South-China-Sea-008(1).jpg

Gần đây, tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý của thực thể Trung Quốc chiếm đóng để thực hiện chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải. Tàu khu trục Trung Quốc đã áp sát USS Decatur, hành động bị giới chức Hải quân Mỹ cho là “thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Trao đổi với hãng tin Reuters hôm 30/9, một ngày sau khi Trung Quốc hủy cuộc đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng với Mỹ - cuộc họp cấp cao thứ hai bị hủy chỉ trong 1 tuần - một quan chức tại Washington nói: “Căng thẳng đang leo thang và có thể gây nguy hiểm cho cả hai phía”.

Vụ va chạm giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc diễn ra gần quần đảo Trường Sa, cực Nam Biển Đông. Trong khi đó, ở phía Bắc, tại Bãi cạn Scarborough, Mỹ, Philippines, và Trung Quốc cũng đang trong tình trạng căng thẳng và những tranh cãi âm ỉ giữa họ có thể nhanh chóng leo thang nghiêm trọng.

Philippines nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scaborough sau khi giành độc lập vào năm 1946. Tới năm 2012, sau một vụ đối đầu với Philippines, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này và ngăn các ngư dân Philippines tiến vào đầm pá phía trong. Việc Trung Quốc kiểm soát Bãi cạn Scaborough, chỉ cách đảo Luzon của Philippines 130 dặm (hơn 200 km) và cách đảo Hải Nam 400 dặm (gần 650 km), là mối lo ngại thường trực của cả Manila và Washington.

Theo Bryan Clark, nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, với khoảng cách gần với đảo Luzon, “nếu Trung Quốc thiết lập hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa đất đối đất tại đây (Bãi cạn Scaborough) như họ đã làm ở nhiều hòn đảo khác tại Biển Đông, họ hoàn toàn có thể tấn công Philippines”. Cựu sỹ quan Hải quân Mỹ này cho rằng đây sẽ là cản trở lớn đối với nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Bãi cạn Scaborough của Philippines.

Hơn thế nữa, sự hiện diện về mặt quân sự tại Bãi cạn Scaborough còn cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông. Bãi cạn này sẽ trở thành một góc trong tam giác quyền lực với 2 đỉnh còn lại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, những nơi Trung Quốc đều đã thiết lập các tiền đồn quân sự. Ông Clark cho rằng Trung Quốc có thể dùng các khí tài quân sự trên đất liên để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như họ đã làm ở Biển Hoa Đông vào năm 2013, song rìa phía Đông của Biển Đông lại nằm ngoài phạm vi các khí tài này. Ông nói: “Vì vậy, Trung Quốc sẽ xây dựng hạ tầng tại Bãi cạn Scaborough và đặt hệ thống rađa tại đây để thiết lập một ADIZ, từ đó củng cố hơn tuyên bố rằng họ có quyền kiểm soát và giám sát toàn bộ Biển Đông”.

Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lại cho rằng với khoảng cách khá gần từ Bãi cạn Scaborough tới các căn cứ quân sự tại Philippines cũng như thủ đô Manila hay Đài Loan, sự hiện diện về mặt quân sự tại đây sẽ giúp ích rất nhiều cho các hoạt động thu thập thông tin tình báo và giám sát hàng hải của Trung Quốc. Ông nói: “Bên cạnh các mục tiêu quân sự... Trung Quốc có lợi ích chính trị khi thiết lập quyền kiểm soát cả vùng trời và vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn, cả trong thời bình và thời chiến”.

Năm 2012, Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài, và phán quyết được tuyên vào tháng 7/2016 phủ nhận các tuyên bố và yêu sách về chủ quyền, cũng như quyền lịch sử của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm quyền của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này, bao gồm cả khu vực Bãi cạn Scaborough. Trước khi phán quyết được Tòa Trọng tài tuyên bố, Mỹ phát hiện rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho các hoạt động cải tạo trong khu vực, và Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình về những hậu quả có thể xảy ra nếu nước này tiếp tục tham vọng của mình. Lầu Năm Góc đã gia tăng các hoạt động trong khu vực để răn đe Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines sau phán quyết đã hạ nhiệt. Tổng thống Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền vào tháng 7/2016, theo đuổi chính sách hòa giải trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, vào tháng 2/2017, Manila cho biết Trung Quốc đang tìm cách xây dựng tại bãi cạn này, hành động mà Philippines cho là “không thể chấp nhận được”. Một tháng sau, giới chức Trung Quốc vội vã tìm cách phủ nhận những bình luận của một quan chức về hoạt động xây dựng ở Bãi cạn Scaborough, làm dấy lên nhiều câu hỏi về kế hoạch của Bắc Kinh.

Gần đây, giới chức Philippines đã cảnh báo Trung Quốc về những giới hạn ở Scarborough. Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano phát biểu hồi tháng 5/2018: "Giới hạn đỏ của chúng tôi là họ không thể xây dựng ở Scaborough”. Theo nhà ngoại giao này, hai giới hạn đỏ khác mà Manila đặt ra là những hành vi của Trung Quốc nhằm vào lực lượng quân đội Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) ở quần đảo Trường Sa và các hành vi đơn phương khai thác khoáng sản trong khu vực. Ông cho biết Trung Quốc đã nắm được lập trường của Philippines và thực tế Bắc Kinh cũng có những “giới hạn đỏ” trong khu vực.

Tháng 7 vừa qua, quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng Manila cần yêu cầu Mỹ coi Scarborough là khu vục “giới hạn đỏ chính thức”, thừa nhận đây là lãnh thổ hợp pháp của Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung, với điều kiện ràng buộc là phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Nhà nghiên cứu Poling bình luận: “Có tin cho rằng đích thân Tổng thống Duterte từng nói rằng việc Trung Quốc xây dựng một hạ tầng kiên cố ở Bãi cạn Scaborough sẽ bị xem là vượt qua giới hạn đỏ của Philippines”. Theo ông, “lựa chọn thực tế duy nhất” mà Philippines có để ngăn Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu này là tận dụng hiệp ước quốc phòng với Mỹ. Ông cho rằng không rõ những điều khoản của hiệp ước có thể được áp dụng với Bãi cạn Scaborough hay không, song “hiệp ước rõ ràng có hiệu lực trong trường hợp lực lượng vũ trang hay tàu của Philippines bị tấn công ở bất cứ đâu tại Thái Bình Dương. Vì vậy Manila có thể đưa tàu Hải quân hoặc của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển tới đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Scarborough … và sau đó đề nghị Mỹ can thiệp nếu Trung Quốc dùng vũ lực”. Ông cho rằng điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước.

Cuối tháng 8/2018, cựu sỹ quan Hải quân Mỹ Clark từng nhận định rằng dù Trung Quốc đã kiềm chế các kế hoạch xây dựng tại Bãi cạn, “song họ vẫn duy trì tàu quanh khu vực và chờ thời cơ… Tôi cũng không ngạc nhiên nếu Trung Quốc tái khởi động dự án này vào năm tới… để thăm dò phản ứng của Mỹ và xem xem liệu Washington đã từ bỏ (những đe dọa) hay chưa”. Diễn biến này chắc chắn sẽ buộc Mỹ và Philippines phải hành động. Ông Clark nói: “Nếu Trung Quốc có thể bắt đầu xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại đây và lắp đặt các hệ thống vũ khí trên đó mà không vấp phải sự phản đối của Philippines … thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Trung Quốc sẽ càng phấn khích với tuyên bố rằng Biển Đông là thuộc về họ”.

Theo “Business insider

Vũ Hiền (gt)