Những sự kiện gần đây – đặc biệt khi xem xét các trường hợp cụ thể về quan hệ song phương đang ấm lên với Việt Nam – cho thấy những mối quan hệ này đã tiến xa đến đâu. Chẳng hạn, trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới Việt Nam từ 31/5-1/6/2015, ông và người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, đã ký một Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng – một phát triển đáng chú ý trong quan hệ quốc phòng hai nước, khi các mối quan hệ giữa hai nước mới chỉ được bình thường hóa 20 năm trước. Đối với Nhật Bản, hợp tác quốc phòng Việt-Nhật cũng đã phát triển theo một hướng tương tự kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hạn chế của mình thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 6/2014. Tất cả những điều này diễn ra ngay sau khi Mỹ và Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng, hai nước này vừa công bố bản Đường lối chỉ đạo Hợp tác Quốc phòng mới với khả năng tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông – đây là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam.

Sự gia tăng các mối lo ngại về an ninh hàng hải ở Biển Đông

Từ thời xa xưa, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã được vận chuyển qua đường biển. Biển cũng là nguồn gốc cho sự phồn vinh và tiến bộ - là con đường nhanh nhất và dễ dàng nhất để giao dịch thương mại và chính trị giữa các nhóm sắc tộc và chính trị khác nhau. “Các tuyến vận tải biển” (SLOC) thường được thảo luận không chỉ là các tuyến đường vận chuyển. Chúng cũng đại diện cho việc tiếp cận các nguồn tài nguyên có thể tái tạo của biển – nguồn hải sản dồi dào và tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển.

Ngày nay chúng ta vẫn phụ thuộc vào quyền tiếp cận mở và tự do đối với biển vì an ninh và thịnh vượng như chúng ta đã làm vậy từ nhiều thế kỷ trước. Nhiều số liệu thống kê khác nhau chỉ nhấn mạnh thực tế này. Hãy xem xét, chẳng hạn như:

- Ngày nay 95% thông tin liên lạc quốc tế được truyền qua cáp ngầm dưới lòng biển.

- 21 trong số 28 siêu thành phố trên thế giới nằm trong phạm vi cách biển 62 dặm hoặc khoảng 100 km.

- 49% lượng dầu của thế giới vận chuyển qua 7 điểm huyết mạch lớn trên biển.

- 50% dân số thế giới sống trong phạm vi cách bờ biển 62 dặm hay khoảng 100 km.

- 23.000 tàu thuyền hàng ngày vẫn di chuyển qua các SLOC, chở theo 95% thương mại thế giới qua đường biển. Biển Đông chiếm một nửa trọng tải biển của thế giới và 1/3 tổng giá trị tiền tệ về thương mại trên biển.

Thực tế, các mối đe dọa đến an ninh của những SLOC quan trọng đó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cạnh tranh về tài nguyên; thiên tai; bất ổn xã hội; hoạt động thù địch trong không gian mạng; nạn cướp biển; chủ nghĩa cực đoan bạo lực (tội phạm, khủng bố và tôn giáo); xung đột khu vực; phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; và hiểm họa tự nhiên.

Nhiều bên khác nhau, nhiều yêu sách khác nhau trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, căng thẳng chính trị-quân sự gia tăng do các yêu sách về lãnh thổ khác nhau trên Biển Đông đã trở thành nguyên nhân gây lo ngại an ninh lớn với hòa bình và an ninh, cũng như sự an toàn và tự do hàng hải. Các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông liên quan đến 6 bên khác nhau, bao gồm Brunei, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. Hiện nay, các tranh chấp trên Biển Đông mở rộng trên 3 cấp độ khác nhau và riêng biệt, trong đó bao gồm:

- Các tranh chấp lãnh thổ song phương, chẳng hạn như bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa và giữa Malaysia và Philippines về Sabah;

- Các tranh chấp khu vực lớn hơn liên quan đến 6 bên kể trên – Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước ASEAN – đối với quần đảo Trường Sa; và

- Các thách thức và tranh chấp quốc tế liên quan đến nhiều nước khác nhau trải rộng trên toàn cầu, những nước có lợi ích trên Biển Đông ngoài 6 bên được nêu ở trên, có thể điểm qua như Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước EU.

Các yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc: gây ra các căng thẳng khu vực

Trung Quốc hiện đang nằm trong trung tâm của những căng thẳng trên Biển Đông vì nhiều lý do. Trước hết, các yêu sách vượt quá giới hạn của Bắc Kinh được dựa trên bản đồ đường chín đoạn vốn gây nhiều tranh cãi - chiếm gần 90% diện tích Biển Đông - đã có từ thời Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ quản lý hành chính có hiệu quả các khu vực trong đường chín đoạn này.

