Sau gần một năm tiến hành các cuộc thương lượng song phương tích cực, Philippines và Mỹ đã vượt qua được những trở ngại khó khăn trước đó và đạt được một “sự đồng thuận” về những đường nét của một thỏa thuận quốc phòng mới. Việc phê chuẩn chính thức thỏa thuận này dự kiến sẽ diễn ra trùng với chuyến thăm chính thức theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Philippines vào cuối tháng 4 tới. 

Sau một loạt động thái ngoại giao thất bại đối với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino giờ đây đang đặt hi vọng chiến lược vào các mối quan hệ quân sự đã được tái sinh và củng cố với Mỹ, một động thái một phần nhằm mục đích tái cân bằng với sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Trung Quốc xung quanh các vùng lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông. 

Lo sợ bởi những vụ xâm nhập của Trung Quốc (đã được đưa tin) gần đây vào những vùng biển do Philippines kiểm soát, trong đó có vụ ngăn chặn các tàu Philippines tiếp cận bãi cạn Thomas 2 (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là bãi Ayungin, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái), Tổng thống Aquino mới đây đã điều chỉnh lại lập trường thương lượng của chính phủ do ông lãnh đạo, nhằm cho phép một sự hiện diện mạnh mẽ hơn và thường xuyên hơn của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. 

Kể từ năm 2002, như một phần trong cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” toàn cầu của Washington, khoảng 500 binh sĩ từ Bộ chỉ huy Lực lượng tác chiến đặc biệt khu vực Thái Bình Dương, thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã đồn trú tại đảo Mindanao ở miền Nam Philippines trên cơ sở một hoạt động luân chuyển quân. 

Theo một số báo cáo cụ thể, các binh sĩ Mỹ đã hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật và tác chiến cho Các Lực lượng Vũ trang Philippines trong cuộc chiến của họ với lực lượng nổi dậy Abu Sayyaf có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, và các nhóm cực đoan khác có căn cứ ở miền Nam Philippines. 

Báo hiệu một sự định hướng ra bên ngoài nhiều hơn, Philippines gần đây đã sửa lại tên gọi của thỏa thuận quốc phòng song phương mới được đề xuất giữa Manila và Washington, từ tên gọi ban đầu là “Gia tăng sự hiện diện luân phiên” thành thỏa thuận “Tăng cường Hợp tác Quốc phòng” (AEDC). Mặc dù sự hợp tác quân sự giữa Philippines và Mỹ gần đây đã tập trung vào các mối đe dọa ở trong nước, nhưng mục đích không được nói ra của thỏa thuận mới sẽ là tăng cường các khả năng răn đe của Manila đối với Trung Quốc ở các khu vực biển tranh chấp. 

Theo một bản tin đặc biệt của truyền thông địa phương Manila, Bộ Ngoại giao Philippines vào cuối tháng 2 vừa qua đã cách chức một trong những thành viên cấp cao của đoàn thương lượng Philippines là Trợ lý Ngoại trưởng Carlos King Soreta. Nguyên nhân của hành động này là việc ông Soreta dứt khoát khăng khăng phải làm rõ những điều khoản về quyền kiểm soát và quyền tiếp cận các trang thiết bị, cơ sở tạm thời của Mỹ được thiết lập ở bên trong các doanh trại quân đội Philippines theo thỏa thuận mới. 

Sự bất đồng xung quanh những thỏa thuận đó đã làm 4 vòng thương lượng đầu tiên giữa Mỹ và Philippines bị sa lầy. Soreta, người đã liên tục có các cuộc tranh luận gay gắt với những quan chức cấp trên của ông ta, và là cựu Vụ trưởng Vụ Các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Philippines – đã bị giáng chức xuống giám sát Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn. Theo các nguồn tin nắm rõ tình hình, ngay khi ông Soreta bị gạt ra ngoài, các cuộc thương lượng đã được thúc đẩy. 

