Theo nguồn tin chính thức từ chính phủ Nga và Ấn Độ, hai bên sẽ liên doanh chế tạo 200 máy bay trực thăng Kamov-226T. Đây cũng là bước tiến lớn đầu tiên trong chiến dịch của Thủ tướng Modi nhằm xây dựng một nền tảng công nghiệp trong nước và giảm bớt sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu đắt đỏ trong lĩnh vực quân sự.

Nguồn tin giấu tên này cũng tiết lộ với báo giới rằng trong chuyến thăm Moskva dự kiến bắt đầu vào ngày 23/12 tới, Thủ tướng Modi sẽ đem đến một hợp đồng cho phép Nga sử dụng một địa điểm ở bang Andhra Pradesh thuộc miền Nam Ấn Độ để xây dựng thêm 6 lò phản ứng hạt nhân có công suất 1.200 MW mỗi lò, ngoài 6 lò phản ứng khác mà Nga đang tiến hành xây dựng ở bang lân cận Tamil Nadu.

Quyết định xoay trục về phía Nga của New Delhi được xúc tiến trong bối cảnh hãng General Electric của Mỹ và Westinghouse - một nhánh của tập đoàn Toshiba của Nhật Bản có trụ sở tại Mỹ, vẫn đang cân nhắc việc thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Ấn Độ vì luật pháp Ấn Độ quy định các nhà cung cấp lò phản ứng phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra sự cố.

Sáng kiến “Make in India” của ông Modi nhằm thúc đẩy một nền quân sự nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 4 năm qua cũng đang có ít tiến triển, khi mà các cuộc thảo luận xung quanh các vấn đề như chuyển giao công nghệ và lắp ráp trang thiết bị ở địa phương vẫn bị trì hoãn.

Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ phát triển nhanh và có tiềm năng đối với ngành xuất khẩu của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. Nguồn tin chính phủ Nga cho biết: “Trong khi các nước khác mới đưa ra những lời hứa hẹn, thì Nga đang xúc tiến với chương trình 'Make in India' của Ấn Độ".

Trong những năm gần đây, Nga - vốn duy trì mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ kể từ sau Chiến tranh Lạnh - đã tụt hậu so với Mỹ và Israel khi kiếm được ít đơn đặt hàng hơn từ thị trường quốc phòng Ấn Độ, với giá trị ước tính lên tới 130 tỷ USD trong 7 năm tới. Hiện Tổng thống Nga Putin đang trông mong vào nỗ lực tự chế tạo trong nước của Ấn Độ để giành lại thị phần. Amitabh Kant - một quan chức cấp cao Ấn Độ, người điều hành chiến dịch đưa Ấn Độ trở thành cơ sở chế tạo toàn cầu - nói: “Mục đích của Ấn Độ là bất kể chúng ta có hợp tác gì với Nga đi nữa thì sáng kiến ‘Make in India’ sẽ vẫn là một phần trong đó”.

Nguồn tin chính thức của Nga cho biết theo một thỏa thuận liên chính phủ dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm này, Moskva sẽ bố trí một dây chuyền sản xuất trực thăng hạng nhẹ để cung cấp cho quân đội Ấn Độ và sau đó cho cả Nga. Hai doanh nghiệp nhà nước Hindustan Aeronautics và Anil Ambani’s Reliance Defence hiện hoạt động với tư cách là đối tác ở địa phương cho thỏa thuận chế tạo 200 trực thăng có hai động cơ, với trị giá 1 tỷ USD, để thay thế hạm đội với các trực thăng Cheetah và Chetak đã cũ của Ấn Độ. Nguồn tin Nga nói: “Các đối tác Ấn Độ đã đệ trình lựa chọn của họ lên chính phủ nước này. Chúng tôi sẽ làm việc với bất cứ ai mà chính phủ chỉ định”.

Ngoài ra, lý do Ấn Độ chuyển hướng sang Nga cũng là để đảm bảo các tài sản năng lượng ở ngoài nước dùng để bơm vào nền kinh tế nước này. Hai nguồn tin trên cũng thông tin thêm rằng hai tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ là Indian Oil và Oil India đang đàm phán với tập đoàn Rofneft của Nga để mua lại đến 29% tiền đặt cọc trong một dự án dầu ở Siberia. Thỏa thuận trực thăng này có thể là hợp đồng lớn đầu tiên trong nỗ lực tự chế tạo vũ khí trong nước của ông Modi, đang kích thích các công ty quốc phòng ở địa phương nhưng lại không thể có được các khoản thầu quan trọng.

Trong khi một số nhà chế tạo ở Ấn Độ đang hướng đến các doanh nghiệp phương Tây để tìm kiếm các mối liên hệ cần thiết cho việc tự chế tạo và chuyển giao kỹ thuật ở địa phương, hãng Reliance lại đẩy mạnh hợp tác với Nga nhằm khởi động nỗ lực mới được hình thành này của họ trong việc phát triển lĩnh vực kinh doanh quốc phòng. Một lãnh đạo giấu tên của Reliance cho biết các cuộc đàm phán để đạt được sự liên doanh chế tạo trực thăng này chỉ bắt đầu khi hai chính phủ nhất trí về thỏa thuận. Trong khi đó, bên phía Hindustan Aeronautics không bình luận gì về điều này.

Một nguồn tin thân với Rosobornoexport, công ty xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Nga, cho biết trong số 200 trực thăng trong hợp đồng, Ấn Độ sẽ sản xuất 140 chiếc và Nga sản xuất 60 chiếc. Nguồn tin này cho biết các hoạt động chuẩn bị cho hợp đồng này đang được thực hiện và hai bên hy vọng sẽ cụ thể hóa hợp đồng trong chuyến thăm sắp tới của ông Modi. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cũng đã xác nhận kế hoạch ký kết thỏa thuận trực thăng này cũng như việc Ấn Độ sẽ đề xuất để Andhra Pradesh trở thành địa điểm xây dựng các lò phản ứng tiếp theo do công ty hạt nhân thuộc nhà nước Nga Rosatom thực hiện.

Nandan Unnikrishnan, chuyên gia về quan hệ Nga-Ấn tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát, nhận định rằng mặc dù những năm gần đây New Delhi có xu hướng nghiêng về phương Tây nhiều hơn trong các đơn hàng về trang thiết bị quân sự, song Nga vẫn có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực. Ông nói: “Nga có lợi thế vượt trội so với bất cứ nước nào khác vì nắm bắt được bộ máy hoạt động của Ấn Độ, điều đó cho thấy các doanh nghiệp có thể đặt lòng tin vào Nga”.

Theo “Reuters

Anh Thư (gt)