Theo đó, tầm nhìn của ông Jokowi để Indonesia trở thành một "trục biển toàn cầu" giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã nhận được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để học thuyết biển đầy tham vọng này thành công sẽ phụ thuộc vào việc liệu Jakarta có thể thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản như: điều phối an ninh của một trong những tuyến bờ biển dài nhất thế giới hay không? Dù đã có một số nỗ lực ban đầu nhằm giải quyết vấn đề phối hợp trên biển, song ông Jokowi đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó vấn đề cơ bản nhất là phải quản lý không dưới 12 cơ quan hoặc có liên quan đến vấn đề an ninh biển. 

Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 18.000 đảo và gần 8 triệu km2 biển. Để quản lý, Jakarta có 12 cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh biển, gồm: Hải quân, Cảnh sát quốc gia, Bộ Giao thông và các vấn đề Biển cùng Bộ Ngư nghiệp. Về lý thuyết, trách nhiệm của họ được phân chia theo chức năng và địa lý. Song, trên thực tế, đây là "cơn ác mộng" về hậu cần khi nhiều cơ quan khác nhau cùng cạnh tranh quyền lực và ngân sách. Theo tính toán của Siswanto Rusdi, Giám đốc Viện Hàng hải Quốc gia, thì chi phí hoạt động cho ngành tàu biển lên tới 7 nghìn tỷ rupiah (539 triệu USD) mỗi năm. 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Jokowi đã khẳng định sẽ đưa an ninh biển thành ưu tiên quan trọng trên cương vị tổng thống và rằng ông cam kết hiện thực hóa tầm nhìn "trục biển toàn cầu". Rõ ràng ông và các cố vấn hàng đầu đều sớm nhận ra rằng: để thực hiện những ưu tiên chính trong tầm nhìn đó, cần phải khắc phục vấn đề điều phối trên biển của Indonesia. Các ưu tiên chính gồm đảm bảo tài nguyên của Indonesia bằng cách hạn chế đánh cá bất hợp pháp, xây dựng quốc phòng trên biển và duy trì toàn vẹn lãnh thổ. 

Trong "Ngày Quần đảo" (Hari Nusantara) 13/12/2014, Tổng thống Jokowi đã thực hiện bước đi quan trọng khi thành lập Cơ quan An ninh Biển (BAKAMLA), trao cho cơ quan này thẩm quyền để điều phối và triển khai vật lực của các cơ quan chính phủ Indonesia - chứ không chỉ chia sẻ thông tin như cơ quan tiền thân yếu kém là Ban điều phối An ninh Biển (BAKORKAMLA). 

BAKAMLA cũng sẽ được bổ sung đội ngũ nhân lực lớn hơn để cấu thành "lực lượng tuần duyên". Chính quyền Jokowi muốn sử dụng BAKAMLA, với nhiệm vụ ngăn chặn nạn đánh cá bất hợp pháp, như một điểm chuẩn để từ đó đánh giá năng lực hoạt động trước khi trao những nhiệm vụ lớn hơn. 

Bất chấp sự khởi đầu đáng khích lệ đó, chính quyền Jokowi sẽ mất nhiều thời gian và công sức để đảm bảo thành công cho BAKAMLA. Trước hết, nó cần có quyền hạn lớn và rõ ràng. Việc trao quyền cũng như xác định rõ vai trò của cơ quan này với các tổ chức khác có ý nghĩa quan trọng trong quản lý an ninh hàng hải. Văn phòng Điều phối Các vấn đề chính trị, pháp chế và an ninh đã chuẩn bị cho kế hoạch này và nhiều khả năng sẽ sớm công bố. 

Thứ hai, cần đảm bảo BAKAMLA được cấp nhân lực và vật lực tương ứng để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, gồm cả diễn tập và tuần tra. BAKAMLA khởi đầu với chỉ 3 tàu tuần tra và được phân bổ 520 nghìn tỷ rupiah (40 tỷ USD) trong ngân sách 2015, khá ít so với trách nhiệm của nó. Người đứng đầu quản lý hoạt động BAKAMLA, Đại tá Andi Achdar gần đây thừa nhận một cách thẳng thắn: "Chúng tôi hoàn toàn không đủ nguồn lực". Ngày 13/2 vừa qua, Hạ viện Indonesia thông qua thêm 726,3 nghìn tỷ rupiah (56 tỷ USD) ngân sách cho BAKAMLA trong ngân sách 2015. Phó chỉ huy BAKAMLA Wuspo Lukito hồi đầu tháng 2 cũng cho biết sẽ tiếp nhận 30 tàu tuần tra đóng trong nước và một số cơ quan khác cũng góp tàu. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều hơn nếu BAKAMLA muốn nổi lên như một cơ quan có năng lực với 2.000 nhân viên. 

Thứ ba, ông Jokowi và các cố vấn cần hướng tới mục tiêu tăng cường phối hợp, với mục đích cuối cùng của BAKAMLA là không chỉ hành động mà còn trở thành trung tâm tích hợp thông tin chỉ huy và hệ thống liên lạc cũng như điều tra trên biển. 

Theo RSIS

Trần Quang (gt)