Sau một nỗ lực thất bại kéo dài nhiều tháng phục hồi các kênh ngoại giao với ban lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tăng sức ép trong cuộc xung đột về lãnh thổ gay gắt giữa hai nước bằng việc so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã.

Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà phân tích, những người mong đợi Manila năm nay tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ song phương căng thẳng với Bắc Kinh, Aquino đã lập luận trong một cuộc phỏng vấn vào tháng này dành riêng cho tờ “The New York Times” rằng thái độ quyết đoán về lãnh thổ ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sánh được với việc Hitler thôn tính Sudetenland thuộc Czechoslovakia vào năm 1938.

Aquino đã tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế lớn hơn, đặc biệt là từ Mỹ, cho những tuyên bố chủ quyền của nước ông ở những lãnh hải tranh chấp, một tranh chấp mà nước này đã đưa ra trước tòa án trọng tài quốc tế ở Hague. Aquino đã cảnh báo trong cuộc phỏng vấn rằng việc nhân nhượng Bắc Kinh về vấn đề này rốt cuộc có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Aquino phát biểu: “Vào lúc nào thì bạn nói: ‘không cần nói thêm nữa?’ Nào, thế giới cần phải nói điều đó”, khuyến khích các đồng minh của Phillipines có sự ủng hộ mang tính chiến lược tích cực hơn. Ông nói: “Hãy nhớ rằng Sudetenland bị giao nộp trong một nỗ lực xoa dịu Hitler để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới thứ Hai”.

Cuộc phỏng vấn Aquino diễn ra ngay sau khi có những bình luận mang tính chỉ trích tương tự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào giữa tháng 1. Abe, người đã có một đường hướng hiếu chiến hơn đối với Trung Quốc hơn so với những người tiền nhiệm, đã so sánh mối quan hệ Trung-Nhật hiện nay với thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất và đã cảnh báo về mối đe dọa của Trung Quốc đối với hòa bình và sự ổn định toàn cầu.

Trung Quốc đã bất ngờ phản bác những lời bình luận của Abe và đã phản ứng lại tương tự sự so sánh đầy khiêu khích của ông Aquino. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đã đưa ra một lời bình luận miêu tả Aquino là một nhà lãnh đạo “nghiệp dư” “chưa bao giờ là một ứng cử viên lớn cho địa vị là một chính khách khôn ngoan ở khu vực”.

Những lời nói châm chọc về mặt ngoại giao này đã làm mờ mịt thêm những triển vọng cho một giải pháp trong thời gian gần cho các tranh chấp Biển Đông, làm xói mòn những nỗ lực trước đó thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đa phương có ràng buộc và làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở khu vực này trong những tháng tới.

Báo động đỏ

Cái gọi là những kế hoạch của Trung Quốc nhằm áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới đối với Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đó. Tháng 11/2013, Trung Quốc đã áp đặt một ADIZ ở Biển Hoa Đông, lập luận rằng hành động này phù hợp với những thông lệ quốc tế đã được thiết lập nhằm bảo vệ không gian chủ quyền của các nước.

Những người chỉ trích miêu tả hành động này là “hợp pháp nửa vời”, khi nó bao gồm những khu vực lãnh thổ tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Mỹ và các đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng bác bỏ hành động này và thách thức khả năng của Trung Quốc thực thi biện pháp này bằng cách phái đến những máy bay chiến đấu và tổ chức diễn tập quân sự ở khu vực này.

Các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines và Việt Nam, bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể áp đặt một biện pháp tương tự đối với Biển Đông, nói rằng họ thiếu các khả năng quân sự độc lập để thách thức Trung Quốc.

Vào đầu tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo chống Trung Quốc áp đặt một ADIZ ở Biển Đông, nói rằng nước này sẽ tạo ra một “hành động khiêu khích và đơn phương”.

Những cảnh báo của Washington xuất phát từ nguồn gốc một bài báo đăng trên tờ nhật báo của Nhật Bản Asahi Simbun, đã quả quyết giới chức quân sự Trung Quốc đang thúc đẩy việc thực thi một ADIZ ở Biển Đông.

Đại tá Hải quân Mỹ James Fanell, giám đốc chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo và thông tin tại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, những tuần sau đó đã dự đoán tại Hội nghị Viện Hải quân Mỹ gần đây rằng Trung Quốc sẽ áp đặt một ADIZ mới ở Biển Đông gần đây nhất là vào năm 2015.

Không lâu sau, vào giữa tháng 2, bất chấp những phủ nhận tuyệt đối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại tá Lý Kiệt, một nhà nghiên cứu nổi bật tại Học viện Quân sự thuộc Hải quân Trung Quốc, đã nói với Reuters rằng việc áp đặt một ADIZ ở Biển Đông “là cần thiết đối với lợi ích quốc gia Trung Quốc trong dài hạn”.

