Nhà triệu phú Huang Nobu người Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 85,8 triệu USD để mua một nông trang rộng 300 km2 ở Aixơlen. Mặc dù ông khẳng định rằng khu đất này sẽ chỉ được dùng vào mục đích thương mại, để xây khách sạn, sân gôn và các dịch vụ giải trí khác, song nhiều người tỏ ra nghi ngờ về một chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo dựng ảnh hưởng tại khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên này. Các chuyên gia cho rằng chính sự giàu có và mong muốn đa dạng hóa của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này can dự sâu hơn vào châu Âu.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) cho rằng không dễ có thể đánh giá được quy mô thực sự của các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu. Nhiều công ty đang hoạt động thông qua các trung tâm tài chính thiếu minh bạch, khiến cho việc theo dõi họ gần như không thể thực hiện được. Theo ECFR, từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, các công ty và ngân hàng của Trung Quốc đã ký kết rất nhiều hợp đồng với châu Âu, trị giá lên đến 64 tỷ USD. Hầu hết các nguồn tài chính gần đây của Trung Quốc được rót vào khu vực đồng euro đang bị khủng hoảng - 30% rót vào Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha; 10% rót vào khu vực Trung và Đông Âu.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà chiến lược, nhiều dự án của Trung Quốc - xét về dài hạn - vượt quá phạm vi kinh doanh. Các dự án cảng biển rộng lớn ở thành phố Piraeus (Hy Lạp) và Naples (Italia) đã khiến Bộ Ngoại giao và Quốc phòng ở một số nước châu Âu lo ngại. Naples cũng là nơi đặt sở chỉ huy liên quân của NATO. Nhìn chung, các nhà đầu tư Trung Quốc đều cho rằng châu Âu là khu vực dễ đầu tư hơn Mỹ, nơi sự phản đối và nghi ngờ (đối với Trung Quốc) có vẻ phổ biến hơn.

Alan Mendoza, Giám đốc điều hành của trung tâm tư vấn "Henry Jackson Society" ở Luân Đôn chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia, nhận định: "Vấn đề ở đây là các nước phương Tây, khi quan hệ với Trung Quốc, có một tầm nhìn rất ngắn. Họ coi Trung Quốc là một nguồn đầu tư tốt và phớt lờ những vấn đề mang tính lâu dài. Khó có thể xóa bỏ tư tưởng này, và đó chính là điều gây lo ngại. Trên thực tế, chúng ta đã để mất những vùng đất rộng lớn ở châu Phi vào tay người Trung Quốc. Hiện cần phải nghiêm túc xem xét tác động của điều đó".

Trung Quốc cũng là nước mua nợ công của châu Âu nhiều nhất. Động thái này đã cứu những người đi vay nợ ở khu vực đồng euro. Tại đất nước Aixơlen không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), doanh nhân Huang có thể đang cảm nhận được "hơi nóng" của những mối lo ngại ngày càng gia tăng. Bộ trưởng Nội vụ của Aixơlen cho rằng thỏa thuận xây dựng khu nghỉ dưỡng sẽ phải được xem xét một cách tỉ mỉ do có những mối lo ngại về chiến lược. Tuy nhiên, ông Huang nói rằng ông sẽ không rút lui. Trong buổi trả lời phỏng vấn của Reuters hồi tuần trước, ông Huang nói: "Đây là một sự hiểu lầm của châu Âu đối với Trung Quốc. Những gì Trung Quốc làm, dù với tư cách một quốc gia hay cá nhân, họ đều coi đó là một phần của 'mối đe dọa Trung Quốc'".

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây rõ ràng ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh - và các cuộc tranh cãi về những vụ bị cho là đánh cắp bản quyền, tin tặc, tiền tệ cũng như nhiều vấn đề nóng bỏng khác - có thể thỏa thuận xây dựng khu nghỉ dưỡng nói trên sẽ trở thành một vấn đề lớn. Các công ty của Trung Quốc đang phải đối mặt với cơn thịnh nộ của dân chúng ở châu Phi. Một số người cảnh báo rằng một cơn thịnh nộ tương tự có thể sẽ xuất hiện tại châu Âu.

Đầu năm nay, Anh đã bác bỏ đề nghị của một doanh nhân Trung Quốc muốn mua chiếc máy bay cũ HMS Invicible. Dư luận cho rằng chắc chắn Anh cũng sẽ bác bỏ một đề nghị tương tự về việc mua chiếc tàu Ark Royal.

Trung Quốc cũng mua một tàu sân bay của Ucraina, bề ngoài là để biến nó thành sòng bạc nhằm phục vụ hải quân Mỹ. Tuy nhiên, từ lâu đã có những nghi ngờ rằng bất kỳ quân trang nào mà các công ty của Trung Quốc mua đều nhằm phục vụ cho hoạt động tình báo. Nigel Inkster, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI6) và hiện nghiên cứu về những mối đe dọa xuyên quốc gia cũng như những rủi ro chính trị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, nói: "Có những lý do hợp lý để nghi ngờ rằng những hoạt động bề ngoài giống như các phi vụ thương mại thông thường có thể lại nhằm những mục đích hoàn toàn khác. Các công ty Trung Quốc rất khó có thể chứng minh điều ngược lại".

Theo Reuters (ANALYSIS-Suspicion greets China's Europe expansion)

Văn Cường (gt)