Đến giữa tháng 3 vừa qua, các quan chức Philippines đã tuyên bố rằng những sự quan ngại trước đây đối với việc tiếp cận các thiết bị và cơ sở quân sự “đã được giải quyết hợp lý”, và một vòng đàm phán vào cuối tháng 3 sẽ giải quyết các chi tiết cuối cùng. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino gần đây cho biết đã “an toàn để nói rằng có những đồng thuận” trong vấn đề các binh sĩ Philippines và Mỹ sẽ cùng chia sẻ các thiết bị và cơ sở quân sự như thế nào. Các quan chức Philippines cũng nói rằng cả hai bên đã nhất trí là bất kỳ cơ sở quân sự nào do Mỹ xây dựng cũng đều sẽ được sử dụng chung, và sẽ không có các khu vực do Mỹ kiểm soát riêng ở bên trong các căn cứ của Philippines. 

Đã có những báo cáo chưa được xác nhận về những chi tiết chính xác của những cơ sở sẽ được Mỹ xây dựng theo thỏa thuận mới. Manila cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy bản chất chính xác của sự hỗ trợ mà họ tìm kiếm từ phía Washington. Các chuyên gia phân tích chiến lược cho rằng Philippines đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thuê vũ khí tiên tiến của hải quân Mỹ để hướng tới việc chống lại, trong số nhiều hành động khác, các tàu bán quân sự của Trung Quốc hiện đang tuần tra những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. 

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, “thỏa thuận đã được đề xuất sẽ cho phép chia sẻ các khu vực được xác định bên trong các cơ sở cụ thể của Các Lực lượng Vũ trang Philippines với những nhân tố quân sự Mỹ dựa trên một cơ sở luân phiên nằm trong những giới hạn phù hợp với Hiến pháp và các luật của Philippines”. 

Trong phát biểu thể hiện sự kiềm chế đối với những trông đợi vào việc triển khai nhanh chóng các binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Philippines và các trang thiết bị hải quân ở những vùng nước tranh chấp, Thứ trưởng Batino nói rằng các cuộc thương lượng đang diễn ra vẫn “rất dễ thay đổi và chúng tôi (Chính phủ Philippines và những người đồng nhiệm Mỹ) chưa thể có được một thời gian biểu cuối cùng về việc khi nào chúng tôi sẽ hoàn thành việc này”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg, đã cam kết “hoàn thành thỏa thuận này sớm nhất ngay khi chúng tôi có thể”, đồng thời nói rằng cả hai bên vẫn cần tính toán “một số chi tiết”. 

Những khó khăn trở ngại

Sự mâu thuẫn tư tưởng đã được nhận thấy ở Chính phủ Philippines đối với những chi tiết liên quan đến chủ quyền cụ thể trong thỏa thuận nói trên đã làm gia tăng sự giận dữ ở một số người theo chủ nghĩa dân tộc. Một số nghị sĩ nổi tiếng đã lên tiếng bày tỏ những sự quan ngại của họ về “tính hợp pháp” của thỏa thuận được đề xuất, do những hạn chế về mặt hiến pháp đối với việc thiết lập các căn cứ quân sự nước ngoài lâu dài trên lãnh thổ Philippines. 

Chính quyền của Tổng thống Aquino đã khẳng định rằng thỏa thuận đang được thương lượng phù hợp với các hiệp ước hiện tồn tại giữa Philippines và Mỹ, cụ thể là Hiệp ước Quốc phòng song phương năm 1951 và Thỏa thuận về Các Lực lượng viếng thăm năm 1977, do đó không cần thiết phải có sự phê chuẩn của Thượng viện Philippines đối với AEDC đã được đề xuất. Các nghị sĩ hàng đầu của Philippines đã phản bác rằng thỏa thuận này cần phải có sự giám sát và phê chuẩn riêng để đảm bảo nó phù hợp với các luật và những lợi ích quốc gia của Philippines. 

