Trong khi Trung Quốc duy trì độc quyền chính trị kể từ khi thành lập, các tác động của việc tăng trưởng kinh tế nóng của nước này đã làm gia tăng bất ổn chính trị - xã hội, cản trở sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc thế giới. Một loạt các vụ bê bối chính trị cũng đã cho thấy những cuộc tranh giành quyền lực mạnh mẽ trong nội bộ tổ chức đảng. Trong khi sự thay đổi lãnh đạo hầu như không ảnh hưởng ngay lập tức đến chính sách và đường lối của ĐCSTQ, những chỉ dấu về việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo mới có thể làm sáng tỏ phương cách mà Trung Quốc sử dụng để duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Đại hội Đảng 5 năm một lần để xác định các chính sách lớn và bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương bao gồm khoảng 370 Ủy viên trong đó có các bộ trưởng, các quan chức quản lý cấp cao, lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu quân đội. Ban Chấp hành Trung ương sẽ bầu chọn Bộ Chính trị, trong đó có 25 thành viên. 

Bộ Chính trị lựa chọn Ủy ban thường vụ gồm 9 người có chức năng là tâm điểm của quyền lực và sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản có vị trí cao nhất là Tổng bí thư, Chủ tịch nước và người đứng đầu quân đội. Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người đứng đầu chính phủ. 

Diễn tiến được theo dõi sát sao nhất tại Đại hội 18 ĐCSTQ vào tháng 11 là việc số lượng Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có thể giảm từ 9 xuống còn 7 thành viên. Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự kiến sẽ thay vị trí của Hồ Cẩm Đào, trong khi đó, Phó Thủ tướng thường trực Lý Khắc Cường sẽ thay thế Ôn Gia Bảo. Việc khoảng 70% thành viên của ba cơ quan lãnh đạo quan trọng nhất là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chính phủ và Quân ủy Trung ương sẽ được thay thế làm cho sự kiện chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội này trở nên quan trọng và có ý nghĩa nhất trong vòng ba thập niên qua. 

Những thách thức về quản trị đất nước 

Trong những thập kỷ gần đây, các sự kiện mang tính toàn cầu và xung đột nội bộ đã một số lần đưa ĐCSTQ đến bên bờ sụp đổ. Cuộc bạo loạn Thiên An Môn năm 1989 và sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 1990 đã gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng hiện hữu đối với ĐCSTQ. ĐCSTQ đã thực hiện các đánh giá có hệ thống về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và tiến hành cải cách trong nội bộ hệ thống đảng, theo đó các nguyên nhân được xác định là một đảng - nhà nước cứng nhắc với một hệ tư tưởng giáo điều, giới tinh hoa bảo thủ, các tổ chức đảng không hoạt động và một nền kinh tế trì trệ. 

Kể từ đó đến nay, ĐCSTQ đã thể hiện một khả năng kỹ trị nhằm thích ứng đối với các áp lực phát triển của xã hội do sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc mang lại. Đảng của ngày hôm nay "đang gia nhập vào luồng cao tốc của quá trình toàn cầu hóa. Richard McGregor viết trong cuốn sách “The Party” vào năm 2010 rằng điều này đến lượt nó đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, tỷ lệ lợi nhuận cao hơn và an ninh chính trị lớn hơn". 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cao nhất trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc ngày hôm nay chưa tìm được tầm nhìn dài hạn cho Đảng, điều mà các nhân vật cải cách như Hồ Diệu Bang của thập niên 1980 đã có được hay như Hồ Cẩm Đào thúc đẩy sự minh bạch lớn hơn trong đảng hay việc cải cách thị trường tự do của Đặng Tiểu Bình, điều đã hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc. 

Sự lãnh đạo thực tế của Trung Quốc có thể cực kỳ phân cấp. Trong khi các Ủy viên Bộ Chính trị giữ trách nhiệm đưa ra các chính sách và bổ nhiệm nhân sự các bộ, họ không quản lý danh mục đầu tư hàng ngày mà Chính phủ thực hiện. Các tỉnh của Trung Quốc được quyền tự chủ rất lớn, và các quan chức lãnh đạo cấp dưới tỉnh được chính quyền trung ương bổ nhiệm gần như có toàn quyền kiểm soát. Chính sách có thể bắt nguồn “ngẫu nhiên” từ các cơ quan và các bộ hoặc từ các viện nghiên cứu chính sách và các cố vấn. Ông Pei cho biết "Không có một cách được cài đặt sẵn đưa ra chính sách ở Trung Quốc". 

Có thể phải mất từ 2 đến 3 năm các luật và quy định mới được thực hiện. Đôi khi các chính sách như vậy phải trải qua quá trình thử nghiệm, trong đó một số tỉnh phải thực hiện việc này. Cấu trúc cũng thiếu một hệ thống kiểm tra và đối trọng mà ở đó các quan chức địa phương phải có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện chính sách. 

