Trong năm 2017, các cuộc bầu cử quan trọng sẽ được tiến hành ở Hà Lan, Pháp, Đức, và có thể cũng sẽ diễn ra ở Italy. Bất cứ cuộc bầu cử nào trong số này cũng có thể đem tới sự lên ngôi cho phe dân túy và gia tăng thêm bất ổn cho Liên minh châu Âu (EU) vốn đã bị tác động mạnh bởi khủng hoảng. Song cũng trong một năm có nhiều nguy cơ lớn về chính trị này, các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới hai lễ kỷ niệm trọng đại và ý nghĩa của chúng đối với tương lai EU.

Sự kiện thứ nhất là vào ngày 25/3, khi EU kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Hiệp ước Rome tạo nền móng cho việc thành lập thị trường chung. Sáu nước đầu tiên ký kết Hiệp ước- gồm Pháp, Tây Đức, Italy, Belgium, Hà Lan và Luxembourg- có thể đã không ngờ được rằng số lượng thành viên sau đó đã tăng lên thành 28 nước trải dài cả Đông và Tây Âu. Và họ có thể cũng không lường trước được mức độ đặc biệt của việc tạo lập một liên minh tiền tệ gồm 11 nước năm 1999 mà từ đó đã mở rộng thành 19 nước.

Lễ kỷ niệm này có tầm quan trọng về mặt chính trị bởi nó diễn ra cùng với bước ngoặt đầu tiên cho mối liên kết châu Âu thời hậu chiến. Thủ tướng Anh Theresa May dự kiến sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới, chính thức khởi động quá trình nước Anh rời khỏi EU (còn gọi là vấn đề Brexit) trong 2 năm tiếp theo. Điều này sẽ khiến toàn EU phải thêm quyết tâm dồn hết nỗ lực để biến lễ kỷ niệm này thành một sự kiện tập hợp những thành viên còn lại. Thông điệp chính sẽ là vai trò không thể thiếu được của EU trong việc ngăn chặn sự quay trở lại các cuộc xung đột thảm khốc của thế kỷ 20 và giải quyết các vấn đề hiện tại.

Điều đó báo trước điềm gở cho những hi vọng của bà May rằng sẽ đạt được một thỏa thuận hữu hảo về quan hệ tương lai giữa Anh và EU bởi cách thức chắc chắn nhất (dù chẳng khôn ngoan) để chứng tỏ được giá trị của khối là bắt Anh phải trả giá cao cho việc "dứt áo ra đi". Điều này thực sự đã thấy lờ mờ xuất hiện qua một yêu cầu về việc ra đi ước tính trị giá tới 60 tỷ euro (62 tỷ USD)- một đòi hỏi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán- và qua một quan điểm cứng rắn về các dàn xếp thương mại tương lai.

Hình thành một mặt trận chung chống lại Anh là một cách che đậy những rạn nứt thậm chí đã sâu hơn trong nội bộ EU, nhất là trong khu vực đồng Euro hoạt động kém hiệu quả. Đó là một lý do tại sao việc tổ chức lễ kỷ niệm này ở Rome sẽ có tính chất quan trọng. EU có thể có khả năng đối phó được với vấn đề Brexit, song tổ chức này sẽ phải vất vả khi đối mặt với một chính phủ dân túy ở Italy. Hiện điều đó có thể xảy ra nếu, và dường như là ngày càng chắc chắn, một cuộc bầu cử được tổ chức ở Italy trong năm nay.

Việc người dân Italy trong cuộc trưng cầu dân ý kiên quyết bác bỏ kế hoạch của Thủ tướng Matteo Renzi về việc thay đổi hiến pháp đã cho thấy một nỗi thất vọng- đặc biệt trong giới trẻ vốn đang phải gánh chịu tác động do tình trạng kinh tế tồi tệ của Italy trong liên minh tiền tệ này. Lễ kỷ niệm trong tháng 3 sẽ là cơ hội để chống lại các đảng phản đối đồng euro, hiện đang mạnh lên bởi sự bất mãn, bằng cách gợi lại cho các cử tri đủ mọi lứa tuổi về những giá trị tiếp theo đối với Italy nếu tham gia lâu dài trong EU.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc trong lòng châu Âu không có gì phải ngạc nhiên. Nhìn trong một giai đoạn dài, phong trào hướng tới sự hội nhập chắc chắn luôn vấp phải những chia rẽ dai dẳng trong lịch sử châu Âu. Lễ kỷ niệm lớn thứ hai trong năm 2017– ngược dòng thời gian cách đây 5 thế kỷ với sự kiện ngày 31/10/1517, nhà thần học Martin Luther đưa ra 95 luận đề yêu cầu cải cách Giáo hội Công giáo- sẽ là lời nhắc nhở thứ hai về sức mạnh của các lực ly tâm của châu Âu. Sự công kích của nhà thần học vào việc bán phép ân xá- bán sự ân xá cho những người mắc tội để gây quỹ cho Giáo hoàng- đã báo hiệu những rạn nứt về tôn giáo và chính trị ở châu Âu giữa các quốc gia theo Tin Lành và Thiên Chúa.

Những rạn nứt trong Cơ đốc giáo giờ không còn chia rẽ người châu Âu nữa, song những dấu tích của sự rạn nứt đó vẫn còn. Sự chia rẽ trong khu vực đồng euro giữa thể chế và văn hóa các nước phía Bắc như Hà Lan với những nước ở Nam Âu phần lớn phản ánh đường đứt gãy tôn giáo do cuộc Cải cách Công giáo gây ra. Để liên minh tiền tệ hoạt động đòi hỏi một sự chia sẻ tài chính mà sự chia sẻ này đổi lại cũng đòi hỏi một sự tin cậy lẫn nhau- điều mà sự chia rẽ văn hóa để lại không nhiều.

Sau một năm liên tục xuất hiện những chuyện bất ngờ, các nhà đầu tư cần đánh giá lại cách thức phán đoán các nguy cơ chính trị của mình. Các cách thức truyền thống dựa vào các cuộc trưng cầu dân ý đã thất bại bởi bối cảnh tiến hành bỏ phiếu đang thay đổi cơ bản ở cả hai bờ Địa Trung Hải. Trong năm bầu cử của châu Âu, các nhà sử học có thể chỉ dẫn tốt hơn là các cử tri. Bài học chung từ hai lễ kỷ niệm rất đáng suy ngẫm. Sự thống nhất của châu Âu rất mạnh mẽ, là điều mà nước Anh sẽ đau đớn nhận ra. Dù có sự lật đổ của chủ nghĩa dân túy trong các cuộc bỏ phiếu năm 2017, mô hình EU hiện tại cần trở nên linh hoạt hơn nếu muốn tồn tại.

Theo “Reuters” (ngày 18/1)

Anh Thư (gt)