Trong tình thế hiện nay, để buộc Anh phải ngồi vào bàn thương lượng về chủ quyền Malvinas và phần lãnh hải tại Nam Đại Tây Dương, và hơn nữa, là để Áchentina có thể khôi phục phần nào chủ quyền thực tế tại quần đảo trên, Buênốt Airết cần phải làm được hai việc: thứ nhất là gây sức ép trên những đấu trường mà mình có lợi thế, và thứ hai là sức ép đó phải đủ lớn để tác động tới lợi ích được đặt vào cuộc chơi. Đây là một tiên đề lịch sử.


Nếu như sức ép tạo ra là không đủ hoặc không trúng, thì đó chẳng khác gì một cách bào chữa chính trị mang tính tình thế ở bên trong và kéo dài tình trạng không rõ ràng ở bên ngoài. Điều này đã từng xảy ra với nhiều chính phủ Áchentina.


Một trong những thế mạnh của Anh, quốc gia đã công nghiệp hóa và từng là cường quốc thực dân trong quá khứ, là quân sự. Nhưng ngay cả như vậy thì năm 1982, để quyết định cuộc chiến với Áchentina tại Malvinas, họ vẫn phải cần tới sự giúp đỡ công khai của đồng minh lịch sử Mỹ và một số nước khác, kể cả trong khu vực Mỹ Latinh (điển hình là Chilê dưới thời độc tài Pinochet). Một mặt mạnh khác của Anh là ngoại giao, chính là mặt trận mà Áchentina đã lựa chọn để thực hiện phần lớn các nỗ lực đòi chủ quyền và phản đối của mình.


Tuy nhiên, có một nghịch lý rằng điểm nhạy cảm của Anh – cái nôi của chế độ tư bản – lại chính là kinh tế, khi luôn phải tìm kiếm cân bằng giữa các quyền lợi của hệ thống tư bản. Các cường quốc luôn có truyền thống vận hành theo cái được gọi là “chiến tranh chính trị” – hay nói cách khác các hành động phi quân sự, được tiến hành trong cả thời bình lẫn thời chiến, nhưng lại có mục tiêu giống như một cuộc chiến tranh quân sự. Một trong những cơ chế “chiến tranh chính trị” này chính là cuộc chiến kinh tế, cái mà Anh đã áp dụng với Áchentina từ tháng 5/1810 với Chiến lược Castlereagh (lấy theo tên của Huân tước Catlereagh, cố Ngoại trưởng Anh và là người từng đưa ra phương châm “chúng ta không cần phải lo nghĩ tới việc ai nắm chính quyền tại Sông Bạc (tên cũ của Áchentina), mà cần quan tâm tới quyền làm chủ kinh tế tại đó”).


Trong cuộc xung đột Malvinas 1982, Áchentina cũng từng có điều kiện để phản công về kinh tế - tài chính chống lại kẻ thù của mình: Luân Đôn khi đó e sợ một cuộc chiến kinh tế hơn nhiều so với một cuộc chiến quân sự. Vào thời điểm ấy, Anh đã cùng với nhiều nước chủ nợ phương Bắc tiến hành cô lập tài chính Áchentina, và điều mà các nhà đầu tư người Anh (và châu Âu) lo lắng chính là Buênốt Airết sẽ đáp trả bằng cách ngừng trả lãi suất và các khoản nợ nước ngoài đáo hạn, yếu tố có thể góp phần tạo ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống tài chính thế giới.


