p09-120712-mp.jpg

Trật tự quốc tế dựa trên luật định” sau Chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu do Mỹ định hình. Dưới sức mạnh của Hải quân Mỹ, trật tự này đã mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc và các bên khác dường như đang làm suy yếu trật tự được thiết lập, khiến Mỹ khó có thể duy trì vị trí dẫn đầu của mình.

Gần đây các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã có cuộc găp với người đồng cấp Mỹ Ash Carter ở Hawaii để tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và củng cố “mạng lưới an ninh toàn diện và có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương”. “Trật tự quốc tế dựa trên luật định” sau Chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu do Mỹ định hình. Dưới sức mạnh của Hải quân Mỹ, trật tự này đã mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc và các bên khác dường như đang làm suy yếu trật tự được thiết lập, khiến Mỹ khó có thể duy trì vị trí dẫn đầu của mình.

Việc nêu bật ý nghĩa của “mạng lưới an ninh toàn diện và nguyên tắc” đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi các quy tắc quản lý liên tiếp gặp phải những thách thức mới. Không đâu thể hiện rõ điều này như ở Biển Đông với các hành động gây hấn của Trung Quốc. Mới đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hồi tháng 7 đối với những thực thể tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở vùng biển này, cho dù tòa án đó được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Vậy nguyên tắc của nước nào sẽ định hình trật tự toàn cầu trong thế kỷ 21? Đây là một trong những thách thức chính sách đối ngoại nan giải nhất hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách của phương Tây. Rõ ràng trọng tâm kinh tế và chiến lược của thế giới đã chuyển dịch từ châu Âu sang châu Á. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong tổng số 15 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất trong năm 2015 thì có tới 5 quốc gia châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Tuy nhiên, trật tự toàn cầu hiện nay không phản ánh hết những thay đổi cán cân ảnh hưởng này, khi mà trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ có một nước châu Á là Trung Quốc. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi một số cơ chế quốc tế mới đã được hình thành như Ngân hàng Phát triển BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt. Những cơ chế này đưa ra các lựa chọn thay thế khả thi giúp các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề của chính họ. Cả Ngân hàng Phát triển BRICS và AIIB đều có thể hỗ trợ/bổ sung cho các cơ chế hiện hành, nhưng mặt khác cũng sẽ thách thức quyền lực của những cơ chế cũ. Nhìn từ góc độ của Mỹ, nước này sẽ muốn kéo các cường quốc mới nổi như Trung Quốc tham gia hệ thống hiện hành (cho dễ quản lý), chứ không thể để “nhởn nhơ” bên ngoài hay thậm chí trở thành lực lượng phá hoại. Đối với Washington, ngăn chặn tham vọng bá quyền của một cường quốc khác là trụ cột chính trong việc bảo vệ trật tự toàn cầu hiện nay.

Với các chuyên gia theo dõi chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, hiện thế giới vẫn còn rất nhiều câu hỏi quan trọng chưa thể trả lời được, như: Làm thế nào để duy trì trật tự quốc tế hiện nay? Mỹ sẽ đưa ra những cam kết gì và thực hiện ra sao? Mỹ chỉ khuyến khích Trung Quốc can dự vào các thể chế toàn cầu đến mức độ nào? Khi nào các nền kinh tế mới nổi có thể tham gia đầy đủ vào tất cả các vấn đề toàn cầu? Mỹ sẽ đối phó với những thách thức trên như thế nào?...

Một điều đáng chú ý là hiện tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang dành sự ủng hộ khác nhau cho chiến lược ngăn chặn xu hướng bá quyền khu vực đang diễn ra. Trong trường hợp của Úc, đồng minh lâu năm của Mỹ, việc duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai là nguyên lý cốt lõi trong quan điểm chiến lược của nước này. Thuật ngữ đó được nhắc tổng cộng tới 41 lần trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016. Tuy nhiên, theo một báo cáo do Trung tâm Mỹ-Á Perth và Trung tâm Nghiên cứu Mỹ mới công bố, có tới 69% những người Úc được hỏi cho biết họ hoàn toàn thoải mái với viễn cảnh Trung Quốc có thể hoặc sẽ thực sự trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới. Thách thức đặt ra đối với các nhà hoạch định chính Úc là làm thế nào vừa mở rộng quan hệ với Trung Quốc, vừa giữ được quan hệ bền chặt với Mỹ. Canberra từng lâm vào thế khó hồi năm ngoái khi Washington tỏ rõ thái độ không hài lòng với quyết định của Chính phủ Australia cho Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm. Cảng này là nơi tiếp đón các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên ghé thăm Úc hàng năm.

Đối với những quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, bức tranh thậm chí còn rắc rối hơn. Phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/ 7 đã tạo vị thế đàm phán mạnh cho một đồng minh khác của Mỹ là Philippines. Thế nhưng tổng thống mới được bầu của nước này Rodrigo Duterte đã bày tỏ sẵn sàng gác sang một bên phán quyết này để tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông. Ông Durterte cũng tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ ở vùng biển này. Những quốc gia Đông Nam Á khác, như Indonesia, thậm chí còn không đề cập đến việc phải tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn trong khu vực. Tổng thống Indonesia Jokowi do dự không muốn nhận trọng trách dẫn dắt ASEAN. Lâu nay người Mỹ, gồm cả ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, thường nói rằng ASEAN là điểm tựa của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng hãy thử xem điều gì đang diễn ra với các thể chế khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), khi không có một thành viên nào trong khối có thể đứng ra đảm nhận vai trò dẫn dắt?

