1. Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam", trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 31/12/2009

Phản ứng trước vấn đề, NPN BNG Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói:

 "Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm nêu trên của phía Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông". "Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này".

 

2. Hội Địa lý Mỹ làm sai bản đồ Hoàng Sa (tháng 3)

 

Vụ việc được cộng đồng mạng phát hiện vào hồi đầu tháng 3 và dấy lên sự phản đối mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Trả lời câu hỏi của báo chí hôm 13/3, NPN BNG Việt Nam Nguyễn Phương Nga một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

 

Trước đó, Tạp chí National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia Mỹ) đăng bản đồ thế giới trực tuyến, trong đó quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa có chữ “China” (Trung Quốc).

 

Trước sự phản đối chính thức của Việt Nam, ngày 25/3 (giờ địa phương), Hội Địa lý quốc gia Mỹ cập nhật quyết định mới nhất liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, sau khi Ủy ban Chính sách bản đồ của Hội họp bàn cụ thể.

 

Hội Địa lý quốc gia Mỹ quyết định, việc ghi chú bản đồ đối với quần đảo Hoàng Sa sẽ tuân theo quy ước: Với các bản đồ thế giới tỉ lệ nhỏ: sử dụng tên gọi quy ước "Paracel Islands", bỏ thông tin về chủ quyền.

 

Với các bản đồ khu vực, các châu lục và bản đồ từng phần tỉ lệ lớn hơn, sẽ sử dụng tên gọi quy ước Paracel Islands, mở rộng thông tin về chủ quyền cụ thể hơn: Chiếm đóng (occupied) bởi Trung Quốc năm 1974, với tên gọi Xisha (Tây Sa), tuyên bố chủ quyền bởi Việt Nam với tên Hoàng Sa.

 

Như vậy, trên bản đồ thế giới, chữ "China" dưới quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) sẽ bị xóa. Với bản đồ khu vực, cụm từ "quản lý bởi Trung Quốc" sẽ được thay thế bằng cụm từ "chiếm đóng bởi Trung Quốc" với nhiều thông tin cụ thể hơn. Tên gọi chính thức của quần đảo cũng được sử dụng theo tên gọi thông lệ quốc tế Paracel Islands, chứ không phải Xisha (Paracel Islands) như trước.

 

3. Hội thảo quốc tế về tranh chấp biển Đông tại Hoa Kỳ (25/3)

 

Một cuộc hội thảo “mang tính học thuật” bàn về tranh chấp lãnh hải ở biển Đông đã được Trung tâm Văn hóa, Xã hội và Triết học Việt Nam thuộc Đại học Temple tổ chức hôm 25 tháng 3 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, của Hoa Kỳ.

Có khoảng 100 người tham dự cuộc hội thảo có tên gọi “Các tuyên bố chủ quyền trái ngược đối với Biển Đông” với các diễn giả là các chuyên gia người bản xứ và người Hoa Kỳ gốc Việt.

 

4. Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã họp trong hai ngày 16-17/4 tại Hà Nội

 

Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã họp trong hai ngày 16-17/4 tại Hà Nội. Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Hồ - Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho hay điểm đáng lưu ý tại phiên họp, đó là các nước tiếp tục đánh giá cao ý nghĩa của DOC đối với hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực; đồng thời khẳng định cam kết "tôn trọng và thực hiện đầy đủ" Tuyên bố này.

5. Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá (tháng 5)

 

Phản ứng trước việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng  tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này.

 

Trước đó, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009. Đề cập đến phản ứng của Việt Nam trước động thái này, ông Dũng một lần nữa nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

 

6. Quân đội ASEAN phối hợp tuần tra trên biển (tháng 5)

 

Tại lễ khai mạc hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, các nước ASEAN đang triển khai việc tuần tra chung trên biển, thiết lập đường dây nóng giữa các đơn vị hải quân.