Một vài tuần trước khi cuộc chiến bùng nổ, trung tâm tài chính quốc tế Luân Đôn rơi vào tình trạng mất cân đối do nguy cơ Buênốt Airết không trả nợ cho các ngân hàng lớn, các công ty và các nhà đầu tư Anh có nhiều quyền lợi tại quốc gia Nam Mỹ này, và từ sự thiếu tin tưởng của các quỹ đầu cơ trái phiếu trước hậu quả của cuộc xung đột. Các nguồn vốn bị đánh tháo, lãi suất bị nâng cao, các thị trường chứng khoán, vốn và hối đoái rung chuyển, và Ngân hàng Anh buộc phải can thiệp để bình ổn đồng Bảng. Các phương tiện truyền thông bắt đầu chỉ trích chính phủ của bà Thatcher do chi phí từ việc gửi hạm đội tới Nam Đại Tây Dương, ngân sách để duy trì căn cứ quân sự tại Malvinas (khi đó mới là dự án, được xây dựng sau cuộc chiến), cũng như hệ quả xã hội kéo theo là thất nghiệp và tăng thuế. Cuộc xung đột bắt đầu trở nên bất trắc với một cái giá rất cao đối với giới tư bản Luân Đôn, cũng như của nhiều nước khác, và thậm chí là với sự ổn định của hệ thống ngân hàng thế giới. Thế nhưng chính phủ quân sự độc tài Áchentina thời đó đã không hành động như vậy: Bộ trưởng Kinh tế Roberto Alemann đã thực hiện một chuyến công du tới các trung tâm tài chính quốc tế cam đoan rằng Buênốt Airết sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình theo đúng thời gian và quy định… và rằng một khi cuộc xung đột kết thúc, Áchentina sẽ trả nợ cho Anh. Đây chính là hệ quả của tư tưởng kinh tế tự do mới tại các nước thứ ba – do các cường quốc tuyên truyền – rằng trong các cuộc xung đột chỉ có thể gây sức ép qua con đường ngoại giao hoặc quân sự, trong khi trên thực tế hai lĩnh vực này phụ thuộc một cách hệ thống vào các yếu tố kinh tế. Điều này cũng phản ánh phương châm “hãy làm theo những gì tôi nói mà đừng làm theo những gì tôi làm” của các nước lớn, trong khi chính họ luôn hành động đồng thời trên cả 3 mặt trận trên thực tế là không thể tách rời này.


Trước động thái khiêu khích mới đây của Anh, với việc chuyển một giàn khoan thăm dò dầu khí tới Malvinas, Áchentina sẽ phải tạo ra sức ép lớn tới đâu và tập trung nó vào những điểm chốt nào? Để phân tích điều này, trước hết cần phải hiểu được điều gì đã thúc đẩy Anh tăng cường sự hiện diện tại quần đảo mà họ coi là lãnh thổ hải ngoại này, đồng thời đưa ra yêu cầu mở rộng đặc quyền kinh tế của Malvinas với bán kính từ 200 lên tới 350 hải lý xung quanh các đảo chính, nâng tổng diện tích của vùng lãnh hải tuyên bố này lên khoảng 3,5 triệu km2 tại Nam Đại Tây Dương (tức lớn hơn cả phần lãnh thổ đất liền của Áchentina), chưa kể tới những toan tính của Luân Đôn tại Nam Cực.


Từ năm 2000 sản lượng dầu khí tại các mỏ của Anh tại Biển Bắc đã giảm dần đều, và các công ty dầu khí chính của họ như BP và Shell đang rời bỏ nơi đây để tìm kiếm các nguồn trữ lượng khác có lợi nhuận cao hơn như tại Trung Đông và Trung Á. Anh từ vị thế xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu khí đốt. Các chuyên gia đã trù tính việc dỡ bỏ dần dần các dàn khoan dầu tại Biển Bắc từ nay tới năm 2035. Nguồn trữ lượng đầy tiềm năng tại vùng biển bao quanh Malvinas sẽ đóng vai trò thay thế những mỏ dầu cạn kiệt trên, nhưng ngoài dầu khí và hải sản phong phú, quần đảo này còn là điểm nút quan trọng để Anh có thể đòi hỏi quyền lợi được thăm dò và khai thác dầu khí tại Nam Đại Tây Dương, Nam Đại Dương
[1], và Nam Cực. Tại châu lục băng giá này – nguồn cung cấp nước ngọt tương lai cho thế giới – người ta đã tìm thấy nhiều mỏ dầu và khoáng sản (đặc biệt là các mỏ than tại khu vực bao quanh điểm cực). Mặc dù Luân Đôn đã ký Hiệp ước Nam Cực[2], văn bản ngăn ngừa mọi hoạt động khai thác khoáng sản và quân sự hóa “lục địa trắng” cho tới năm 2048, nhưng hiện tại đang có sức ép rất lớn từ các tập đoàn xuyên quốc gia và từ chính phủ nhiều nước đòi gỡ bỏ hạn chế đối với các tài nguyên của Nam Cực trước thời hạn trên. Thậm chí, nhiều nước có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước trước thời điểm này.