Thứ hai, các yêu sách của Bắc Kinh được hậu thuẫn bởi các lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân hùng mạnh với mục đích xua đuổi các bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối đầu ra khỏi vùng tranh chấp. Chẳng hạn như lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc có nhiều tàu hơn các lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia và Việt Nam cộng lại.

Thứ ba, không như các bên tranh chấp khác, Trung Quốc có sức mạnh, lòng quyết tâm và tham vọng thống trị và sau đó là kiểm soát Biển Đông, và đang cố gắng một cách nhanh chóng và quyết đoán để biến các mục tiêu đó thành hiện thực. Các ví dụ gần đây bao gồm việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, đặt một giàn khoan dầu nổi khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và đơn phương đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông. Những nỗ lực cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc nhằm biến các bãi đá và hòn đảo không người ở trên Biển Đông thành các thực thể có người sinh sống là một ví dụ điển hình. Chỉ trong khoảng 18 tháng vừa qua, Trung Quốc đã cải tạo hơn 800 hecta đất. Thêm vào đó, Bắc Kinh chưa bao giờ nghiêm túc về việc hiện thực hóa cam kết của mình kết thúc các cuộc đàm phán với ASEAN về DOC và COC, trong lúc đó gây chia rẽ các bên tranh chấp và các nước không tranh chấp trong ASEAN, từ đó làm suy yếu vị thế tập thể của ASEAN trong các tranh chấp tại Biển Đông.

Thứ tư, điều đã khiến các nước quanh khu vực trở nên ngày càng quan ngại là việc Bắc Kinh chưa bao giờ minh bạch về việc sử dụng các hòn đảo mới này trong tương lai. Những hòn đảo này có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự nếu Trung Quốc muốn gây áp lực lên những nước mà họ cho là đang gây đe dọa đến an ninh hoặc các lợi ích quốc gia được xác định rộng hơn của mình.

Khi các căng thẳng trong khu vực tiếp tục gia tăng – do các hành động nêu trên của Trung Quốc – tình hình càng trở nên phức tạp hơn, khi Mỹ tăng cường các nỗ lực để ngăn các nỗ lực cải tạo đất của Bắc Kinh. Phát biểu tại Hawaii trước khi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Carter đưa ra một lời cảnh báo cứng rắn dành cho Trung Quốc: “Không nên nhầm lẫn ở đây: Mỹ sẽ bay qua, cho tàu thuyền qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào pháp luật quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm ở mọi nơi trên thế giới”. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc thay đổi hành vi của mình. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã khẳng định lập trường của Trung Quốc: “Các công trình xây dựng nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc và đó là việc chính đáng, hợp pháp và hợp lý”.

Các căng thẳng trên Biển Đông có thể biến thành xung đột?

Các nước quanh khu vực đều quan ngại sâu sắc về các căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Khi các bên khác cùng củng cố năng lực quân sự và tăng cường sự hiện diện của họ trên biển, và chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong khu vực – từ Nhật Bản tới Philippines, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc và Việt Nam – thì một sự cố nhỏ cũng có thể dễ dàng xảy ra, đẩy khu vực tới bờ vực một cuộc chiến tranh lớn. Hậu quả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có lẽ cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn có thể trở nên nghiêm trọng; một cuộc chiến tranh lớn ngày nay có thể dễ dàng cạnh tranh hoặc vượt qua các xung đột trong quá khứ, như Chiến tranh Triều Tiên hay Chiến tranh Việt Nam.

Việc cân nhắc lợi ích và hợp tác sâu hơn về an ninh hàng hải là điều quan trọng

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như giữa các nước yêu sách lãnh thổ đối với các hòn đảo và bãi đá tranh chấp trên Biển Đông, thì cần thiết phải có sự tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc phòng và an ninh hàng hải giữa nhiều bên khác nhau có liên quan và các nước khác có lợi ích quốc gia rõ ràng trong khu vực. Rõ ràng vấn đề hợp tác này là khả thi đối với ba bên Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hợp tác hàng hải trong khu vực hiện chủ yếu dựa vào các sáng kiến song phương, ít tập trung hơn vào các sáng kiến ba bên hoặc toàn khu vực.