 

7. Đối thoại Shangri-La ( tháng 6)

 

Tại Đối thoại, BTQP Mỹ, ông Robert Gates đã chính thức bày tỏ mối quan tâm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và công khai phản đối sử dụng vũ lực trong tranh chấp.

 

Trong một lời dè chừng gián tiếp nhắm vào Trung Quốc, ông Robert Gates đã nhắc lại các hành động hù dọa của Trung Quốc nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam trong thời gian qua :  “Hoa Kỳ chống lại mọi hành động nhằm hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực này”.

 

Theo ông Robert Gates, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng. Đó là duy trì một vùng biển ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế tự do và không bị cản trở. Lẽ dĩ nhiên, Bộ Trưởng quốc phòng Mỹ đã nhắc lại lập trường cố hữu của Hoa Kỳ là không chọn phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng các phương pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

 

8. Hiệp định nghề cá song phương  Việt Nam  - Philipines

 

Việt Nam và Philippines ký thoả thuận hỗ trợ ngư dân trong bước tiến tăng cường hợp tác nội bộ Asean về Biển Đông.

Lễ ký kết diễn ra tại Hà Nội hôm 28 tháng 6 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Rafael Seguis, người chuyên trách về vấn đề hải dương, và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Vũ Văn Tâm.

9. Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” (tháng 7)

Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã bày tỏ lập trường chính thức với các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ khi nói rằng: "Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

10. Indonexia chính thức gửi công hàm phản đối “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc lên LHQ ngày 8/7.

Các đảo, đá tại Biển Đông không có đời sống kinh tế riêng nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Công hàm phản đối của Indonesia có một ý nghĩa lớn vì Indonesia không phải là một nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ngược lại, quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này là bên trung gian, đã có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

11. Mỹ tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia” và là “ưu tiên ngoại giao” tại ARF 17 (tháng 7)

Tại Diễn đàn ARF 17, Ngoại trưởng Mỹ chính thức tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia” và là “ưu tiên ngoại giao” của nước này. Tuyên bố cho thấy Mỹ đã thực sự chuyển hướng trong chính sách về vấn đề tranh chấp Biển Đông, mở đường và khuyến khích các quốc gia liên quan mạnh mẽ lên tiếng và tạo mặt trận thống nhất đoàn kết trong đàm phán với Trung Quốc.

Ngoài lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Mỹ, 12 Ngoại trưởng các nước ASEAN và đối tác đối thoại đã nêu vấn đề Biển Đông và an ninh biển nói chung tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF).

12. Trung Quốc tập trận ở biển Đông ( 26/7)

Ngay sau ARF 17, để phản ứng trước lời tuyên bố của bà Clinton, cũng như “dằn mặt” các quốc gia liên quan, Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở biển Đông.

 

Hãng Xinhua dẫn tin trên trang nhất của nhật báo của quân đội Trung Quốc hôm qua cho biết cuộc tập trận diễn ra ngày 26/7, có sự tham gia của nhiều nhóm tàu chiến, tàu ngầm và máy bay. Tàu chiến và tàu ngầm thuộc hạm đội biển Đông của hải quân Trung Quốc bắn tên lửa dẫn đường trong một cuộc tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu trên biển. Phi đội máy bay của hải quân thì tham gia chiến dịch kiểm soát trên không.

Báo của quân đội Trung Quốc không nói rõ địa điểm chính xác của cuộc tập trận cũng như số tàu chiến tham gia.

13. Quan chức Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ (tháng 8)

Chuyến ghé thăm của tàu sân bay  bay USS George Washington mang tính biểu tượng lớn: cập cảng tại Đà Nẵng – nơi trước đây là khu căn cứ hải quân của Mỹ, và Hoàng Sa và Trường Sa thuộc địa bàn hành chính dưới sự quản lý của Đà Nẵng.

Đoàn cán bộ Việt Nam hôm qua có chuyến thăm tàu USS George Washington đang ở ngoài khơi Việt Nam, trên vùng biển giáp thành phố Đà Nẵng.

