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Để thành công trong vai trò thúc đẩy và đảm bảo cho một phương Tây đổi mới, Mỹ cần duy trì quan hệ chặt chẽ với châu Âu, tiếp tục cam kết với NATO, đồng thời hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ và một nước Nga thực sự dân chủ gia nhập phương Tây. Để đảm bảo sự thích hợp địa chính trị của phương Tây, Mỹ vẫn cần hành động tích cực vì an ninh của châu Âu, khuyến khích sự hoà nhập sâu hơn nữa của Liên minh châu Âu. Hợp tác chặt chẽ giữa Pháp, Đức, và Anh, các đối tác chính trị, kinh tế và quân sự trung tâm của châu Âu cần phải được thúc đẩy và mở rộng. Tuy nhiên, Brzinski cho rằng sẽ là không thực tế nếu hy vọng một phương Tây được mở rộng và hợp tác lớn hơn sẽ xuất hiện sau năm 2025. Ông cũng cho rằng, nếu Mỹ không thành công trong việc thúc đẩy sự xuất hiện của một phương Tây mở rộng, các hậu quả bi thảm sẽ là oán thù lịch sử sẽ phục hồi, các cuộc xung đột mới sẽ nổi lên, các quan hệ đối tác cạnh tranh thiển cận có thể hình thành và có thể dẫn tới kết quả cuối cùng có thể là một "phương Tây ngày càng bi quan và tan rã". Đối với Mỹ, thách thức chủ yếu trong vài thập kỷ tới sẽ là tìm kiếm "sức mạnh" để phục hồi trong khi phải "tự điều chỉnh" để thích hợp với tầm ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc. Để có thể đủ uy tín và khả năng hành động hiệu quả ở cả 2 khu vực phía Đông và phía Tây lục địa Á-Âu, Mỹ cần cho thế giới biết rằng Mỹ sẵn sàng "cải tổ chính mình". Brzinski nhấn mạnh: "Một cường quốc phải được định hướng bởi một tầm nhìn chiến lược dài hạn".

 Foreign Affairs, số tháng 1 và tháng 2 năm 2012

Vũ Hiền (gt)