Năm 2014 không phải là một năm đặc biệt tốt đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai thảm kịch hàng không gây không khí ảm đạm cho cả năm: chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3 và MH17 bị bắn rơi ở Donetsk (Ukraine) vào ngày 17/7, và cho đến nay những bi kịch trên vẫn còn trong vòng bí ẩn. Cựu giám đốc điều hành hãng hàng không này từng tuyên bố rằng có thể chiếc MH370 bị bắn hạ bởi máy bay chiến đấu của Mỹ khi ở độ cao thấp, gần pháo đài của Mỹ ở Diego Garcia. Trong khi đó, các nhà điều tra Nga khẳng định có bằng chứng cho thấy một phi công người Ukraine đã bắn hạ chiếc MH17 trên bầu trời Ukraine. Các hỏi về số phận hai chiếc máy bay phản ánh sự bất ổn không chỉ nhấn chìm khu vực ASEAN mà còn các nơi khác trên giới.

Nhìn vào Thái Lan, chính phủ lên nắm quyền thông qua cuộc đảo chính vào ngày 22/5, khi tiếp quản quyền lực hứa hẹn sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 10/2015, nhưng lời cam kết này đã được dời lại tới tận đầu năm 2016. Ngay sau cuộc đảo chính, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã kêu gọi ASEAN ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại của khu vực về tình hình chính trị Thái Lan, song đã không đạt được sự đồng thuận. 

Về vấn đề Biển Đông, từ năm 2008 đến nay Trung Quốc đã trở nên rất quyết đoán với các tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, qua đó đã có sự va chạm nguy hiểm với Philippines và Việt Nam. Tháng Giêng năm ngoái, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền dựa trên chín đoạn đứt khúc được vẽ trên một bản đồ cũ. Trung Quốc từ chối thời hạn chót ngày 15/12 để trả lời bản ghi nhớ của Philippines về vụ án, thay vào đó, tuyên bố rằng Tòa án quốc tế không có thẩm quyền. Việt Nam đã chính thức ghi nhận các tuyên bố của Toà án trọng tài về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hỗ trợ thẩm quyền của Tòa án trong vụ án và bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc dựa trên “đường đứt khúc chín đoạn”. Trong khi đó, những nỗ lực của ASEAN để tăng tốc độ đàm phán với Trung Quốc về thiết lập bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông đã bị chậm lại bởi “bức tường đá” Trung Quốc. Là chủ tịch ASEAN, Myanmar đã làm tốt một số công việc, nhưng với người bạn “vong niên” Trung Quốc thì nước này cũng không thể tiến hành được các cuộc đàm phán. Theo Ủy ban các vấn đề đối ngoại Mỹ, Biển Đông được xếp thứ sáu trong mười ưu tiên ngăn chặn xung đột trong năm 2015, với xác suất ước tính từ cuộc chiến tranh từ cấp thấp đến trung bình. 

Nếu cuộc xung đột bùng lên ở Biển Đông, nằm trong số những nạn nhân đầu tiên sẽ là học thuyết hàng hải mới của Indonesia. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan ở Myanmar cuối tháng 11 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo đã nêu tham vọng đưa quốc gia “vạn đạo” trở thành điểm tựa hàng hải thế giới nhờ nắm vị thế chiến lược trung tâm các đại dương, có vị trí tốt nhất để chủ trì một mạng lưới thương mại hàng hải quốc tế, do đó nước này sẽ chi nhiều tiền để tân trang các cảng biển, cơ sở hạ tầng hàng hải khác cũng như hiện đại hóa lực lượng hải quân. Với học thuyết mới, quốc đảo sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ hàng hải và vùng đặc quyền kinh tế, động thái nhấn mạnh chính sách này thể hiện qua việc nhà chức trách Indonesia gần đây đã đánh chìm ba tàu cá Việt Nam, sáu tàu thuộc bộ lạc Bajau (Philippines). Các nhà quan sát chỉ ra rằng các rào cản để theo đuổi thành công học thuyết “trục hàng hải” chính là sự phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng nếu quốc đảo không thận trọng. 

Như vậy, vấn đề lớn nhất của ASEAN hiện nay chính là câu hỏi đã sẵn sàng để trở thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 hay chưa, và câu trả lời ngắn gọn vẫn là chưa. Đó là lý do tại sao giới nghiên cứu đang nói đến ngày 31/12/ 2015 không phải là thời hạn chính xác, chỉ là một bước ngoặt, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn sẽ tiếp tục. Câu trả lời dài hơn cũng vậy với một loạt lời giải thích, hai trong số những lý do thường được trích dẫn là sự thổi phồng quá mức nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ngăn cản những cam kết đầy đủ với các mục tiêu dài hạn của khu vực, ủng hộ các mục tiêu quốc gia ngắn hạn. Lý do thứ hai chính là các công cụ để đối phó với trường hợp những thành viên không tuân thủ các cam kết. Nếu không có những công cụ này, việc thực hiện các cam kết không bị chế tài sẽ làm suy yếu tuyên bố của ASEAN để trở thành một cộng đồng thực sự.

Theo Jakarta Globe

Văn Cường (gt)