Một trong những quy tắc cơ bản của chính sách đối ngoại là khi bạn đã rơi xuống hố, thì không nên tự đào sâu hơn nữa. Tuy nhiên, đánh giá từ những hành động trong thời gian gần đây, quan chức hoạch định chính sách đối ngoại và cơ quan an ninh quốc gia của Bắc Kinh rõ ràng đã vi phạm quy tắc này. Mặc dù Trung Quốc đã và đang phải đón nhận nhiều sự nổi giận từ chức ngoại giao cho lập trường cứng rắn của mình về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong những tháng gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như có vẻ tin rằng họ có thể củng cố thêm cho những yêu sách của nước này dưới hình thức tượng trưng bằng cách cho phát hành một hộ chiếu mới mà trong đó in hình một bản đồ có bao gồm khu vực biển đang tranh chấp ở Biển Đông và các vùng lãnh thổ tranh chấp dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Những phản ứng là có thể dự báo được. Những quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đã phản đối một cách mạnh mẽ. Ấn Độ trả đũa bằng cách báo hiệu sẽ đóng các thị thực (visa) có bản đồ của nước này lên các tấm hộ chiếu của Trung Quốc.

Gần như cũng cùng trong khoảng thời gian có những náo động về ngoại giao xung quanh mẫu thiết kế hộ chiếu mới của Trung Quốc, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã thực hiện thành công lần đầu tiên hoạt động cất và hạ cánh trên tàu sân bay của nước này. Cuộc thử nghiệm trên truyền hình có thể đã góp phần tăng cường hình ảnh và sự tự tin của Quân đội Trung Quốc, nhưng thông điệp mà sự kiện này chuyển đi cho toàn khu vực, với vị thế cứng rắn của Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và sự lo ngại của các nước láng giềng về sự phát triển khả năng quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), lại không mấy khả quan.

Tuy nhiên, đó lại không phải là động thái cuối cùng trong chuỗi các hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây mà có thể sẽ gây tổn thất rất lớn cho Chính phủ mới tại Bắc Kinh. Một vài ngày trước cuộc bầu cử Diet ở Nhật Bản vào 16/12/2012, cuộc bầu cử mà được kỳ vọng sẽ hình thành một chính phủ cách tả có những ác cảm sâu sắc đối với Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc đã có động thái nhằm tăng thêm những thách thức của nước này đối với Nhật Bản trong các yêu sách lãnh thổ tại Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách điều một máy bay hải giám chính thức, mặc dù không có vũ khí, bay qua vùng trời của quần đảo tranh chấp. Đúng như dự đoán, động thái này đã khiến Tokyo nổi giận và từ đó chỉ có thể được mong đợi sẽ tăng cường cơ hội cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và củng cố thêm lòng tin và lời kêu gọi của Đảng này cho những chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Rõ ràng, đây không thể được hiểu là do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chủ đích mong muốn bị “gậy ông đập lưng ông” với những hành động gần đây của mình. Một cách lý giải hợp lý cho vấn đề này là đây đơn giản chỉ là một trường hợp mà trong đó tay trái không biết tay phải đang làm gì. Với sự phân mảnh và quy trình ra quyết định ống khói lò (stove-pipe) trong các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc, sự thiếu phối hợp trong chính sách rõ ràng là một điểm yếu về hệ thống. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn nội bộ không phải là một lý do để bào chữa. Những thiệt hại cho hình ảnh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc là có thật và có thể sẽ kéo dài.

Thách thức đối với ban lãnh đạo mới của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là làm thế nào để kéo Trung Quốc ra khỏi cái hố địa chính trị của chính mình. Vì những bước đi sai làm trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trong ba năm qua, Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt với một môi trường khu vực tồi tệ nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn. Quan hệ của nước này với Nhật Bản đang ở mức thấp kỷ lục; Quan hệ Trung Quốc – ASEAN cũng đã bị tổn hại vì những tranh chấp tại Biển Đông và các hành động của Trung Quốc khi nước này đã mạnh tay sử dụng tầm ảnh hưởng của mình nhằm chia rẽ ASEAN. Quan hệ Trung Quốc – Mỹ đang dần dần chuyển thành một trong những đối địch chiến lược. Kể cả Hàn Quốc, nước đã tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Seoul – Bắc Kinh trong hai thập kỷ qua, cũng đã tạo khoảng cách với Trung Quốc khi nước này ngần ngại và thiếu khả năng trong việc kìm hãm những hành vi hung hăng từ phía Triều Tiên (vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một ví dụ cho điều này).

Thật khó để biết được liệu các cơ quan chính sách ngoại giao của Bắc Kinh có nhìn sự việc dưới cùng một góc độ hay không. Và nếu họ đồng ý với những nhân định này, họ phải hành động thật nhanh chóng để có thể đảo ngược một chiến lược tự thất bại.