 

Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ, trang web của TTXVN cho biết. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

 

Đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã tham quan và được giới thiệu về hoạt động của tàu; giao lưu, tìm hiểu cuộc sống và công việc của các sĩ quan, thủy thủ đoàn nhằm tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết giữa hai bên.

14. Trung Quốc cắm cờ tại Biển Đông. (cuối tháng 8)

Trung Quốc hôm 26/8 thông báo cử một tàu ngầm có người lái xuống đáy biển Đông để cắm cờ của nước này tại vùng biển có trữ lượng lớn về dầu và khí đốt thiên nhiên.

Tân Hoa Xã đưa tin, tàu ngầm này trước đó lặn 17 lần xuống độ sâu tới 3,8 km từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua. Nhiều hãng thông tấn khác thì đưa tin, đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Trung Quốc thành công trong việc xuống độ sâu đó.

Hãng tin này không nói cờ được cắm ở đâu, cũng như tàu có đi vào hải phận đang tranh chấp hay không.

15. Tuyên bố Asean – Mỹ về Biển Đông ( 25/9)

Ngày 25/9, Nhà Trắng đã đưa ra Tuyên bố chung sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN lần thứ hai, diễn ra tại New York. Một lần nữa, hai bên khẳng định tầm quan trọng của ổn định và hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được nhất trí của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp.

16. Biển Đông với cách tiếp cận mềm tại ADMM+ (tháng 10)

Tại Hội nghị, vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu ra, và quan trọng hơn là thái độ của Trung Quốc tại Hội nghị đã “mềm mỏng” và “biết điều” hơn trước.

Các bên đều đã lựa chọn cách "tiếp cận mềm" trong các vấn đề căng thẳng, đảm bảo đòi hỏi mà Bộ trưởng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã nêu "tất cả các bên đều cảm thấy thoải mái". Vấn đề Biển Đông là một minh chứng rõ ràng cho "món quà thiện chí" của các bên tại Hội nghị này.

17. Campuchia phản đối quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông (tháng 10)

Thủ tướng Husen chính thức phản đối quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Tuyên bố này được ông Husen đưa ra vào hôm 28/10 với ông Ôn Gia Bảo. Ngay sau đó, trong chuyến thăm bốn ngày của ông Ngô, kết thúc hôm thứ Bảy, các quan chức Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ đô la cho 23 dự án cơ sở hạ tầng ở Vương quốc [Campuchia] trong 5 năm tới, các dự án ông Khieu Kanharith cho biết gồm có "các tuyến đường, cầu, cảng, đường sắt và công nghệ thông tin". Campuchia và Trung Quốc cũng đã ký 16 thỏa thuận liên quan đến nguồn tài nguyên thủy điện và nước.

18. Sẵn sàng cho tàu hải quân nước ngoài vào Cam Ranh (30/10)

“Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm tại cảng Cam Ranh khi có yêu cầu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay trong cuộc họp báo chiều 30/10.

19. Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển (27 tháng 10)

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức tuyên bố ký kết về Hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển.

20. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 2 tại TP. Hồ Chí Minh

 

Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày (11-12/11) với 7 phiên thảo luận.

Sự kiện thu hút sự tham gia của các học giả từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước EU cùng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam.

21. ASEAN - Trung Quốc chuẩn bị họp về vấn đề ứng xử tại Biển Đông (22 – 23/12)

Ngày 22 và 23/12/2010, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ đàm phán với nhau tại thành phố Côn Minh, miền nam Trung Quốc. Mục tiêu cuộc họp là nhằm tháo gỡ một bế tắc dai dẳng cản trở việc tiến tới một bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và 4 nước ASEAN. Cuộc họp tập hợp quan chức cao cấp hai bên thuộc Nhóm làm việc phụ trách vấn đề thực thi Bản tuyên bố về các quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông -DOC, đã được hai bên ký kết vào năm 2002 để làm tiền đề cho một bộ quy tắc mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua cho biết chính quyền Bắc Kinh và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.

Văn Cường (tổng hợp)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)