Chính phủ và Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết tính tới hạn chót đăng ký trở thành thành viên sáng lập AIIB (thể chế có số vốn đầu tư ban đầu lên tới 50 tỷ USD), đã có tổng cộng 49 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ là Đài Loan đề nghị gia nhập. Trong đó có 4 trên tổng số 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 18 trong 34 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cùng toàn bộ 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đáng chú ý là Mỹ và Nhật Bản đều vắng mặt trong danh sách này.

Trung Quốc là một trong những "đầu tàu" của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - thể chế có sự tham gia của Nga và các nước Trung Á - và nhóm BRICS, gồm các nền kinh tế đang nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Tuy nhiên, ông Christopher Balding thuộc Trường Thương mại HSBC của Đại học Bắc Kinh cho rằng AIIB là một thể chế "ở mức độ hoàn toàn khác". Ông nói: "(AIIB có) số vốn đầu tư nhiều hơn. Các nước tham gia là những nước có vị thế nhất định và họ sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng hơn trong tương lai".

Trong số những nước đề nghị gia nhập có các quốc gia hữu hảo với Trung Quốc như Kazakhstan và Myanmar, song cũng có cả các đồng minh quan trọng nhất của Washington như Đức, Anh, Pháp, Italy và Australia. Sự đa dạng về thành viên, với nhiều hệ thống dân chủ và định hướng thị trường, sẽ giúp AIIB có được cái nhìn bao quát về nhiều vấn đề như môi trường, nhân quyền, tham nhũng và cho vay có hiệu quả. Trung Quốc đã hái "trái ngọt" đầu tiên khi lời kêu gọi tham gia AIIB của họ được đáp lại bằng thái độ hào hứng của nhiều quốc gia, bất chấp sự phản đối của Mỹ, song ông Balding cho rằng Bắc Kinh nên thận trọng với những mục tiêu của mình. Trao đổi với AFP, ông nói: "Càng nhiều quốc gia hứng thú với đề xuất ấy thì việc kiểm soát tình hình càng khó khăn hơn và sự kỳ vọng còn lớn hơn nữa". Trong ấn phẩm ngày 1/4, tờ "Thời báo Hoàn cầu" (Trung Quốc) cũng thừa nhận điều này. Một bài viết được đăng tải có đoạn: "Càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gia nhập, chúng ta càng khó đạt được đồng thuận trong tương lai".

Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến lo ngại về việc thành lập một ngân hàng hoạt động dưới sự điều hành của Trung Quốc, một đất nước được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản - đảng cầm quyền thường bị chỉ trích là độc đoán với căn bệnh tham nhũng kinh niên. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: liệu Bắc Kinh có tìm cách "lợi dụng" AIIB để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị của riêng mình nhằm khẳng định vị thế cường quốc hay không?

Trong tương lai, châu Á cần những mạng lưới giao thông, điện năng và thông tin liên lạc quy mô, và điều này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn hơn rất nhiều những gì mà các thể chế tài chính đa phương đang tồn tại như Ngân hàng Thế giới (WB - do Mỹ dẫn đầu) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB - do Nhật Bản lãnh đạo) có thể cung cấp. Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy mạnh mục tiêu xây dựng "Con đường Tơ lụa thế kỷ 21" trên biển và đất liền, và sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường". AIIB được cho là sẽ giúp cấp một phần vốn cho những kế hoạch đầy tham vọng này.

Damien Ma, chuyên gia tại Viện The Paulson ở Washington, nói: "Bắc Kinh rõ ràng đang đẩy mạnh những mục tiêu kinh tế theo một cách khôn khéo. Chính sách đối ngoại của họ bám sát một chiến lược mà tôi gọi là 'mềm mỏng hơn và mục tiêu lớn". Ông cho rằng điều mà Trung Quốc đang muốn làm là hiện thực hóa "tham vọng tái xây dựng Con đường Tơ lụa để thúc đẩy hội nhập kinh tế Á-Âu hơn nữa". Trong một bức thư gửi cho AFP, ông viết: "Tất cả những thể chế mới được thành lập như AIIB, Quỹ Con đường Tơ lụa, Ngân hàng BRICS... đều là các phương tiện giúp Trung Quốc từng bước hiện thực hóa tham vọng của mình". 

Trong khi đó, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn luôn khẳng định rằng họ không có bất kỳ tham vọng bí mật hay mục đích riêng nào. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Sử Diệu Bân khẳng định: "AIIB là một sáng kiến mang lại lợi ích cho rất nhiều nước và là một nhân tố tích cực đóng góp vào trật tự kinh tế quốc tế hiện hành". Ông cam kết AIIB sẽ được xây dựng "dựa trên cơ sở cởi mở, minh bạch và hiệu quả cao".

Có ý kiến cho rằng AIIB sẽ thu hẹp vai trò của WB và ADB. Mỹ và Nhật Bản là hai nước thẳng thừng từ chối gia nhập AIIB. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Tokyo vẫn "hoài nghi" về khả năng lãnh đạo AIIB của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết Washington lo ngại về các tiêu chuẩn của ngân hàng này. Ông nói: "Những quyết định ban đầu về các dự án đủ điều kiện và đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tư, cũng như cách chúng được triển khai sẽ là một tín hiệu quan trọng". Những lo ngại trên là hoàn toàn có căn cứ vì theo ông Balding, "trong quá khứ, điều mà người ta có thể dễ dàng thấy được là Trung Quốc từng phóng khoáng rót tiền vào các dự án tại châu Phi và Mỹ Latinh, họ quan tâm tới số lượng hơn chất lượng".

Bài viết của Kelly Olsen, AFP đăng tải trên trang The China Post

Duy Anh (gt)