Với cấu trúc tiêu thụ tăng theo cấp lũy thừa trong xã hội tư bản, cuộc chiến giành giật Nam Cực trên thực tế đã bắt đầu. Khác với các nước nhỏ, các cường quốc luôn lập kế hoạch theo những quá trình vĩ mô lịch sử, việc phân chia Nam Cực cho các tập đoàn khai thác khoáng sản của các nước này bao hàm cả việc tăng cường sức mạnh quân sự để đảm bảo quá trình khai thác, cũng như giành quyền kiểm soát chiến lược các tuyến đường vận tải và các hành lang kinh tế. Anh đang đi trước trong việc lấp đầy các không gian cần thiết khi nắm giữ hành lang đảo Ascención – Malvinas – đảo
Georgias Đại Tây Dương.

Trong khi đó, Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực Nam Đại Tây Dương với Hạm đội IV mới được tái khởi động và các căn cứ không – hải quân sử dụng chung với Anh, như tại Ascención và Malvinas (nhiều công ty của Mỹ cũng có đăng ký tham gia khai thác dầu khí tại khu vực này), và tạo lợi thế tại chính Nam Cực với các căn cứ rải rác của Lực lượng phòng thủ bờ biển, các dự án tăng cường sức mạnh không quân tại đây và thậm chí đã có một sân bay hoạt động thường xuyên (Amundsen – Scott, cho tới nay vẫn được đăng ký là sân bay khoa học) nằm tại ngay điểm cực.


Một cuộc chiến thầm lặng giữa nội bộ các cường quốc phương Bắc – cả Nga và Trung Quốc cũng sẽ sớm nhảy vào cuộc – đang được triển khai tại Nam Cực, mặc dù một số nước phương Nam cũng không muốn chậm chân theo sau các sự kiện này. Đơn cử là Ôxtrâylia – nước cùng với yêu cầu khu đặc quyền tại 2,5 triệu km2 tại
Nam Đại Dương (được Liên hợp quốc phê chuẩn năm 2008) đã tăng đáng kể chi phí quân sự, mức tăng cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đằng sau Hiệp ước bảo vệ Nam Cực 1959 – với mục đích công khai là bảo tồn lục địa băng giá này như một không gian thiên nhiên để phát triển hòa bình – là cả một trường đấu tranh nóng bỏng và khốc liệt.


Trong những điều kiện ấy, sức ép mà Buênốt Airết đưa ra để có thể khiến Luân Đôn phải “ngồi vào bàn và thảo luận” về chủ quyền của Malvinas phải có đủ tầm cỡ của những lợi ích đang được đặt vào cuộc chơi. Malvinas không đơn thuần là một quần đảo, nó chính là điểm nổi của tảng băng của cải khổng lồ, bao gồm các tài nguyên trên đất liền và ngoài biển, trên và dưới thềm Đại Tây Dương, đồng thời là tiền sảnh dẫn tới châu Nam Cực. Chính những yếu tố này cùng vành đai năng lượng tiềm năng mới đại diện cho giá trị địa chính trị của quần đảo.


