Báo “Độc lập” (Nga) ra ngày 3/8 đăng tải bài viết cho biết, tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ Cưrơgưxtan-Trung Quốc về hợp tác kinh tế thương mại diễn ra hôm 2/8 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng thứ nhất Cưrơgưxtan Aaly Karashev đã đề nghị hai bên tập trung thực hiện dự án xây dựng hệ thống đường sắt xuyên qua ba nước là Trung Quốc, Cưrơgưxtan và Udơbêkixtan và mở chi nhánh của các ngân hàng lớn Trung Quốc tại đất nước này. Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng hệ thống đường sắt này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện về quân sự, văn hóa và kinh tế Nga tại Cưrơgưxtan và thậm chí còn đe dọa cả an ninh quốc gia của cường quốc này.

Dự án xây dựng hệ thống đường sắt nối liền Trung Quốc với Udơbêkixtan qua lãnh thổ Cưrơgưxtan đã được đưa ra thảo luận ngay từ những năm 1990 nhưng rơi vào bế tắc đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, mới đây dự án này đã được khai thông khi chính phủ hai nước Trung Quốc và Cưrơgưxtan đạt được thỏa thuận dưới hình thức “đầu tư đổi tài nguyên”. Thỏa thuận này xem xét việc Cưrơgưxtan cung cấp cho Trung Quốc các mỏ tài nguyên để đổi lại nguồn đầu tư vốn của Trung Quốc nhằm xây dựng hệ thống đường sắt liên quốc gia. 

Tổng thống Akmazbek Atambaev tuyên bố: “Đằng sau các nhà chính trị chống việc xây dựng hệ thống đường sắt này là lợi ích của một số quốc gia bên ngoài. Chúng ta cần hệ thống đường sắt này. Khi nó được xây dựng xong và kết nối hai miền Nam, Bắc thì Cưrơgưxtan sẽ là một quốc gia thống nhất. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thông qua dự án này và tôi tin rằng Udơbêkixtan cũng cần phải ủng hộ. Dự án này cần phải được triển khai xong trong vòng 4-5 năm. Bằng nguồn tiền vay được từ Trung Quốc chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống đường sắt và nhà ga hiện đại. Qua đó, nền kinh tế quốc gia sẽ phát triển và sẽ có tiền để trả nợ”. 

Trong khi đó, Cục trưởng Cục quy hoạch chiến lược thuộc Hiệp hội hợp tác biên giới Alexandr Sobyanin cho rằng, ông Atambaev dùng cụm từ “lợi ích của các quốc gia bên ngoài” để ám chỉ Nga. Sobyanin nói: “Ông Atambaev dùng từ ngữ rất lịch sự và ngoại giao để ám chỉ một bộ phận quan chức Cưrơgưxtan không muốn quay lưng lại với đồng minh là Nga. Các văn kiện Cưrơgưxtan đã ký với Trung Quốc mang tính chất 'tội phạm'. Trung Quốc dùng đường sắt để đánh đổi các mỏ bạc, nhôm, đồng và than đá của Cưrơgưxtan. Ngoài ra, còn dùng Cưrơgưxtan để làm vùng đệm đảm bảo an ninh của Trung Quốc từ sườn phía Tây”. 

Alexandr Sobyanin còn nhấn mạnh tên gọi chính thức của dự án này. Trong văn bản bằng tiếng Trung, dự án này được gọi là hệ thống đường sắt Trung Quốc-Udơbêkixtan và không có từ ngữ nào đề cập đến việc nối liền hai miền Nam, Bắc Cưrơgưxtan. Vì vậy, trên thực tế nó chỉ được dùng để nối thủ phủ của khu vực tự trị Tân Cương với thành phố Aldizhan của Udơbêkixtan và liên kết với điểm cuối của hệ thống đường sắt Liên Xô cũ tại thành phố này. 

Một vấn đề tối quan trọng nữa là tiêu chuẩn sẽ được áp dụng để xây dựng tuyến đường sắt này. Trung Quốc khẳng định rằng tuyến đường nói trên sẽ được xây theo đúng tiêu chuẩn châu Âu: chiều rộng giữa hai thanh ray là 1.435 mm, trong khi đó tiêu chuẩn đường sắt của Nga và chung cho toàn bộ các quốc gia hậu Xô Viết, Xlôvakia, Phần Lan, Ápganixtan và Iran lại rộng 1.520 mm. 

Theo ông Alexandr Sobyanin: “Hệ thống ray rộng 1.435 mm sẽ làm xấu đi nghiêm trọng tình hình bảo đảm an ninh quốc gia không chỉ ở Trung Á mà còn ở khu vực Siberia, Povolzhie và Uran của Nga. Nếu hệ thống đường sắt theo tiêu chuẩn Trung Quốc này được xây dựng thì chắc chắn sẽ xuất hiện quân nhân, cảnh sát của Trung Quốc để bảo vệ nó. Khi đó, vấn đề không còn là quan hệ Cưrơgưxtan-Trung Quốc nữa mà sẽ là tương lai của chính nước Nga. Bằng hệ thống đường sắt này, quân đội Trung Quốc có thể có mặt tại biên giới Udơbêkixtan chỉ 3-4 tiếng sau khi vượt qua biên giới Cưrơgưxtan. Ngoài ra, Trung Quốc còn hướng đến một mục tiêu sâu xa nữa là kết nối với các dự án đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu qua lãnh thổ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, vòng qua lãnh thổ Nga. 

Chuyên gia về các dự án hạ tầng giao thông Kubatbek Rakhimov đưa ra giải pháp cho tình huống này bằng việc xây dựng một đường sắt thay thế nối Siberia của Nga với thung lũng Fergana của Udơbêkixtan qua lãnh thổ Cadắcxtan. Hệ thống đường sắt này cũng liên kết được hai miền Nam, Bắc Cưrơgưxtan. Khi đó, nền kinh tế của 4 nước có đường sắt chạy qua sẽ có bước hội nhập sâu rộng và tăng được giao thương hàng hóa. Nếu được xây dựng hệ thống đường sắt này sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD và trở thành dự án liên doanh lớn nhất giữa Ngân hàng Ngoại thương Nga, Ngân hàng Phát triển Á-Âu và Ngân hàng Phát triển Cadắcxtan. Tuy nhiên, ngoài các lợi ích kinh tế, các nước liên quan phải cư xử với Nga như một liên minh chính trị và quân sự, không được phản bội, “khôn lỏi” và từ bỏ toan tính quay lưng lại với Nga để đi theo Trung Quốc. 

Nhà nghiên cứu chính trị Cadắcxtan Marat Shibutov cho rằng toan tính của Cưrơgưxtan trong việc xây dựng hệ thống đường sắt với Trung Quốc sẽ gây ra các hậu quả vô cùng nặng nề. Trước tiên là việc Thủ tướng Cưrơgưxtan Omurbek Babanov có thể sẽ từ chức để phản ứng. Thứ hai là nếu Tập đoàn đường sắt Cadắcxtan không tham gia và Ngân hàng nhà nước Cadắcxtan không cấp vốn thì dự án sẽ không thể triển khai. Và điều cuối cùng, quan trọng nhất là xung quanh đường ray Trung Quốc “lạc nhịp” này chính là các vấn đề thống nhất, an ninh quốc gia của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, Liên minh thuế quan và Liên minh kinh tế Á-Âu.

Theo báo Độc lập (Nga)

Thúy Bình (gt)