Quyển sách “Xoay trục: Tương lai nghệ thuật quản trị của Mỹ ở châu Á” đã đề cập trực diện những câu hỏi rắc rối xoay quanh trật tự toàn cầu. Cuốn sách đem lại cái nhìn tổng quan về chiến lược châu Á của Chính quyền Tổng thống Barack Obama từ góc nhìn của một trong những vị kiến trúc sư chính của chính sách này, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt M. Campbell. Trong thông điệp xuyên suốt cuốn sách, ông Campbell lập luận rằng không có gì phải nghi ngờ việc châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành một khu vực lịch sử và là tâm điểm của tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ trong thế kỷ mới. Mỹ không còn coi khu vực này là “sân khấu hạng hai” như trước đây. Có thể nói cuốn sách trên như một cuốn hồi ký cá nhân thấm đẫm các giai thoại của một nhà học thuật đã có tới 25 năm kinh nghiệm và nắm bắt hầu hết các chuyển động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong phần giới thiệu, ông Campbell tuyên bố rằng cuốn sách khơi gợi 2 luận điểm chính. Thứ nhất là châu Á cần được đặt ở vị trí trung tâm hơn trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ hai là Mỹ nên theo đuổi một “chiến lược linh hoạt và toàn diện” ở châu lục này. Để làm được cả hai điều đó, Mỹ cần có đủ nguồn lực duy trì các cam kết liên minh và giữ vững “hệ thống vận hành” (hay trật tự dựa trên nguyên tắc) hiện nay ở châu Á. Phần chính của cuốn sách nằm ở 3 chương giữa, trong đó Campbell vạch ra những lựa chọn chính cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nêu ra chiến lược châu Á 10 điểm cho Mỹ và điểm danh những thách thức tiềm ẩn trong quá trình thực hiện chiến lược này. Các nhà hoạch định chính sách sẽ thấy đây là phần thú vị nhất của cuốn sách, vì nó đưa ra những căn cứ khơi gợi tranh luận tri thức về mục đích thực sự của chính sách xoay trục và làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Tình huống được xây dựng trong các chương này xoay quanh ý tưởng căn bản về chiến lược của Mỹ ở châu Á là kiên quyết ngăn chặn hành vi bá quyền của một cường quốc khác và khuyến khích cân bằng quyền lực để giữ “hệ thống vận hành” hiện nay.

Thế nhưng một số người đọc có thể thấy rằng cuốn sách trên không lý giải thỏa đáng những câu hỏi liên quan đến việc Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ hệ thống trật tự hiện hành tới mức độ nào đó. Đơn cử, theo chuyên gia Hugh White, cuốn sách không đánh giá được quy mô trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như những thách thức mà nước này đang tạo ra cho vị thế bá chủ của Mỹ. Hugh White cho rằng chiến lược 10 điểm “quá đơn giản để có thể đối phó với các thách thức” và nó chẳng khác gì một “đề xuất mang tính biểu tượng”. Điều quan trọng nhất theo ông là cuốn sách đã phớt lờ câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng phát động chiến tranh với Trung Quốc để bảo vệ địa vị đứng đầu của mình hay không. Trong cuốn sách gây tranh cãi năm 2012 của chính ông mang tựa đề “Lựa chọn Trung Quốc: Vì sao Mỹ nên chia sẻ quyền lực”, Hugh White đưa ra một hướng tiếp cận khác, dù bị Washington chỉ trích, nhưng lại tỏ ra hữu ích khi nhắc lại cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề không hề dễ chịu liên quan đến tương lai châu Á mà họ đang phải đối đầu. Câu trả lời cho những vấn đề trên sẽ định hình chính sách ở nhiều quốc gia châu Á mà một số nước, trong đó có Philippines, đã có dấu hiệu bắt đầu.

Ông Campbell đã phản pháo lại Hugh White và nhấn mạnh rằng bản “tóm lược” cuốn sách của ông không phản ánh trung thực sự phức tạp của mối quan hệ Trung-Mỹ như được đặt trong đúng ngữ cảnh đầy đủ. Campbell khẳng định “hầu hết các quốc gia châu Á đều hoan nghênh Mỹ can thiệp toàn diện vào các vấn đề khu vực”. Tuy nhiên nếu nhìn vào nội dung cuốn sách trên, Campbell mới chỉ đề cập đến quan ngại về tương lai của các thể chế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu cũng như những “giá trị chung” cần được duy trì, chứ chưa đưa ra được hướng giải quyết. Không dễ có câu trả lời cho những vấn đề này. Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trong một số vấn đề thuộc “hệ thống vận hành” hiện nay, trong khi ngang nhiên phớt lờ những vấn đề khác./.

Tác giả Natalie Sambhi là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mỹ - Á tại Perth, với lĩnh vực nghiên cứu là chính sách đối ngoại và quốc phòng của Indonesia. Bài viết đăng trên "War on the rocks”.

Vũ Hiền (gt)