Hãy xét tới những quân bài mà Áchentina có thể sử dụng trong 3 mặt trận đã nêu. Về mặt ngoại giao – nơi người Anh có sức mạnh vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế, những phản đối mang tính hệ thống của Buênốt Airết, cùng với yêu cầu liên tục tại các tổ chức đa phương cũng nhưng các tuyên bố ủng hộ của nhiều nước – mặc dù bị Mỹ và Liên minh châu Âu bỏ qua – vẫn giúp duy trì được vị thế chủ quyền của Áchentina tại Malvinas. Tuy nhiên cho tới nay, Buênốt Airết vẫn chưa sử dụng những quân bài mạnh mẽ hơn như trục xuất đại sứ Anh (như chính Áchentina đã từng làm với Đại sứ Ônđurát hay Bôlivia áp dụng với Đại sứ Mỹ, khi mà trong cả hai trường hợp đều không có xung đột vũ trang song phương nào), hoặc có thể xem xét lại hoặc hủy bỏ Hiệp ước Mađrít
[3] và thỏa thuận về bảo hộ đầu tư ký với Luân Đôn, hoặc không thừa nhận Hiệp ước Lixbon, ít nhất là phần nói về các lãnh thổ hải ngoại của các quốc gia thành viên tổ chức này (văn bản đã công nhận Malvinas là lãnh thổ của Anh).


Trong khi đó, có thể nhận thấy một phần của chiến lược ngoại giao của Anh trong vấn đề này là cố gắng giành giật thời gian, nhằm có thể tiến hành thêm nhiều hoạt động cụ thể để củng cố chủ quyền thực tế tại quần đảo đang tranh chấp này: ngày 15/2 vừa qua, một giàn khoan thăm dò dầu khí của công ty Ocean Guardian đã được đưa tới Malvinas và hiện đã bắt đầu hoạt động tại vùng biển quanh quần đảo, và theo dự báo nhiều giàn khoan tương tự cũng sẽ được chuyển tới trong thời gian tới. Mặt khác, bên cạnh Đại sứ quán, Anh có một lực lượng tình báo hoạt động mạnh mẽ tại Áchentina, với mức độ thâm nhập rất đáng kể vào bộ máy nhà nước, thậm chí ngay cả vào cơ quan phản gián của quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh hưởng của các điệp viên này trong các vấn đề nội bộ của Áchentina có liên quan tới quyền lợi của Anh là rất lớn, kể cả công khai lẫn bí mật.


Trên mặt trận thứ hai, quân sự – nơi Anh sở hữu sức mạnh của một quốc gia công nghiệp hóa cùng sự hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh NATO khác, Áchentina đã loại bỏ mọi phương án sử dụng vũ lực. Nhưng nếu xét tới luận điểm rằng một phần của chiến tranh chính trị là chiến tranh tâm lý, và rằng hệ thống kinh tế – tài chính thế giới hoạt động dựa trên sự tin tưởng của các nhà đầu tư thể hiện qua các công cụ tài chính khả tín, thì không thể loại bỏ các hành động quân sự phi vũ trang. Từ khía cạnh này, có thể thấy, một trong những lựa chọn mà Áchentina có thể áp dụng trước mức độ quân sự hóa cao mang tính răn đe của Anh tại Malvinas là đáp trả bằng chính hình thức răn đe quân sự. Ưu thế quân sự về chiến tranh chính quy không phải luôn đảm bảo một chiến thắng cho các cường quốc, với các ví dụ điển hình tại Trung Đông và vùng Sừng châu Phi. Và như vậy, một lựa chọn theo hướng răn đe của Áchentina sẽ khiến Anh phải tăng chi phí quân sự thường xuyên tại Malvinas, điều sẽ làm giảm bớt nhiệt tình của các công ty dầu khí trong việc khoan thăm dò tại vùng biển đang có tranh chấp. Để thực thi biện pháp này, và khi vẫn tiếp tục với hệ thống hoạch định chính sách không dựa trên giả thuyết xung đột, Buênốt Airết có thể tăng số lượng các điểm chiến lược trong mạng lưới hệ thống bệ phóng cơ động có mang tên lửa tầm trung và mạng lưới tên lửa tầm xa, cùng với việc nâng cấp mạng lưới rađa, đặc biệt thiết lập thêm các điểm phòng thủ trong phần lãnh thổ đất liền tại 50 độ vĩ nam và tại tỉnh Tierra del Fuego (tỉnh cực Nam của Áchentina, chỉ cách Malvinas 600km và theo luật pháp Áchentina, là đơn vị hành chính quản lý quần đảo trên).


Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng răn đe này rất khó xảy ra, khi mà học thuyết quân sự hiện tại của Áchentina hoàn toàn mang tính phòng thủ, loại bỏ mọi khả năng tấn công hay răn đe, điều có lợi tới mức khó tin cho người Anh. Đối với Bộ Quốc phòng Áchentina, quốc gia này không có giả thuyết xung đột và không có kẻ thù trong hay ngoài khu vực. Áchentina đã chấp nhận một thái độ hoàn toàn mang tính phòng ngự, và chỉ đáp trả khi bị một nước khác tấn công bằng quân sự. Học thuyết này cũng cho rằng tài nguyên thiên nhiên thuộc phạm vi bảo vệ quốc gia (trách nhiệm của các lực lượng cảnh sát), chứ không thuộc phạm vi phòng thủ quốc gia, và do đó những mối đe dọa cụ thể đối với các mục tiêu này sẽ không bị đáp trả bằng hành động quân sự. Nói cách khác, khi các nhân tố nước ngoài chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên và năng lượng của Áchentina một cách hòa bình thì các nhân tố đó vẫn không bị nhìn nhận như kẻ thù từ bên ngoài.


Còn tại mặt trận thứ 3, kinh tế - tài chính, sức ép mà Chính phủ Áchentina tạo ra tới nay chủ yếu là nhằm gây khó khăn cho quá trình khai thác dầu khí của Anh tại Malvinas. Sắc lệnh mới đây của Tổng thống Cristina Fernández cũng nhằm vào mục tiêu này, khi đặt điều kiện cho các tàu đi tới quần đảo đang tranh chấp này; văn bản này cũng ngăn ngừa mọi hoạt động kinh doanh của các đơn vị dân sự Áchentina tại Malvinas. Nhưng một mặt Anh không công nhận tính hợp pháp của biện pháp này, mặt khác Áchentina cũng khó có thể thực hiện có hiệu quả sắc lệnh trên và ngăn ngừa được tình trạng buôn lậu dầu khí tại vùng biển này. Phương pháp này trên thực tế còn xa mới có thể gọi là một cuộc chiến kinh tế, nếu xét tới tầm vóc của những lợi ích được đặt vào trong cuộc chơi. Trên lý thuyết, Buênốt Airết có thể làm tăng phí tổn của Anh tại quần đảo này và thắt chặt nguồn cung cấp hàng hóa cho cư dân trên đảo bằng cách tác động tới Urugoay và Chilê, những bạn hàng chủ yếu của Malvinas (mặc dù điều này đối với Chilê hiện trở nên khó khăn hơn với việc tổng thống hữu khuynh Sebastián Piñera lên nắm quyền và ông này từng tuyên bố sẽ đàm phán các thỏa thuận dầu khí với người Anh tại Malvinas). Ngoài ra nhà cầm quyền Áchentina cũng cần phải đàm phán với chính phủ kế nhiệm tại Braxin để nước này cũng dừng các hoạt động kinh doanh với Malvinas, ít nhất là trong các lĩnh vực liên quan tới dầu khí (Braxin chính là nơi Anh hoàn thiện giàn khoan thăm dò vừa được gửi tới Malvinas). Một yếu tố cần nhắc lại trong cuộc chiến kinh tế là bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi với Anh, cộng đồng cư dân Malvinas – tổng cộng khoảng 3000 người và mật độ dân cư chưa tới 1người/km2 – có đủ khả năng tự túc tài chính phần nhiều nhờ vào hoạt động chăn nuôi cừu, du lịch và từ năm 1986, với nguồn lợi nhuận lớn từ đánh bắt hải sản – khi Anh đơn phương mở rộng Khu đặc quyền kinh tế từ bán kính 12 hải lý lên 200 hải lý quanh quần đảo, lấn chiếm cả phần hải phận chưa từng bị tranh chấp cho tới thời điểm đó và tự cho quyền cấp phép đánh bắt cá ngay trong Vùng lãnh hải Áchentina. Với những diễn biến này, thu nhập bình quân đầu người trong những năm qua của người dân trên đảo tăng vọt, lên một trong những mức cao nhất tại Nam Mỹ, và gấp 3 lần chỉ số của Áchentina.