Thượng Nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago, một trong những nhân vật được công chúng Philippines tôn trọng nhất, là một người chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận nói trên. Nhà lập pháp này lập luận rằng việc cho phép các binh sĩ và vũ khí của nước ngoài vào lãnh thổ Philippines “là một vấn đề lớn đối với chính bản thân nó”, điều “không phải là một trường hợp nhỏ về mặt chi tiết” được cho là phù hợp với những điều khoản của các hiệp ước song phương trước đây, như Chính quyền Aquino đã khẳng định. 

Những tin tức báo chí cho thấy rằng Mỹ cũng đang tìm cách vượt ra ngoài giới hạn một thỏa thuận về mặt hành pháp, điều mà Washington rõ ràng lo ngại rằng nó có thể làm đảo ngược việc kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino và cuộc bầu cử một tổng thống mới của Philippines vào năm 2016. Các chuyên gia phân tích địa phương cho rằng chính phủ sắp tới của Philippines, nhiều khả năng được dẫn đầu bởi một nhân vật theo chủ nghĩa thực dụng như đương kim Phó Tổng thống Jejomar Binay, sẽ tìm cách điều chỉnh lại lập trường của Manila đối với Trung Quốc để tránh xung đột và tối đa hóa các mối quan hệ kinh tế song phương. 

Philippines và Mỹ có vẻ như còn phải nhất trí về chính xác loại vũ khí, trang thiết bị giám sát quân sự và các trang thiết bị hải quân nào sẽ được chia sẻ với các binh sĩ Philippines để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Manila ở Biển Đông. Viện dẫn hiệp ước quốc phòng song phương năm 1951, Manila đã tìm kiếm sự hỗ trợ chiến lược và sự hỗ trợ quân sự cụ thể của Mỹ để chống lại những hành động quyết liệt của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Chính quyền Obama đến nay vẫn miễn cưỡng trước khả năng trở thành một bên liên quan trực tiếp đến một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa Philippines và Trung Quốc. Sự ưu tiên của Washington hiện nay vẫn là sử dụng sức ép ngoại giao và đặt một dấu chân chiến lược lớn hơn ở khu vực châu Á để ngăn chặn sự quyết liệt hơn nữa của Trung Quốc trong hoạt động tranh chấp trên biển, mà không cần thiết phải mạo hiểm gây ra một cuộc xung động quân sự với Trung Quốc. 

Trong cùng thời gian đó, khu vực tranh chấp đang ngày càng bị quân sự hóa nhiều hơn. Trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) vừa kết thúc mới đây, Trung Quốc đã công bố các kế hoạch tăng chi tiêu quân sự của nước này (từ 10,75% GDP vào năm 2013 lên 12,2% GDP của năm 2014), với một sự tập trung đặc biệt vào việc tăng cường sức mạnh trên biển của nước này. Phần lớn các khoản chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gia tăng là do những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ngày càng dữ dội ở khu vực Tây Thái Bình Dương và chính sách “xoay trục” của Washington với việc điều chuyển 60% lực lượng và thiết bị hải quân của Mỹ sang khu vực châu Á–Thái Bình Dương vào năm 2020. 

Nỗ lực phối hợp 

Dựa vào cơ sở của những khoản cắt giảm ngân sách quân sự Mỹ đã được Washington lên kế hoạch, bà Katrina McFarland, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, gần đây đã nói: “Ngay bây giờ, chính sách xoay trục của Mỹ đang được xem xét lại bởi vì thẳng thắn mà nói, nó không thể xảy ra”.

Nhận thức được những khó khăn tài chính của Mỹ và nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm xây dựng các lực lượng vũ trang “quy mô nhỏ gọn hơn, nhưng thiện chiến hơn” thông qua việc sử dụng công nghệ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam – các quốc gia cùng bị vướng vào những tranh chấp trên biển gay gắt với Trung Quốc – đang đẩy mạnh sự hợp tác chiến lược của họ.

Các đồng minh trong khu vực vẫn tin tưởng rằng Mỹ sẽ vẫn là cường quốc hải quân hàng đầu ở Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ nữa, và những khó khăn ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ càng khuyến khích một sự phân bổ hiệu quả hơn và có tính chất sáng tạo hơn đối với các nguồn lực đang bị giảm bớt. 