Việc thiếu trách nhiệm giải trình đã làm tích tụ các bất bình, khiếu nại về bất bình đẳng thu nhập, thiếu bảo vệ người tiêu dùng, chiếm đoạt đất đai và các vấn đề nhân quyền. Nhiều người trong số này đã công khai đưa các vấn đề này trên Internet, làm xói mòn mạnh mẽ sự kiểm soát của ĐCSTQ về truyền thông chính trị. Vụ việc Trần Quang Thành và việc người tiêu dùng Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ xung quanh vụ hàng ngàn trẻ em bị nhiễm độc do sữa có chất melamine, về lâu dài chính quyền trung ương đã buộc phải có hành động đối với những lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm Trung Quốc. 

Chính sách đối nội và đối ngoại

Có lẽ cấp bách nhất đối với ĐCSTQ là xử lý vấn đề bất bình đẳng thu nhập rất lớn do sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc tạo ra. Vào giữa năm 2012, ĐCSTQ đã công bố một khuôn khổ phân phối thu nhập mới được thiết lập để khắc phục khoảng cách ngày càng tăng. Sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường kinh tế đã gia tăng thách thức về quản trị khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết “các tác dụng phụ của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, bao gồm cả khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giá cả tăng cao, ô nhiễm, sự suy giảm của nền văn hóa truyền thống là mối quan tâm lớn, và cũng có những lo ngại ngày càng gia tăng về tham nhũng chính trị". 

Chăm sóc y tế cũng là một chủ trương ​​ lớn của ĐCSTQ khi lực lượng dân số đang già đi ngày càng lớn, đã thúc đẩy chính phủ phải nỗ lực mở rộng chi trả bảo hiểm. Chi tiêu về chăm sóc sức khỏe sẽ tăng gần gấp ba lần, đạt 1 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 từ mức 116 tỉ USD năm 2011. Bảo hiểm y tế hiện nay chi trả cho hơn 95% dân số Trung Quốc. ĐCSTQ cũng đã điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó đề ra các chủ trương của Trung Quốc trong 5 năm tới bao gồm việc phát triển năng lượng sạch để giảm khí cácbon. 

Trong khi đó, quyền lực đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế đã làm cho họ nhiều lần không nhượng bộ trên mặt trận chính sách đối ngoại và tạo ra nhận thức mang tính phổ biến về một quốc gia với sức mạnh bành trướng, hung hăng. Nước này đã đặt cược vào tuyên bố kiên quyết về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông - một động thái đẩy Trung Quốc vào vị trí chống lại các nước láng giềng ASEAN và đã gây ra sự rạn nứt và bế tắc ngoại giao tại khu vực láng giềng này. Trung Quốc đã thể hiện tiếp tục hỗ trợ cho các chế độ thù địch với Mỹ trong đó có Xyri và Iran.

Bắc Kinh cũng đã phản đối kế hoạch hợp tác hải quân Mỹ - Hàn Quốc ở Biển Hoàng Hải, đồng thời phản ứng kịch liệt đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đình chỉ đối thoại an ninh cấp cao nhất và công bố các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với các công ty Mỹ có quan hệ với Đài Loan. 

Một số chuyên gia cho rằng trong khi quyền lực tương đối của Trung Quốc đã phát triển đáng kể so với tăng trưởng kinh tế của nước này, các nhiệm vụ chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn còn tính chất phòng thủ, chống lại các can thiệp từ nước ngoài, tránh thiệt hại lãnh thổ, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Andrew J. Nathan và Andrew Scobell viết trên tờ “Foreign Affairs” rằng điều đã thay đổi là "Trung Quốc hiện đang hội nhập sâu vào hệ thống kinh tế thế giới mà các ưu tiên đối nội và khu vực đã trở thành một phần của nhiệm vụ lớn hơn: xác định một vai trò toàn cầu phục vụ các lợi ích của Trung Quốc, mà không phải chỉ là giành được sự thừa nhận từ các cường quốc khác". 

Các chuyên gia cho rằng nhìn chung, mục tiêu hợp lý cho lãnh đạo mới ở Trung Quốc là tránh một mối quan hệ đối nghịch với Mỹ, mặc dù sự thay đổi lãnh đạo tới đây không đủ đưa ra những thay đổi đáng kể hoặc ngay lập tức trong lĩnh vực này. Một số người khác cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị ảnh hưởng cho đến khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại và cấu trúc chính trị cấp tiến hơn, bắt đầu với việc bình thường hóa các mối quan hệ trong khu vực của nước này. 

 

Beina Xu, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ

Thuỳ Anh (gt)