Khoản nợ nước ngoài khổng lồ của Áchentina cũng có thể chuyển hóa được thành một công cụ để ra điều kiện và gây áp lực trong cuộc đấu với các chủ nợ. Rõ ràng, khoản nợ này không chỉ đơn thuần là tập hợp của những số 0, mà là một nhân tố cân bằng trong hệ thống luân chuyển vốn toàn cầu, với các điểm nút là các trung tâm tài chính lớn của phương Tây, trong đó có Luân Đôn. Việc ngừng trả nợ cho tới khi xác định rõ ràng các chủ nợ thực tế và tiến hành một cuộc tổng kiểm toán để tìm ra những yếu tố gian lận (dựa trên những những yếu tố mà cơ quan tư pháp có thể kiểm tra) như Êcuađo và Braxin từng làm, hay vận động một cuộc trưng cầu ý dân như tại Aixơlen – nơi đại đa số dân chúng đã phản đối việc trả nợ cho các nhà đầu tư Anh và Hà Lan, là một vài trong số những giải pháp khả thi nhằm gây sức ép trên lĩnh vực kinh tế để có thể tạo ra những kết quả có lợi cho Áchentina trên một đấu trường khác. Thế nhưng một lần nữa, có thể thấy Buênốt Airết không hề có ý chí chính trị để dẫn dắt sự việc đi theo chiều hướng này, khi Tổng thống Fernández liên tục khẳng định sẽ hoàn trả đầy đủ các khoản nợ nước ngoài, củng cố lòng tin cho các thế lực chủ nợ, còn đa số phe đối lập trong quốc hội thì chỉ giới hạn tranh cãi của mình xem sẽ lấy nguồn quỹ nào để trang trải những ràng buộc tài chính này.
Đối với Chính phủ Áchentina, cũng như đa số phe đối lập, việc bình thường hóa tình trạng nợ nước ngoài là ưu tiên được đặt trên cả chính sách đối ngoại, vì họ coi đây là một trong các nền móng đảm bảo khả năng và tương lai cầm quyền của mình. Sự ổn định ở mức cao của giá cả các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới cùng dự trữ ngoại tệ ngày càng dồi dào của ngân hàng trung ương của các nước mới nổi (trong trường hợp này bao gồm cả Áchentina) làm cho các trái phiếu nợ bằng đồng nội tệ trở nên cao giá trên thị trường chứng khoán và trở thành cơ hội kinh doanh béo bở cho các quỹ đầu tư tài chính quốc tế, cũng như các ngân hàng trung gian nước ngoài. Yếu tố này giúp cân bằng lại đáng kể những nguồn vốn khổng lồ mà các công ty xuyên quốc gia chuyển về nước xuất xứ của mình (nói cách khác là đánh tháo). Để bình thường hóa các mối quan hệ tài chính quốc tế của mình, Chính phủ Áchentina đã chỉ định 3 ngân hàng lớn của 3 trung tâm tài chính quan trọng đảm nhiệm các giao dịch trả nợ nước ngoài của mình gồm Citibank (Mỹ), Barclays (Anh) và Deutsche (EU), và một điểm đáng chú ý là Citibank và Barclays lại là những ngân hàng ràng buộc chặt chẽ với các tập đoàn khai khoáng trên thế giới (Barclays chính là cổ đông chính của Desire Petroleum, công ty đang tiến hành khoan thăm dò tại Malvinas).