Tuy nhiên, cũng có một nhận thức từng bước trong số các đồng minh của Mỹ rằng việc tăng cường sự tự lực và hợp tác trong khu vực là điều quan trọng để củng cố các hoạt động quốc phòng của họ. Thay vì ủng hộ sự phụ thuộc nhiều hơn vào Washington, như thỏa thuận mới với Manila có vẻ như ngầm thể hiện, Chính quyền Obama đã khuyến khích các đồng minh khu vực của họ phát triển các mối quan hệ trực tiếp giữa các quân đội với nhau. 

Nhật Bản đang ngày càng trở thành trung tâm trong sự đa dạng hóa chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đến thăm Nhật Bản đầu tháng này, tiếp sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Hà Nội ngay sau khi ông Abe lên nắm quyền năm 2013. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang, hai bên đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược đang tồn tại giữa hai nước thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. 

Thỏa thuận mới bao gồm các điều khoản về sự hợp tác lớn hơn giữa các lực lượng vũ trang hai nước, và cho phép các tàu quân sự của hai nước tiến hành nhiều chuyến thăm song phương hơn. Nhật Bản cũng đã đề nghị hỗ trợ Hà Nội trong việc nâng cấp các cơ quan thực thi luật pháp hàng hải hiện còn yếu kém của Việt Nam, như một phần của quan hệ đối tác đã được tăng cường. 

Việt Nam và Philippines sẽ nằm trong số những nước có tiềm năng được hưởng lợi nhiều nhất từ những nỗ lực của Chính quyền Abe nhằm đưa Nhật Bản trở lại là một “cường quốc bình thường” (với các khả năng tấn công quân sự) và tập hợp khu vực cùng làm đối trọng với Trung Quốc theo cái gọi là xây dựng “khối kim cương an ninh” của Thủ tướng Abe. 

Trong những tháng gần đây, Nhật Bản đã tăng cường chi tiêu quân sự của nước này; thực hiện các biện pháp để bảo vệ tốt hơn các khu vực biên giới trên biển của họ với Trung Quốc; và đã tuyên bố rằng họ sẽ xem xét việc xuất khẩu sang các đối tác khu vực những loại vũ khí tiên tiến, những loại vũ khí có thể được triển khai để hỗ trợ việc bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng ở Tây Thái Bình Dương. 

Mặc dù Tokyo chưa cho thấy những vũ khí nào họ có thể sẽ cung cấp cho các đối tác khu vực, nhưng một số chuyên gia phân tích chiến lược tin rằng các đồng minh khu vực mong muốn tiếp cận các tàu phản ứng nhanh đa dụng và các tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản sản xuất, để tăng cường các khả năng phòng thủ chống Trung Quốc của họ. 

Việt Nam cũng đã tăng cường quan hệ chiến lược của mình với Philippines, khi cả hai nước thăm dò việc hợp tác được thể chế hóa trong các tranh chấp Biển Đông. Đặc biệt, Việt Nam và Philippines đã và đang phối hợp lập trường ngoại giao của họ liên quan đến các cuộc tranh chấp giữa hai nước này với Trung Quốc. Các quan chức Philippines hi vọng rằng Việt Nam và Nhật Bản sẽ sớm cùng Manila tham gia hành động thách thức pháp lý đối với những tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn của Trung Quốc tại các cơ quan quốc tế liên quan. 

Hiện nay, ngày càng rõ ràng rằng Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đang tăng cường sự hợp tác chiến lược của họ, trong khi đồng thời khuyến khích Mỹ can dự sâu hơn nhằm ngăn chặn sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các khu vực biển tranh chấp. Tuy nhiên, rõ ràng là những nỗ lực này sẽ gây sức ép buộc Trung Quốc phải mềm mỏng hoặc cũng có thể cứng rắn hơn trong các tuyên bố chủ quyền trên biển và những tham vọng địa chính trị của họ./.

 

Theo Asia Times Online

Trần Quang (gt)