Điều này thể hiện qua ứng xử của Chính quyền Jokowi với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các bên liên quan nhằm tạo dựng và khẳng định chỗ đứng của Indonesia trong khu vực và thế giới.

Chính sách Trục Hàng hải Toàn cầu là chính sách ngoại giao trụ cột của Chính quyền Jokowi để bảo vệ chủ quyền của Indonesia, củng cố an ninh hàng hải, giải quyết vấn đề cướp biển khu vực, cải tiến cơ sở hạ tầng, nâng cao sức mạnh mềm nhằm tăng vị thế quốc gia trong bàn cờ thế giới. Đối với ASEAN và thế giới, chính sách này có 3 hệ lụy quan trọng: (i) tăng cường sức mạnh cho ASEAN, hỗ trợ giải quyết vấn đề cướp biển, an ninh giao thương hàng hải, ứng phó thiên tai, thảm họa hàng không v.v.; (ii) gây lo lắng về một chính sách đặt nặng lợi ích dân tộc có thể làm tăng căng thẳng và gây trở ngại hợp tác phát triển trong khu vực (gần đây Indonesia ra lệnh bắt giữ nhiều tàu đánh cá trái phép chạy trốn tại vùng biển Indonesia, ra lệnh tử hình 5 công dân nước ngoài buôn ma túy cho dù các nước đã khẩn khoản xin đặc ân); (iii) gửi tín hiệu tới thế giới rằng Indonesia đang có một lãnh đạo mới, khác biệt so với người tiền nhiệm khi không còn duy trì chính sách dung hòa tránh đụng độ với các bên.

Những ẩn ý trong chính sách này thể hiện qua việc Chính quyền Jokowi tối ưu hóa lợi thế quốc gia, mặc cả với các nước khác xây dựng quan hệ thân thiện với mình kể cả các nước trước đây đã từng xảy ra xung đột. Điều này thể hiện qua ứng xử của Chính quyền Jokowi với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các bên liên quan nhằm tạo dựng và khẳng định chỗ đứng của Indonesia trong khu vực và thế giới.

(i) Đối với Australia: tạm gác lại vụ tai tiếng gián điệp năm 2013, hai nước cùng nhận thấy việc hợp tác bảo vệ chủ quyền biển đảo là điểm chính trong quan hệ. Vị trí đứng đầu các quốc gia tầm trung đang là mục tiêu hai nước đang hướng đến. Đây có thể coi như là sự chuyển giao sức mạnh khu vực giữa hai bên khi Indonesia phải chắc chắn không phương hại gì đến Australia và Australia phải tôn trọng, cho Indonesia có một chỗ đứng trong bàn cờ quyền lực thế giới.

(ii) Đối với Trung Quốc: xảy ra tranh chấp xung quanh quần đảo Natuna nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc, Indonesia hoàn toàn có thể triển khai các hành động đáp trả lại và thậm chí là ngăn chặn tàu cá Trung Quốc vào vùng biển của mình. Tuy nhiên, Indonesia dường như muốn hạ nhiệt tình hình vì coi trọng nguồn vốn đầu từ nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc để nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở đang xuống cấp và đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực phía đông.

(iii) Đối với Nhật Bản: Nhật Bản là nhà đầu tư hảo tâm số một tại Indonesia trong nhiều thập kỉ nay. Cùng chung lợi ích bảo vệ chủ quyền biển đảo, Nhật Bản sẵn sàng xây dựng quan hệ mạnh hơn, đa lĩnh vực hơn với Jakarta đồng thời đưa ra triển vọng cùng nhau hợp tác và xây dựng vùng đệm chống lại các hành động leo thang của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp chủ quyền biển đảo.

(iv) Đối với các quốc gia sản xuất vũ khí: chính sách Trục đồng nghĩa với nhu cầu về vũ khí, tàu biển, hệ thống trang bị mới hiện đại nhất mà các quốc gia như Đức, Nhật Bản và Mỹ đang tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh.

(v) Đối với Mỹ: hai nước đang mở rộng và đưa hợp tác đi vào chiều sâu trong lĩnh vưc an ninh biển và cùng nhau giải quyết vấn đề liên quan đến Nhà nước Hồi giáo. Indonesia sẽ là một công cụ khác cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh siêu quyền lực sắp xảy ra với Trung Quốc. Với vị trí địa chiến lược quan trọng của Indonesia (cửa ngõ vào Biển Ấn Độ Dương, Biển Đông và Thái Bình Dương), nếu Mỹ có thể thuyết phục Indonesia về phe mình sẽ giúp tăng cường, mở rộng liên minh thân Mỹ, hỗ trợ vành đai bao quanh Trung Quốc và quan trọng nhất là thiết lập vị trí vững chắc của Mỹ xuyên suốt Châu Á.

Mặc dù chính sách Trục có nhiều ưu việt và có thể đem lại cho Indonesia một vị thế tốt hơn trong bàn cờ chính trị thế giới, Chính quyền Jokowi nên đầu tư thời gian và tập trung nhất định để quan sát xem chính sách này được các quốc gia, công ty và tổ chức cảm nhận như thế nào.

Lược dịch từ Strategic Review

Trần Quang (gt)