Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10/2013 đã tuyên bố trước Quốc hội Indonesia về việc thiết lập Con đường tơ lụa trên biển, tầm nhìn của Trung Quốc về "một con đường" chạy qua khu vực Đông Nam Á và Nam Á đã tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Với việc lập các định chế tài chính khổng lồ để tài trợ cho dự án này và dự án Con đường tơ lụa trên biển, đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây, có thể thấy rằng chính sách "Một vành đai, Một con đường" được soạn thảo để phục vụ các mục tiêu ngoại giao, kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. 

Đầu tiên và trước hết, Con đường tơ lụa trên biển được thiết kế để xoa dịu các nước láng giềng bị đe dọa bởi những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc về lãnh hải ở Biển Đông. Trung Quốc đang cố gắng “vừa đấm vừa xoa” các nước láng giềng Đông Nam Á. Bất chấp những tuyên bố hấp dẫn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về mục tiêu "phát triển kinh tế một cách hòa bình" liên quan đến Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc vẫn ra sức đơn phương củng cố yêu sách của họ về các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông, đồng thời ráo riết bồi đắp các hòn đảo và xây đường băng có thể phục vụ các mục đích quân sự. 

Con đường tơ lụa trên biển cũng được thiết kế để củng cố mối quan hệ với các quốc gia thân thiện với Trung Quốc như Malaysia, Campuchia, Sri Lanka và Pakistan, chủ yếu thông qua các biện pháp khuyến khích kinh tế như phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Trong bối cảnh này, Con đường tơ lụa trên biển không chỉ song hành với Con đường tơ lụa trên bộ mà còn là một phần của sự tiếp nối lịch sử, bao gồm đầu tư của Trung Quốc trong quá khứ vào hệ thống hạ tầng liên quan đến hàng hải, được gọi là chính sách "Chuỗi ngọc trai".

Nếu muốn biết các kiểu dự án hạ tầng mà Trung Quốc sẽ tài trợ trong tương lai, chỉ cần nhìn vào những gì mà họ đã làm trong quá khứ: các tuyến đường liên kết các cơ sở dầu khí với cảng Sittwe của Myanmar, các dự án thành phố cảng Hambantota và Colombo của Sri Lanka, và cảng Gwadar của Pakistan. Thật vậy, Trung Quốc và Malaysia đã công bố một dự án liên doanh xây dựng hải cảng tại Malacca. Đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á này cũng đang trong quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do mới với các nước như Sri Lanka. Đầu tư của Trung Quốc vào hệ thống hạ tầng chủ yếu nhằm mục đích tăng cường an ninh năng lượng của nước này và tăng cường trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, giờ đây sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ với sự ra đời của AIIB và Quỹ Con đường tơ lụa. Tuy nhiên, Con đường tơ lụa trên biển, và đặc biệt là việc đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng liên quan tới "con đường" này, được cho là nhằm tạo điều kiện để Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có mặt thường xuyên hơn ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. 

PLAN cần một chuỗi cơ sở hậu cần đáng tin cậy dọc theo các tuyến đường biển, bởi tàu bè không thể vươn xa nếu không có một nguồn cung ứng nhiên liệu, thực phẩm và vũ khí đáng tin cậy. Nhưng trong tương lai gần, Trung Quốc đang phải đứng trước một bất lợi nghiêm trọng liên quan đến vấn đề này: Hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh có sức mạnh vượt trội để có thể triển khai trên khắp các khu vực mà PLAN khó có thể cạnh tranh. Xét năng lực hiện tại của PLAN, khả năng hậu cần của Trung Quốc sẽ chỉ có thể đáp ứng các nhu cầu trong thời bình và không thể tồn tại trong môi trường chiến tranh, đặc biệt là nếu Mỹ quyết định chặn các tuyến huyết mạch quan trọng như eo biển Malacca và eo biển Sunda. 

Vì vậy, bước đầu tiên để tăng cường năng lực của PLAN là xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần đáng tin cậy tại các nước thân thiện chủ chốt, chẳng hạn như Malaysia, Sri Lanka và Pakistan. Chuỗi cơ sở hậu cần này vẫn dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra xung đột, do quan hệ của Trung Quốc với các nước thân thiện cũng có thể trở nên mong manh nếu Trung Quốc đi đến chiến tranh. Vì vậy, lợi ích đầu tiên mà dự án này mang lại cho PLAN có lẽ chỉ là để cho thấy rằng họ có khả năng hoạt động ở "xa nhà". 

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)