Nhóm các đảo nhỏ - nơi chủ yếu do chim biển và một số động vật bản xứ sinh sống mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - từ lâu bị quên lãng nhưng vài tháng qua bỗng dưng bùng nổ một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc, không chỉ vì ảnh hưởng mà còn vì các nguồn tài nguyên sống còn. Các hòn đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, các đảo san hô và khu vực đáy biển cận kề ngày càng có tầm quan trọng không chỉ ở châu Á. Từ vùng núi băng Bắc cực đang tan chảy - mà phía dưới của nó được cho là chứa nguồn tài nguyên phong phú - tới phía Đông Địa Trung Hải, từ vùng biển Nam Đại Tây Dương tới vùng biển Hoa Đông, đâu đâu cũng đang chứng kiến sự gia tăng các cuộc tranh cãi về pháp lý, tạo thế, tạo lực về ngoại giao và quân sự, thậm chí cả những hành động rút gươm, rút giáo. 

Cuộc tranh cãi ồn ào hiện nay giữa Bắc Kinh và Tôkiô xung quanh 5 hòn đảo nhỏ bé và 3 bãi đá dường như là một trong những mối căng thẳng chứa rủi ro nhiều nhất, đẩy hai trong số những cường quốc mạnh nhất ở châu Á vào tình trạng đối đầu trực diện, mặc dù phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ là phóng đại nếu ngay lúc này nói tới một cuộc chiến tranh trực tiếp. Đô đốc Gary Roughhead - cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ vừa nghỉ hưu năm ngoái và hiện là chuyên gia của Viện Hoover thuộc Trường đại học Stanford - cho rằng, các cuộc tranh chấp trên đã tồn tại từ lâu, nhưng vấn đề nguồn tài nguyên đang trở thành động lực khiến căng thẳng gia tăng bởi lẽ "có các vùng biển này, người ta sẽ có các nguồn dự trữ về năng lượng, các kho cá cho tương lai". Khơi mào cho cuộc khẩu chiến ngoại giao hiện nay giữa Bắc Kinh và Tôkiô là việc Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa các hòn đảo nhỏ thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng giữa hai bên đã leo thang thành một cuộc đối đầu, mặc dù chưa xảy ra đổ máu giữa các tàu tuần tra và tàu đánh cá. Tuần trước, Đài Loan - vùng lãnh thổ cũng đòi chủ quyền đối với các đảo ở Senkaku/Điếu Ngư - cũng can dự bằng việc điều động các tầu tuần tra và tầu cá tới vùng biển này.

Ông Eric Thompson - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân chuyên cung cấp các đánh giá cho Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc - cho rằng các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển Hoa Đông đã trở lại và "đang có những thay đổi sâu sắc về địa chính trị, khiến một số quốc gia tỏ thái độ quả quyết hơn về chính trị, kinh tế và quân sự. Tại phía Đông Địa Trung Hải, từ lâu đã tồn tại các tranh chấp lãnh hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp, Ixraen và Libăng, nhưng từ năm 2009 vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi tại khu vực tranh chấp này lần đầu tiên phát hiện có dầu khí. Năm 2011, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Síp đều phái tàu chiến hộ tống các tàu thăm dò. Sự phát triển của công nghệ mới đã đặt các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào tầm với của các quốc gia mà cách đây vài năm họ không bao giờ nghĩ tới". Tuy nhiên, không phải mọi cuộc tranh chấp đều sử dụng các hành động trực tiếp. Cuối 2012, Chilê và Pêru dự định sẽ đưa ra Tòa án Quốc tế để xác định chính xác đường biên giới trên biển giữa hai nước. Trong khi đó, Băngla Đét và Mianma cũng có cách làm tương tự, đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án Hamburg - cơ quan trực thuộc Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Áchentina nhiều khả năng sẽ khơi lại vấn đề quần đảo tranh chấp Mavinas mà Anh gọi là Falklands, song nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ chỉ dừng ở mức khẩu chiến về ngoại giao chứ không phải bằng một cuộc tấn công quân sự chiếm quần đảo này như họ đã từng làm năm 1982. 

Có thể khẳng định rằng tới đây, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng giữa các tàu tuần tra, tàu cá, tàu thăm dò dầu khí, thậm chí có lúc có cả các máy bay và tàu chiến. Ngay cả các khu vực hiện chưa bị tác động như các vùng biển thuộc châu Phi cũng sẽ sớm chứng kiến cảnh tranh cãi gia tăng, nhất là khi các nguồn dầu khí được phát hiện ở khu vực này. Nikolas Gvosdev - Giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Học viện chiến tranh Hải quân Mỹ - cho rằng việc phát động các cuộc chiến tranh trên bộ để chiếm các nguồn tài nguyên là điều không thể chấp nhận, nhưng việc "chiếm các nguồn tài nguyên trên biển có thể lại là một vấn đề khác". Trong những tranh chấp trên, tác giả cho rằng nguy cơ lớn nhất có thể xuất phát từ những yêu sách lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc, đặt quốc gia này vào thế đối đầu với hầu hết các cường quốc trong khu vực. Do Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn, các nước có tranh chấp cũng phải noi theo. Sự tập trung của Nhật Bản vào tranh chấp lãnh thổ hiện nay là một cách tiếp cận rất khác so với chính sách ngoại giao mà nước này theo đuổi từ sau năm 1945. Cuộc tranh chấp phức tạp nhất có liên quan tới Trung Quốc là vùng biển Trường Sa kéo theo cả Philíppin, Việt Nam và Đài Loan. Tất cả các bên đều gia tăng các cuộc tuần tra trên biển và trên không, triển khai quân trên các đảo đơn lẻ, thậm chí xây dựng cả các căn cứ nổi. Một số quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ không để bị lôi cuốn vào các cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, theo Đô đốc Roughhead, "với bản chất là hiện diện trên phạm vi toàn cầu, nước Mỹ cuối cùng rồi sẽ phải can dự. Mỹ cần phải sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Đây là một sứ mệnh đầy thách thức".

Theo Reuters (ngày 1/10)

Vũ Hiền (gt)