Với truyền thống “ẻo lả” của ngoại giao chính thống ở châu Á, mỗi khi khái niệm “cấu trúc khu vực mới” được đề cập là dễ tạo cảm giác bấp bênh, mơ hồ. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến bộ với tốc độ chậm chạp. Với việc kiên trì tính đồng thuận ra quyết định để đoàn kết một khu vực đa dạng về văn hóa và chính trị, tổ chức này thường chỉ vòng vo quanh các chủ đề gai góc nhất. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), một đối thoại thường niên đang vật lộn tìm hướng đi trong khi những tổ chức rộng hơn, thực tế hơn như G-8, G-20 gây tiếng vang rộng rãi hơn. Tuy nhiên, có một cơ cấu đang nổi cần được chú ý, đó là EAS. Nó thổi luồng gió mới vào tầm quan trọng của ASEAN, lôi kéo Trung Quốc và Mỹ vào cuộc ở một điểm nối then chốt.

Có thể nhận ra những giả định chiến lược chi phối sự ổn định khu vực trong nhiều thập kỷ qua đang thay đổi khi Trung Quốc tăng dần khả năng thống trị trong lúc Mỹ suy giảm vị thế. Từ lâu, giới phân tích đã lưu ý về tình trạng thiếu một cấu trúc an ninh có ý nghĩa bất chấp ý nghĩa quan trọng của Đông Á và những thay đổi chiến lược đang diễn ra. Tiến triển của EAS năm nay sẽ đóng một vai trò trong cách thức giải quyết những thay đổi đó.

Mọi sự chú ý sẽ hướng về Bali vào tháng 11 tới, khi một EAS trọn vẹn lần đầu tiên được tổ chức, kết nối lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN với 8 quốc gia khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân. Là Chủ tịch ASEAN năm nay, In-đô-nê-xi-a sẽ giữ vai trò chủ tọa EAS. Theo dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều tham dự, phản ánh tầm quan trọng của EAS trên trường ngoại giao quốc tế.

Ngoại trưởng của 10 nước EAS đã gặp nhau lần đầu ở Bali bên lề các hội nghị ASEAN tháng trước. Trong khi những vấn đề khác thu hút dư luận, tầm quan trọng của ngoại giao “cứng” không thể bị coi nhẹ. Các chủ đề ngoại giao, chính trị, chiến lược rộng sẽ bao trùm EAS, tuy nhiên những người trong cuộc cảnh báo rằng nhóm này vẫn đang trong tiến trình hình thành phát triển và vẫn cần chờ xem cách thức giải quyết những nguồn gây căng thẳng như bán đảo Triều Tiên hay các tranh chấp biển. Trung Quốc muốn nghị trình EAS mở rộng hết mức có thể trong khi Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia đặt mục tiêu vào những lĩnh vực cụ thể.

Dù chưa có gì chắc chắn, song ít nhất đã có một số chỉ dấu tích cực bước đầu. Quan hệ Trung-Mỹ đang ấm dần, mặc dù những xung đột cốt lõi chưa được giải quyết, song hai bên đang đối thoại ở các cấp độ khác nhau. Giới bình luận Trung Quốc mô tả sự cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ đang trên một con đường êm ái còn ở hậu trường, các phái viên Trung Quốc chấp nhận thực tế về một vai trò an ninh của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, các quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang tỏ ra phức tạp hơn so với nhiều năm qua, nhưng nhìn chung vẫn “lành lặn”.

Giới phân tích khắp khu vực hy vọng những quan hệ trên tiếp tục được cải thiện để hướng đến EAS vào tháng 11. Dù sao, một EAS có tác dụng thực sự sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

Theo SCMP

 Hương Trà (gt)