Trong 5 năm tới, những gì ông nói và làm đều sẽ có tác động tới sự gắn kết cũng như các giá trị của ASEAN. Những hành động của ông cũng sẽ định hình bản sắc và hình ảnh của tổ chức này thể hiện ra thế giới bên ngoài. Là người đứng đầu ASEAN đầu tiên từ một thành viên không phải là quốc gia sáng lập, phong cách lãnh đạo và lập trường của ông sẽ được cả thế giới quan tâm theo dõi. Ông sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn cả bên trong cũng như bên ngoài tổ chức.

Về mặt cơ cấu, ASEAN có nhiều cơ quan với các mục tiêu chồng chéo nhau. Mỗi cơ quan của tổ chức này đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nhưng khi lấn sang các lĩnh vực khác thì lại tỏ ra lúng túng vì thiếu một cái nhìn tổng thể của tổ chức. Điều này lý giải tại sao một số quyết định của ASEAN không được thực hiện. Do đó, tân Tổng Thư ký cần phải củng cố và thống nhất các cơ quan của tổ chức để tăng cường tính hiệu quả.

Việc xem xét lại Hiến chương ASEAN và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền sẽ là một thước đo khả năng lãnh đạo của ông vì đây là những vấn đề nhạy cảm trong nội bộ khối. Về xem xét lại Hiến chương ASEAN, đang có sự chia rẽ trong nội bộ khối khi một số nước không đồng tình, một số khác lại cho rằng cần phải thực hiện để tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN cũng như củng cố vị thế và tính hiệu quả của Ban Thư ký. Câu hỏi đặt ra là liệu tân Tổng Thư Ký Lê Lương Minh có quyết tâm theo đuổi tham vọng giống người tiền nhiệm là củng cố vai trò của Ban thư ký hay không?

Một vấn đề nhạy cảm khác mà ông Minh sẽ phải đối mặt là vấn đề Biển Đông. Cựu Tổng Thư Ký  ASEAN gốc Thái Surin Pitsuwan đã giữ được tính vô tư không thiên vị trong cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Do đó, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, những gì tân Tổng Thư ký nói và làm sẽ được xem xét kỹ lưỡng vì Việt Nam là một trong 4 nước ASEAN tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Ông Minh được mong đợi sẽ sử dụng kinh nghiệm của mình về ngoại giao đa phương để đảm bảo các cuộc đối thoại và giải pháp hòa bình được tiếp tục sử dụng để giải quyết các xung đột và tranh chấp trong khu vực.

Có thể nói ông Lê Lương Minh đã được chuẩn bị kĩ lưỡng để đảm nhận chức vụ quan trọng này. Ông từng là đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và cũng từng giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kì 2008 - 2009. Ngay từ trước khi có tuyên bố chính thức về đề cử làm Tổng Thư Ký ASEAN, ông đã tham gia nhiều cuộc họp ASEAN quan trọng để làm quen với các vấn đề trước mắt.

Một lợi thế khác là ông kế thừa một mạng lưới rộng khắp với các tổ chức và chính phủ cũng như các nhóm xã hội dân sự do người tiền nhiệm xây dựng. Dĩ nhiên, vị Tổng Thư ký mới sẽ có cách tiếp cận khác và có thể sẽ kín đáo hơn người tiền nhiệm. Hơn nữa, xuất thân là một nhà quản lý tài giỏi, ông sẽ có kinh nghiệm với các hoạt động liên quan tới gần 300 nhân viên địa phương và quốc tế. Do những người đứng đầu Ban Thư ký ASEAN hầu hết là các viên chức mới nên điều quan trọng là ông có thể thiết lập các quy tắc và đạo đức nghề nghiệp trong 5 năm tới. Ban Thư ký cũng cần phải tạo dựng một tinh thần tập thể chung mà các thành viên phải tuân theo và những lợi ích mà họ phải bảo vệ. Cộng đồng thế giới cũng như các đối tác của ASEAN đều đang quan tâm theo dõi những gì ASEAN sẽ làm trong năm tới.

Theo Straits Times (ngày 2/1)

Viết Tuấn (gt)