Vấn đề cần hành động cấp bách nhất là để ổn định mối quan hệ Bắc Kinh – Tokyo. Những động thái từ phía Bắc Kinh nhằm phản đối yêu sách của Tokyo đối với các hòn đảo tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông chứa đựng đầy những rủi ro mà từ đó có thể làm gia tăng căng thẳng. Mặc dù chúng có thể đã được thiết lập nhằm ép người Nhật Bản vào bàn đàm phán, Chính phủ Trung Quốc cần phải cảnh giác hơn để tránh những leo thang và đối đầu nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, cách thông minh hơn là hành động để tránh leo thang, thậm chí là để hạ nhiệt, và từ đó Bắc Kinh có thể cho Tokyo một cơ hội để trả lời. Với tinh thần chống Trung Quốc cao của phần lớn dân chúng cũng như trong giới tinh hoa của Nhật Bản, mong đợi vào việc Tokyo sẽ đáp lại những leo thang của Trung Quốc bằng một sự nhượng bộ là không hề khôn ngoan.

Rõ ràng, Bắc Kinh có thể sẽ phải đợi kết quả của cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 16/12/2012. Nếu đảng LDP thắng, Chính phủ Trung Quốc sẽ là thông minh nếu họ gửi những tín hiệu hòa giải tới Chính phủ mới của Nhật Bản. Và dĩ nhiên, tuy Shinzo Abe, lãnh đạo đảng LDP, đã đưa ra một đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử, ông ta cũng nên được tao cho cơ hội để thể hiện sự nhạy cảm và chủ nghĩa thực dụng của mình. Trung Quốc sẽ không hề bị tổn thương nếu biểu hiện một vài sự linh hoạt và mong muốn thỏa hiệp ban đầu. Nếu Nhật Bản từ chối một lời đề nghị thân thiện như vậy, Trung Quốc sẽ còn nhiều thời gian để chơi một trò chơi ăn miếng trả miếng.

Song song với những nỗ lực để ổn định hóa các mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, ưu tiên thứ hai trong chính sách của Bắc Kinh nên nhằm để xoa dịu những căng thẳng giữa Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trước hết cần phải nhận ra những lập trường của nước này đối với những tranh chấp trên biển trong khu vực Biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào một góc. Việc bảo vệ những yêu sách về lịch sử đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Việc khăng khăng đòi đàm phán song phương, thay cho các cuộc đàm đa phương, có vẻ chỉ để phục vụ lợi ích bản thân. Việc sử dụng một đại diện như Campuchia nhằm phá hoại sử đoàn kết của ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông có thể đã đạt được những thành công chiến thuật tạm thời, nhưng nó đi kèm với những tổn thất chiến lược lâu dài và cuối cùng sẽ trở thành vô ích.

Một bước đi táo bạo mà Chính phủ mới của Trung Quốc có thể thực hiện là đảo ngược chính sách về các vấn đề trên biển Đông. Nước này có thể làm được điều đó bằng cách tuyên bố nguyện vọng của mình về việc chấp nhận đàm phán trong một cơ chế đa phương và tuân thủ theo luật pháp quốc tế hiện hành, chứ không phải những yêu sách mang tính lịch sử. Sự thay đổi đột ngột về chính sách này không nhất thiết sẽ tạo ra một kết quả hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Do hầu hết các yêu sách của Việt Nam và Philippines cũng đều khá yếu theo luật pháp quốc tế hiện hành, sự thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc không nhất thiết sẽ là củng cố thêm cho các yêu sách của những nước này. Hiệu quả thực tế sẽ là những cuộc đàm phán kéo dài mà từ đó có thể xoa dịu căng thẳng và hồi phục cho hình ảnh “tơi tả” của Trung Quốc như một kẻ bắt nạt.

Việc đặt mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc lên một cơ sở vững chắc hơn và đảo chiều các động thái nguy hiểm trong cạnh tranh chiến lược là khó khăn hơn và nó đòi hỏi những biện pháp mà ông Tập Cận Bình có thể chưa thể thực hiện ngay lập tức. Những yếu tố đã đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một sự đối đầu chiến lược là không khó để nhận ra: sự mất lòng tin lẫn nhau, sự thay đổi về tương quan cân bằng lực lượng, sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, và sự thiếu minh bạch trong hệ thống chính trị nội bộ Trung Quốc. Để xử lý tất cả các vấn đề này là một điều bất khả thi, và một vài vấn đề trong số đó hoàn toàn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ nhận ra rằng chìa khóa gần nhất để cải thiện mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ không nằm trong những chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, mà nằm trong những chính sách của nước này đối với các nước láng giềng. Chính những lo ngại mà Trung Quốc đã làm nổi lên trong các nước láng giềng của mình đã trao cho Mỹ đòn bẩy chiến lược để đối phó với Trung Quốc và nhìn Trung Quốc dưới những lăng kính tối hơn.Vì vậy, việc Trung Quốc thành công trong công cuộc trấn an các nước láng giềng và Mỹ, bằng những thay đổi chính sách thực sự chứ không phải chỉ bằng lời nói, sẽ giúp kéo Bắc Kinh ra khỏi cái lỗ địa chính trị hiện thời của nước này.

Minxin Pei là Giáo sư về chính quyền tại Đại học Claremont McKenna và là thành viên cấp cao không thường trực của Quỹ German Marshall, Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên The Diplomat (ngày 15/12).

Người dịch: Tuấn Việt

Hiệu đính: Minh Ngọc