Chính sách chiến lược "Ba không" của Việt Nam là: không có căn cứ quân sự của nước ngoài; không có đồng minh quân sự chính thức và không cho phép nước ngoài sử dụng lãnh thổ Việt Nam để tấn công các nước khác. Tuy nhiên, những mối quan ngại ngày càng tăng do thái độ quả quyết của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã hướng Việt Nam tới các cuộc đàm phán về việc lại mở cửa cảng nước sâu Cam Ranh cho hải quân nước ngoài. Nga và Mỹ là hai sự lựa chọn hàng đầu, trong đó có vẻ như Hà Nội dành ưu tiên cho Oasinhtơn hơn.Tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo rằng trước khi mở cửa cảng Cam Ranh trở lại sẽ có một chương trình nâng cấp cảng trong thời hạn ba năm với sự hỗ trợ của các cố vấn người Nga. Dường như các mối quan tâm chiến lược đã bao trùm lên nhu cầu về thương mại, từng chi phối công tác hoạch định Vịnh Cam Ranh.

Tác giả bài viết Robert Karniol dẫn một nguồn tin giấu tên từ Hà Nội cho biết: “Trước đây, Việt Nam đã cố gắng tư nhân hóa vịnh Cam Ranh, song từ 2-3 tháng trở lại đây đã ngừng mọi hoạt động có liên quan đến mục đích thương mại. Họ muốn tiếp tục có sự hiện diện của quân sự nước ngoài tại đây và cần sự trợ giúp của nước ngoài càng sớm càng tốt nhằm đối phó với Trung Quốc". Những năm gần đây, Oasinhtơn đã đánh tiếng đề nghị Hà Nội cho phép tàu hải quân Mỹ tới Vịnh Cam Ranh trong khuôn khổ chiến lược “đỗ nhưng không lập căn cứ”, song Hà Nội vẫn tỏ ra kín tiếng. Khái niệm “đỗ nhưng không lập căn cứ” nhằm mục đích thay thế các cơ sở quân sự thường trực của nước ngoài bằng các hoạt động như sửa chữa, bổ sung và các hoạt động tương tự khác, qua đó hỗ trợ hành trình tiếp theo của các phương tiện tàu thuyền quân sự và nhân sự Mỹ.

Bài báo trích bình luận của Leslie Hull Ryde - một sỹ quan Lầu Năm Góc - cho biết: “Về mặt chiến lược, Mỹ đang cố gắng xây dựng một khả năng hoạt động linh hoạt và lâu bền ở châu Á. Mỹ muốn duy trì sự hiện diện ở Đông Bắc Á, đồng thời tăng cường sự hiện diện ở Nam và Đông Nam Á. Mỹ và Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ quốc phòng một cách nhanh chóng, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Những trao đổi về hải quân tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước...”. Theo bài báo, những mối quan tâm chiến lược đã hối thúc Hà Nội vượt qua sự ngập ngừng ban đầu và đưa ra một số đề nghị cụ thể. Một nguồn tin không chính thức cho biết Hà Nội đã lên tiếng đề nghị tại cuộc Đối thoại song phương về chính trị, an ninh, quốc phòng lần thứ tư tổ chức ở Oasinhtơn ngày 17/6 vừa qua. Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Mỹ và Nga cũng đang “tiến triển rất tích cực”.  

Theo Straitstimes ngày 1/8

 Nhật Linh (gt)