Ngày 10/7 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen đã tới Đại học Nhân dân Trung Quốc giao lưu với giáo viên và học sinh ở đây với chủ đề “Hợp tác an ninh và ổn định khu vực châu Á”. Khi nói về vấn đề Biển Đông, Mullen khẳng định: “Chúng tôi sẽ hiện diện và có trách nhiệm lâu dài ở đây. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc hòa bình giải quyết những bất đồng này”. Mullen còn nhấn mạnh: “Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông. Mấy chục năm lại đây, sự có mặt lâu dài của chúng tôi ở khu vực này là rất quan trọng đối với các đồng minh của chúng tôi và sẽ tiếp tục là như vậy”. 

Theo tác giả, đúng như những gì Mullen nói Mỹ đã sớm có mặt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ Chiến tranh thế giới thứ II tới nay, Mỹ luôn hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cách đây không lâu, khi đoàn đại biểu hai nước tiến hành hội đàm ở Hawaii, phía Mỹ còn ưu ái sắp xếp cho phía Trung Quốc thăm quan Đài tưởng niệm chiến hạm Arizona. Dụng ý của phía Mỹ không ngoài việc muốn chứng minh với các vị khách Trung Quốc rằng sự tồn tại của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có căn cứ lịch sử. 

Kỳ thực, không ai có thể phủ nhận được những cống hiến lịch sử của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tới nay, lại càng không ai có thể coi nhẹ sự tồn tại của Mỹ ở khu vực này. Đây là sự thực không ai có thể thay đổi được. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể muốn làm gì cũng được. Trung Quốc chỉ hy vọng Mỹ tiếp tục phát huy vai trò giữ gìn hòa bình ổn định, bảo vệ chính nghĩa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đã làm trong lịch sử. 

Hiện nay, châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, phát triển xã hội mạnh nhất thế giới. Rất nhiều vấn đề cũ, vốn có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa giải quyết được, trong khi đó các vấn đề mới, mâu thuẫn mới lại không ngừng xuất hiện. Nếu Mỹ có thể đi cùng con đường với tất cả các nước yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia theo đuổi “trỗi dậy hòa bình” từ lâu, phát huy vai trò tích cực trong việc tấn công các phần tử khủng bố, chống lại việc phổ biến hạt nhân, kiềm chế làn sóng dân tộc chủ nghĩa thì đây không chỉ là niềm vui của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn là niềm vui của Mỹ. Trước đây, việc chính phủ hai nước đã cùng phối hợp ngăn chặn một cách hữu hiệu sự mạo hiểm của thế lực chủ trương Đài Loan độc lập, bảo vệ hòa bình ở eo biển Đài Loan chính là một ví dụ điển hình.

Trong bài phát biểu của các chính khách Mỹ, người ta không khó nhận ra rằng mối quan tâm thực sự của Mỹ đối với khu vực Biển Đông là sự hiện diện của thế lực Mỹ. Nỗi sợ hãi thực sự của Mỹ là việc Trung Quốc tìm cách buộc Mỹ rời khỏi Biển Đông và toàn bộ khu vực Đông Á. Xuất phát từ suy nghĩ này, Mỹ liền xuất hiện trong tranh chấp Biển Đông với vai trò của người thứ ba “công bằng”. Một phần nguyên nhân là do không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cho nên Mỹ chỉ có thể làm như vậy. 

Xem xét tình hình hiện nay, người ta có thể rút ra một số đánh giá sau: 

Thứ nhất, trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, Mỹ thông thường không thể giao chiến với tư cách của một nước liên quan trực tiếp. 

Thứ hai, do thực lực của Trung Quốc tương đối lớn và Trung Quốc và Mỹ tồn tại sự cạnh tranh chiến lược, nên Mỹ thông thường nghiêng về phía nước nhỏ trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc. 

Thứ ba, trong bối cảnh không thể ra mặt với danh nghĩa một bên tranh chấp, biện pháp khả thi nhất để Mỹ dính líu vào cuộc đấu ở Biển Đông chính là mượn cớ quan tâm sâu sắc tới an ninh và tự do đi lại trong khu vực này. 

