Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đại lục đã nâng cao được lợi thế quân sự của mình so với Đài Loan. Trong khi Bắc Kinh đã nâng cấp lực lượng vũ trang cả về chất lượng và số lượng, Đài Bắc không có thêm loại vũ khí mới đáng kể nào dù có cố gắng tự sản xuất thiết bị quân sự. Đài Loan không thể hiện đại hoá toàn diện xuất phát phần lớn từ việc khó có thể tìm thấy một nước sẵn sàng mạo hiểm chấp nhận sự giận dữ của Bắc Kinh để bán vũ khí cho Đài Loan.

Chất lượng và số lượng của lực lượng không quân suy giảm là mối lo ngại đặc biệt đối với Đài Loan. Trung Quốc đại lục có hàng nghìn máy bay chiến đấu, trong đó có hơn 300 chiếc dựa trên nền tảng SU-27/30. Trong khi đó Đài Loan chỉ có trên 300 máy bay có thể sẵn sàng tác chiến, nhiều trong số này có các vấn đề lớn về bảo dưỡng. Mức độ phát triển về quân sự tổng thể của Đài Loan bị đặt dấu hỏi khi chưa đến 70% tên lửa bắn trúng mục tiêu trong cuộc diễn tập tên lửa tháng 1/2011.

Không may cho Đài Loan, việc mua thiết bị mới như máy bay tác chiến là một vấn đề khó. Vì các lý do chính trị, nhiều nước không sẵn sàng bán cho Đài Loan các vũ khí then chốt. Ngay cả Mỹ, nước có thể bán thiết bị cho Đài Loan, cũng đã ngần ngại với việc bán các thiết bị như máy bay F-16 Block 50/52 cho Đài Loan, dù Mỹ bán rộng rãi sang các nước như Marốc và Ba Lan.

Những đột phá trong việc mua vũ khí

Kể từ năm 2007, Đài Loan đã đạt được một số tiến bộ trong việc sắp xếp các vụ mua vũ khí, đặc biệt là từ Mỹ. Mặc dù không đủ để thay đổi cán cân sức mạnh quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc lục địa, nhưng những vụ mua vũ khí này đã giúp Đài Loan hiện đại hoá các lực lượng vũ trang của mình. Ví dụ, năm 2008, Đài Loan đã mua số lượng lớn tên lửa chống tàu Harpoon từ Mỹ. Ngày 13/3/2009, tập đoàn Lockheed Martin giành được hợp đồng tân trang 12 máy bay P-3C Orion. Và năm 2010, Mỹ đồng ý bán 6,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, bao gồm cả pin cho tên lửa Patriot, trực thăng UH-60 và các hệ thống chỉ đạo và kiểm soát. Mặc dù Trung Quốc lên án vụ mua bán này nhưng Bắc Kinh sớm mềm giọng vì Mỹ đã không bán bất kỳ loại vũ khí quan trọng nào có thể làm thay đổi cuộc chơi.

Trong thập kỷ qua, Đài Loan đã tìm mua máy bay chiến đấu mới nhằm duy trì bề ngoài không thua kém việc Trung Quốc đại lục tăng cường lực lượng không quân. Quan trọng nhất có thể là thoả thuận đạt được vào tháng 9/2011 khi Mỹ quyết định nâng cấp các máy bay F-16A/B của Đài Loan với hệ thống rađa ASEA mới, Link-16 và trang bị các vũ khí tiên tiến như AIM-9X. Quốc hội Mỹ đã đặt ra mức trần 5,85 tỷ USD cho thương vụ này. Đài Loan đang xem xét thư chấp thuận của Mỹ và quyết định xem nên nâng cấp cái gì. Giá trị của thoả thuận cuối cùng được cho là 3,7 tỷ USD.

Nâng cấp các máy bay F16 không phải là sự lựa chọn đầu tiên của Đài Loan. Từ năm 2006, Đài Loan đã thúc đẩy việc mua 66 máy bay F-16C/D mới, nhưng họ không thể đạt được thương vụ này. Oasinhtơn cho rằng việc tân trang các máy bay F-16 của của Đài Loan ít khả năng phá vỡ mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc hơn.

Vấn đề tài chính

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc mua vũ khí gần đây, Đài Loan vẫn phải đối mặt với một trở ngại lớn trong nỗ lực chi trả cho mua sắm vũ khí.

Từng là "con hổ châu Á" phát triển nhanh, nhưng đầu thập niên 2000, Đài Loan bước vào giai đoạn phát triển kinh tế chậm hơn với GDP chỉ đạt trung bình từ 3 - 5% một năm. Đây là một sự sụt giảm mạnh so với tỷ lệ tăng trưởng cao được duy trì từ thập niên 1980. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu vốn là động lực cho sự phát triển kinh tế của hòn đảo này. Triển vọng kinh tế ảm đảm và thất nghiệp tăng đã buộc Đài Loan phải định hướng lại ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế này, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đang tìm cách duy trì lời hứa tranh cử là giữ ngân sách quốc phòng ở mức 3% GDP. Kể từ khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, ngân sách quốc phòng chưa bao giờ đạt mức 3% - thực tế nó đã giảm từ 2,85% năm 2007 xuống 2,13% vào năm 2012. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phải vật lộn để trả số tiền 13 tỷ USD cho các thiết bị quân sự Mỹ đã giao từ năm 2008. Đài Loan cũng đang thực hiện cơ cấu lại lực lượng và chuyển từ hệ thống nghĩa vụ quân sự sang hệ thống tình nguyện, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Do những sức ép này, Đài Loan sẽ cố gắng để thực hiện cả hai, nâng cấp các máy bay F16 cũ và mua các máy bay F16 mới. Thực vậy, các báo cáo cho thấy Đài Loan có thể trì hoãn việc ký thoả thuận với Chính phủ Mỹ về việc nâng cấp các máy bay F-16 hiện có để hy vọng rằng việc bán các máy bay F-16 sẽ diễn ra. Đài Loan đã giảm số yêu cầu cải tiến trong việc nâng cấp máy bay F-16 A/B, đẩy trị giá của gói này từ 5,85 tỷ USD xuống 3,7 tỷ USD.

Do quy mô của nền kinh tế và dân số của Trung Quốc đại lục, Đài Loan không hy vọng có thể bắt kịp tốc độ phát triển quân sự của Bắc Kinh. Đài Loan chỉ có thể hy vọng duy trì một mức độ phòng thủ tương xứng, điều Đài Loan đã thừa nhận khi ủng hộ chiến lược quân sự "David chống lại gã khổng lồ Goliath", một chiến lược nhấn mạnh chiến tranh không đối xứng. Nhưng nếu không thể tìm thấy các nguồn lực để tài trợ cho các kế hoạch mua vũ khí gần đây, Đài Bắc cũng sẽ khó có thể thực hiện một chiến lược không cân xứng./.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)