Hợp tác hàng hải và quốc phòng Mỹ-Nhật

Trong số các liên minh an ninh song phương trong khu vực, liên minh Mỹ-Nhật là liên minh có sức ảnh hưởng và lâu đời nhất. Liên minh này có tính then chốt không chỉ đối với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ sang Đông Á, mà còn đối với lĩnh vực an ninh tương ứng của mỗi nước, cũng như bảo đảm tự do hàng hải. Sau hai năm đàm phán, Nhật Bản và Mỹ đã công bố Đường lối chỉ đạo Hợp tác Quốc phòng mới cập nhật vào ngày 26/4/2015. Khía cạnh quan trọng nhất của Đường lối chỉ đạo mới này là Nhật Bản – lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc – Nhật bản sẽ không bị ràng buộc bởi các hạn chế về địa lý và có thể cùng hợp tác với Mỹ để đối phó với các mối lo ngại an ninh có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Tokyo bên ngoài lãnh thổ và các khu vực xung quanh của Nhật Bản. Về cụ thể, cách Nhật Bản và Mỹ định hợp tác với nhau trong các tình huống khác nhau vẫn chưa được giải thích chi tiết – để lại những suy đoán rằng Nhật Bản có thể tuần tra hoặc độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng giám sát không quân hay lực lượng hải quân của Mỹ trên Biển Đông.

Hợp tác hàng hải và quốc phòng Việt-Mỹ

Hợp tác hàng hải là một khía cạnh ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ rộng hơn. Vào tháng 9/2011, Mỹ và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy quốc phòng song phương, với hợp tác quốc phòng phát triển nhanh chóng sau đó. Trong một cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra nhận xét như sau về quan hệ Việt-Mỹ: “Tôi không thể nghĩ ra hai quốc gia nào có thể làm việc cần mẫn hơn, làm được nhiều điều hơn và tốt hơn để cố gắng đưa hai bên xích lại gần nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai…”

MOU Quốc phòng Việt-Mỹ nêu trên đã phối hợp 5 lĩnh vực chủ chốt bao gồm: các sáng kiến và hợp tác an ninh hàng hải; các cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao; các sáng kiến và chương trình tìm kiếm và cứu nạn; các sáng kiến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; và các sáng kiến hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nhìn chung, đã có một sự cải thiện đáng kể trong cả 5 lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Chẳng hạn, trong các Sáng kiến và Chương trình Tìm kiếm và Cứu nạn, Mỹ và Việt Nam đã phối hợp trong việc tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia số hiệu MH 370. Cũng vậy, trong lĩnh vực các sáng kiến gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Mỹ đã giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở đào tạo trị giá 3,1 triệu USD và cung cấp trang thiết bị đào tạo cho các kỹ sư và một bệnh viện cấp 2.

Là một phần của lễ kỷ năm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung với người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh. Thành phần quan trọng nhất của tuyên bố này là tiềm năng hợp tác sản xuất vũ khí và các trang thiết bị quốc phòng, giúp Hà Nội trở nên độc lập hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Carter cũng cam kết cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD để mua hai tàu tuần tra Metal Shark Defiant của Mỹ, giúp đỡ Việt Nam hơn nữa để nâng cao năng lực phòng vệ bờ biển của nước này.

Các xúc tác cho hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ:

- Hợp tác quốc phòng là một thành phần không thể thiếu trong toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, và nó đã tiến triển ngang tầm với sự cải thiện trong quan hệ Việt-Mỹ bên trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện mà cả hai bên đã nhất trí vào tháng 7/2013.

- Mỹ và Việt Nam đã chia sẻ quan điểm và mối quan tâm trong một số vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu chủ chốt. Về mặt song phương, Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng, và cũng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Hà Nội, trong khi đóng một vai trò tích cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở cấp khu vực, Mỹ mong muốn Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường và củng cố một ASEAN thống nhất, mạnh mẽ và thịnh vượng. Ở cấp độ toàn cầu, Mỹ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề như gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí.

- Mỹ là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, yêu cầu không sử dụng vũ lực và thúc giục các bên liên quan giải quyết các tranh chấp theo phương thức hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy chuẩn và nguyên tắc ứng xử của ASEAN.

Hợp tác hàng hải và quốc phòng Việt-Nhật

Tháng 3/2015, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược mở rộng, giúp nâng cao quan hệ đối tác chiến lược 8 năm của hai nước. Điều quan trọng cần lưu ý là trong một cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang, ông Abe đã khẳng định Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực của Hà Nội trong việc thực thi pháp luật trên biển. Trước đó, trong một chuyến thăm tới Hà Nội vào ngày 1/8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố rằng Tokyo sẽ cung cấp cho Hà Nội 6 tàu để nâng cao năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam.