Trong một cuộc chiến kinh tế chống lại một nhà nước tư bản khác, một trong những “vũ khí” có thể sử dụng chính là đánh vào vốn đầu tư, và theo nghĩa đó, Buênốt Airết có thể gây áp lực bằng cách tác động vào những quyền lợi của Anh tại Áchentina. Ví dụ, Buênốt Airết có thể áp dụng các hình phạt nặng, bao gồm cả khả năng sung công các công ty Anh hoạt động trong lãnh thổ Áchentina và thậm chí cả các công ty nước ngoài và bản địa khác có liên quan tới các hoạt động khai thác dầu khí của Anh tại Malvinas (trên thực tế đã có Nghị quyết 407/07 đi theo chiều hướng này nhưng không được tuân thủ).
Tuy nhiên, sau khi nhiều chính phủ liên tiếp theo đuổi chính sách tự do mới, giờ đây nền kinh tế Áchentina có tỷ lệ ngoại quốc hóa cao một cách bất thường. Các tập đoàn khai khoáng nước ngoài đang kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác tài nguyên cấp tỉnh (bang) của Áchentina, và các ngân hàng cung cấp vốn cho các tập đoàn này đồng thời cũng là các cổ đông của các công ty dầu khí mà Anh cấp phép khai thác tại Malvinas. Vì vậy khó có khả năng chính phủ Áchentina sẽ áp dụng các biện pháp ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty này mà sẽ chỉ hạn chế ở mức “khiếu nại” các tập đoàn vừa có chi nhánh tại Áchentina, vừa có chi nhánh tại Malvinas.


Nói tóm lại, với ý thức hệ và khung giá trị, cùng mức độ ràng buộc quyền lợi của các thế hệ lãnh đạo Áchentina vừa qua, sẽ rất khó để quốc gia Nam Mỹ này khôi phục được chủ quyền thực tế tại vùng lãnh hải tuyên bố của mình mà không phải trả một cái giá đắt hơn những gì mình giành được. Trong những điều kiện ấy, không khó hiểu khi những áp lực trong các mặt ngoại giao, quân sự và kinh tế của Buênốt Airết không những là chưa đủ, mà quan trọng hơn, là chỉ luôn chạy theo sự kiện, như lời của Thứ trưởng Ngoại giao Taccetti: “Chúng ta cần phải làm quen với việc suy nghĩ cho dài hạn. Mục tiêu đầu tiên của chính phủ Áchentina là ngồi vào bàn đàm phán với Anh để thương lượng về chủ quyền của các hòn đào (thuộc Malvinas) cùng những vùng biển bao quanh. Cho tới nay chúng tôi vẫn chưa đạt được điều này nhưng chúng tôi cho rằng sẽ đạt được mục tiêu ấy vào một thời điểm nào đó…”. Nhưng thời điểm đó bao giờ sẽ tới?





[1] Nam Đại Dương: vùng biển bao quanh Nam Cực với giới hạn là 60 độ vĩ nam, là đại dương rộng thứ 4 thế giới, nhưng tới năm 2000 mới được Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO) chấp thuận. Tuy nhiên hiện tại nhiều quốc gia vẫn chưa chấp nhận khái niệm này và tiếp tục coi đây là phần kéo dài của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

[2] Hiệp ước Nam Cực: do đại diện của 12 quốc gia ký năm 1959 bao gồm Áchentina, Anh, Bỉ, Chilê, Liên Xô (cũ), Mỹ, Na Uy, Nam Phi, Nhật Bản, Niu Dilân, Pháp và Ôxtrâylia. Có hiệu lực từ năm 1961 và sau đó có thêm 35 nước tham gia.

[3] Hiệp ước Mađrít: ký tại Mađrít tháng 2/1990 giữa Áchentina và Anh nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao, bị cắt đứt từ Chiến tranh Malvinas 1982, trong đó phần nói về quần đảo Malvinas sau này được Buênốt Airết và Luân Đôn hiểu theo hai cách khác nhau