Trong thời gian qua, Úc đã cải thiện và tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài những liên hệ lịch sử (Úc thiết lập đại sứ quán tại Hà Nội năm 1973, khác hẳn với Mỹ đến tận năm 1995 mới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam), có 2 lý do đơn giản và rõ ràng để lý giải tại sao Việt Nam nên được đặt ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Úc: Thứ nhất, Úc là cường quốc bậc trung cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ. Thứ hai, Úc phải tìm cách quản lý, kiểm soát quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc vì những lý do lịch sử, kinh tế và chiến lược. 

Hiện nay, căng thẳng an ninh trong khu vực được đẩy lên cao bởi Mỹ tiến hành chiến dịch "tự do hàng hải" ở Biển Đông nhằm phản đối những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc kéo giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (năm 2014) đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hà Nội. 

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull rõ ràng đang theo dõi sát sao mọi biến động ở khu vực này. Mới đây, trong cuộc trả phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình về chính sách đối ngoại, ông Turnbull đã nhấn mạnh đến tình hình Biển Đông và những hành động hiếu chiến, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở khu vực này. Ông Turnbull còn lưu ý rằng việc làm đó của Trung Quốc sẽ chỉ đẩy Mỹ và Việt Nam đến gần nhau hơn. Mỹ đang chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, hai bên đã có nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Rõ ràng, Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Việt Nam cũng có mối quan hệ tốt với một số đối tác châu Á quan trọng của Úc (như Nhật bản), và có quan hệ thương mại, đầu tư mạnh mẽ với Hàn Quốc và Singapore. 

Thực tế, Hà Nội và Canberra có một số mục tiêu chung từ hợp tác khu vực và các vấn đề Biển Đông cho đến cân bằng chủ nghĩa đa phương. Đây là những điều kiện để Úc cải thiện và củng cố quan hệ với Việt Nam. Ít nhất, Úc nên chú ý nhiều hơn đến một quốc gia 90 triệu dân và có một cộng đồng người Việt đông đảo ở "Xứ sở Chuột túi". Trong chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3 vừa qua, quan hệ "đối tác toàn diện" giữa Việt Nam và Úc (từ năm 2009) đã được mở rộng thành quan hệ "đối tác toàn diện tăng cường". Hiện có một số suy đoán rằng hai bên sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Sau đây là một số gợi ý về các lĩnh vực mà Úc và Việt Nam có thể mở rộng hợp tác trong thời gian tới:

An ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông là một trong những lĩnh vực mà Úc và Việt Nam cần chú trọng. Cùng với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang đầu tư mua sắm tàu ngầm hiện đại và sẽ sở hữu 6 chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga vào năm 2016. Với tình hình an ninh đang thay đổi ở các đại dương xung quanh Úc, việc tăng cường can dự hải quân và diễn tập tàu ngầm có thể mang lại lợi ích cho nước này. Ngoài ra, Úc và Việt Nam nên hợp tác để thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiếng nói lớn hơn trong vấn đề Biển Đông. Nếu Úc muốn gia nhập ASEAN, Việt Nam sẽ là một bên "hậu thuẫn" tuyệt vời. 

Bên cạnh đó, đầu tư viện trợ là một lĩnh vực đã và đang có những tiến triển nhất định. Trong năm tài chính này, Úc sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ phát triển trị giá 90 triệu đô la Úc (AUD), trong đó viện trợ trực tiếp là 58,4 triệu AUD. Theo Đại sứ Hugh Borrowman, Úc "muốn" đối tác này để "chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ những cải cách của Úc, tìm cách đổi mới để tối đa hóa khả năng của các nguồn lực công và xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân lớn hơn". 

Trao đổi văn hóa cũng có thể là điểm nhấn trong quan hệ giữa Úc và Việt Nam vì lợi thế của Việt Nam là có một cộng đồng người Việt đông đảo đang sinh sống và làm việc tại Úc, gồm cả những nhân vật nổi tiếng người Úc gốc Việt như đầu bếp Luke Nguyễn hay diễn viên hài Anh Đỗ. Ngoài ra món ăn của Việt Nam rất phổ biến tại Úc. Về phần mình, lợi thế của Úc phải kể đến hệ thống giáo dục hiện đại, chất lượng cao... 

Úc cần phải có sự hiểu biết tốt hơn về châu Á và một quốc gia đa dân tộc, phát triển nhanh như Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại khéo léo, mềm dẻo; sẵn sàng lên tiếng phản đối Trung Quốc, song cũng thận trọng kiểm soát mối quan hệ lâu đời và phức tạp với quốc gia láng giềng này, đồng thời tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Úc cũng đang rơi vào tình trạng kiểm soát cân bằng quan hệ với Trung Quốc (đối tác thương mại hàng đầu) và Mỹ (đồng minh an ninh truyền thống). Rõ ràng, Úc và Việt Nam có thể và nên "học hỏi" lẫn nhau.

Theo The Interpreter

Văn Cường (gt)