Thứ tư, do bản thân không dính líu tới tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nên Mỹ chỉ có thể can dự vào vấn đề này trong tư cách là “kẻ hòa giải” – nhân vật thứ ba. 

Bốn điểm nêu trên vừa là những điều kiện cơ bản mà Mỹ có cũng như vị thế cơ bản mà Mỹ đứng trong cuộc đấu Biển Đông, vừa là bố cục cơ bản mà cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ phải triển khai. Trong những điểm nêu trên, Trung Quốc đã nhận thấy sự khác nhau về vị thế của Bắc Kinh và Oasinhtơn trong vấn đề Biển Đông, lấy đó làm xuất phát điểm đề ra phương án hành động của mình. 

Ví dụ: điểm khác nhau căn bản về vị thế thân phận của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chính là Trung Quốc có tư cách của một bên tranh chấp chủ quyền, là một trong những bên liên quan trực tiếp, còn Mỹ chỉ có lợi ích trong việc đi lại trên Biển Đông. Việc này làm cho Trung Quốc có thể hành động với tư cách người bảo vệ lợi ích chủ quyền, còn Mỹ thì không thể làm được như vậy. Vì thế, Trung Quốc phải kiên trì điểm này, không chạy theo các chủ đề mà Mỹ thiết kế, nếu không Trung Quốc sẽ rơi vào cái bẫy mà Mỹ đặt ra, chỗ nào cũng bị động và bị Mỹ chi phối.

Trung Quốc cần phải nói rõ cho Mỹ biết rằng Trung Quốc không chỉ quan tâm tới an ninh hàng hải mà còn quan tâm chú ý nhiều hơn tới lợi ích chủ quyền ở Biển Đông. Đối với bất cứ quốc gia nào, lợi ích chủ quyền luôn quan trọng hơn nhiều so với lợi ích đi lại. Đây là đạo lý mà ai cũng hiểu và cũng chính là điểm khác nhau lớn nhất trong mối quan tâm của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông. 

Trên nền tảng này, Trung Quốc còn phải nói cho Mỹ biết rằng trong vấn đề Biển Đông, Mỹ không thể chỉ quan tâm chú ý tới lợi ích đi lại của mình, mà không lưu tâm tới lợi ích chủ quyền của Trung Quốc. Và nếu làm vậy, Mỹ sẽ gây tổn hại tới sự tự tôn cũng như lợi ích của toàn thể nhân dân Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào Đài Loan. 

Trung Quốc cũng phải nói với Mỹ rằng trong vấn đề an ninh đi lại, Trung Quốc và Mỹ có chung lợi ích, hai nước không có xung đột trên phương diện này. Trung Quốc hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ trên phương diện này và mong muốn cùng Mỹ triển khai thêm nhiều hợp tác trên phương diện này.

Ngoài những điều đó, Trung Quốc còn có lợi ích chủ quyền quan trọng hơn ở Biển Đông và ở phương diện này, Trung Quốc giống như tất cả các nước khác trên thế giới: Không có đường rút. Nếu trong vấn đề chủ quyền, Trung Quốc buộc phải có xung đột quân sự với nước khác, Trung Quốc không muốn Mỹ bị cuốn vào. Một khi bị cuốn vào, điều này sẽ gây bất lợi cho Mỹ. 

Cuối cùng, Trung Quốc còn nên công khai với thế giới bên ngoài rằng Trung Quốc không những không phản đối sự tồn tại của Mỹ ở Biển Đông và khu vực Đông Á, mà còn hy vọng Mỹ có thể đóng vai trò khách quan, công bằng ở khu vực này, giống như Mỹ đã từng làm như vậy trước đây. Và đây mới là việc mà nước lớn thế giới nên làm, vừa phù hợp với lợi ích của Mỹ, cũng phù hợp với lợi ích tổng thể của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./. 

Theo Tờ Liên hợp Buổi sáng

 Vũ Hiền (gt)