Đồng thời, Quốc hội Nhật Bản cũng đang cân nhắc cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam dưới hình thức các tàu tuần tra mới cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của nước này. Cũng trong một cuộc gặp gần đây với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan bên lề Hội nghị thế giới Liên hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Kishida đã tuyên bố Nhật Bản muốn làm việc với Việt Nam để giải quyết các thách thức an ninh trên biển, cùng với các vấn đề quan trọng khác.

Các giải thích khả thi về lợi ích của Nhật Bản trong việc nâng cao hợp tác an ninh - hàng hải với Việt Nam:

- Việt Nam và Nhật Bản không có tranh chấp về các vấn đề kinh tế, an ninh hay nhân quyền. Hơn nữa, Hà Nội coi Tokyo là một trong những đối tác chiến lược đáng tin cậy nhất của mình. Là một nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu, các nhà tài trợ ODA, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quan trọng, và là thị trường béo bở cho xuất khẩu của Việt Nam, Nhật Bản được coi là một đối tác chủ chốt trong việc giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế, sự phồn vinh trong tương lai và quốc phòng nói chung của nước này.

- Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – nhìn thấy bản chất kết nối giữa an ninh hàng hải của Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhật Bản là một nước duyên hải phụ thuộc nhiều vào sự an toàn của các SLOC tại Đông Á; kinh tế và an ninh của nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu các căng thẳng gia tăng. Do đó, Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với các nước duyên hải tại Đông Á để bảo vệ tự do đi lại và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hợp tác hàng hải-an ninh của Việt Nam với Nhật Bản cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn rằng Nhật Bản công nhận vai trò của ASEAN trong khu vực và hợp tác hàng hải-an ninh đang gia tăng của Nhật Bản với ASEAN, và cũng như một phần không thể thiếu trong quan hệ tổng thể Việt-Nhật.

Đề xuất

Trong khi một con đường cho hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam vẫn chưa được vạch ra rõ ràng trong ngắn hạn, mức độ tham vấn và hợp tác song phương hiện nay giữa các nước này cần phải tiếp tục, đặc biệt giữa Việt Nam và Mỹ, và giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hợp tác song phương này rất có thể đóng một vai trò tích cực trong việc nâng cao một quan hệ ba bên mạnh mẽ trong trung đến dài hạn.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng liên minh Mỹ-Nhật đóng một vai trò chủ chốt không chỉ trong việc duy trì an ninh hàng hải trên toàn khu vực, mà còn trong quan hệ ba bên này. Thực vậy, Việt Nam và các nước trong khu vực kỳ vọng những đóng góp sau từ liên minh Mỹ-Nhật:

- Liên minh phải đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi các mối đe dọa an ninh đối với Mỹ, Nhật Bản và hàng hóa công quan trọng trong khu vực. Hơn nữa, liên minh phải có khả năng đảm bảo an ninh hàng hải và an toàn hàng hải cho toàn khu vực và đủ vững vàng để ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực từ việc thay đổi nguyên trạng lãnh thổ trong khu vực;

- Liên minh Mỹ-Nhật cần đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam và toàn khu vực – một điều kiện cần để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực về dài hạn;

- Liên minh Mỹ-Nhật cần thông báo cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, rằng việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ sẽ đơn giản là không hiệu quả, và phí tổn sẽ được áp đặt lên những nước gây mất ổn định bằng cách làm như vậy;

- Liên minh cần giúp tăng cường các thể chế an ninh hiện có trong khu vực và xây dựng các cấu trúc khu vực đủ mạnh mẽ và bao quát để vô hiệu hóa hay ngăn chặn các thách thức an ninh đối với khu vực, dù truyền thống hay phi truyền thống.

- Cần có một sự mở rộng trong liên minh an ninh Mỹ-Nhật để phối hợp với một bên thứ ba trong các cuộc thảo luận và hợp tác chính sách, chia sẻ thông tin.v.v.; một số ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác như vậy là Đối thoại Mỹ-Nhật Bản-Australia và Đối thoại Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ. Trong tương lai, Mỹ và Nhật Bản cần cân nhắc tạo ra một cơ chế đối thoại, như cơ chế bao gồm Philippines, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và cả Trung Quốc, với liên minh Mỹ-Nhật đóng vai trò cốt lõi;

- Cuối cùng, liên minh này nên chủ động tham gia với Bắc Kinh để đảm bảo quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc hành động có trách nhiệm hơn và sử dụng các phương tiện hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, với hi vọng khiến Bắc Kinh đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và phần còn lại của thế giới./.

 

Bài viết của các tác giả Hoàng Anh Tuấn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao và Nguyễn Vũ Tùng Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đăng trên trang The National Interest.

Duy Anh (gt)