Những khu vực bị hạn chế

Việc Trung Quốc đưa ra một quy định lãnh hải mới do tỉnh Hải Nam ở miền Nam nước này quản lý mà áp đặt những giới hạn mới về việc cho phép các tàu đánh bắt cá nước ngoài đi vào các lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đã gây ra hồi chuông báo động trong số các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở khu vực này.

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Emmanuel Bautista, đã nói với các phóng viên vào ngày 24/2 rằng trong khi thực thi biện pháp mới này, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng vào ngày 27/1 để đẩy các ngư dân Philippines ra khỏi các lãnh hải tranh chấp xung quanh Bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough.

Với cái nhìn hướng tới những cuộc diễn tập quân sự mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia về hàng hải từ Philippines, Malaysia và Việt Nam đã nhóm họp ở Manila vào giữa tháng 2 để thảo luận về những con đường tiềm năng sự hợp tác và ngăn chặn xung đột ở các khu vực tranh chấp.

Các đại diện từ 3 nước nói trên đã đồng ý nhóm họp lần nữa vào tháng 3 ở Malaysia nhằm phối hợp hơn nữa những nỗ lực của họ, với hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều các cuộc trao đổi cấp cao về việc xây dựng một quan điểm chung của Đông Nam Á đối với các tranh chấp này.

Với những sự không chắc chắn còn sót lại về những triển vọng có được một Bộ Quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền đang bắt đầu tự thân vận động bằng cách theo đuổi gấp gáp hơn nữa các cơ chế ngăn chặn xung đột có tính hợp tác.

Chẳng hạn, vào cuối tháng 3, Philippines được mong đợi sẽ tiếp tục thách thức những yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc được vạch ra trong cái gọi là học thuyết “đường 9 đoạn” của nước này thông qua vụ kiện đang được xét xử tại Hague.

Trung Quốc trước sau như một phủ nhận phán quyết trọng tài bên thứ ba về những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và kịch liệt chỉ trích Philippines vì “quốc tế hóa” những gì Bắc Kinh luôn cho là vấn đề chỉ đơn thuần mang tính song phương.

Philippines hy vọng rằng Việt Nam và Nhật Bản sẽ theo sau sự đi đầu về pháp lý của mình bằng việc theo đuổi các vụ kiện đưa ra tòa án trọng tài quốc tế xét xử về các tranh chấp lãnh thổ của riêng họ với Trung Quốc.

Các quan chức Philippines hăng hái chia sẻ sự hiểu biết về pháp lý của họ về những tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng, và tin rằng Trung Quốc sẽ tuân theo sự thỏa hiệp hơn nếu có một thách thức về pháp lý được phối hợp rộng khắp khu vực đối với học thuyết đường 9 đoạn – 9 đoạn là những gì Trung Quốc vẽ trên bản đồ của mình như là vùng lãnh thổ ngoài khơi được yêu sách chủ quyền của họ.

Tuy nhiên, có những quan ngại ngày càng tăng ở Manila rằng nếu các nước châu Á khác không sớm tham gia cách tiếp cận mang tính pháp lý của Philippines với các tranh chấp, thì Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn gạt bỏ bất cứ phán quyết cuối cùng nào về vụ kiện tụng nhờ trọng tài phân xử đã được Tòa án Công lý Quốc tế công bố ở Hague.

Ủng hộ vụ kiện của Manila, Mỹ đã bắt đầu chỉ trích công khai hơn đường hướng của Trung Quốc đối với các tranh chấp Biển Đông. Những tuyên bố mang tính khiêu khích của Aquino chống lại Trung Quốc đã được Washington nhắc lại bằng thứ ngôn ngữ mang tính ngoại giao hơn, với việc các quan chức cấp cao Mỹ có bước đi chưa từng thấy là trực tiếp nghi ngờ học thuyết đường 9 đoạn và những mục tiêu chiến lược dài hạn ở khu vực của Bắc Kinh.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chịu trách nhiệm về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Danny Russel, vào ngày 5/2 đã nói trước Quốc hội Mỹ: “Bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc về các quyền trên biển không dựa trên những đường vẽ lãnh thổ đã được tuyên bố chủ quyền đều sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Nêu ra việc Bắc Kinh áp đặt những hạn chế tiếp cận Bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough đang tranh chấp, gây áp lực cho sự hiện diện từ lâu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây và những quy định đánh bắt cá mới ở Hải Nam, ông nói: “Trung Quốc có thể làm nổi bật sự tôn trọng của mình đối với luật pháp quốc tế bằng cách làm sáng tỏ hay điều chỉnh yêu sách của họ để khiến nó phù hợp với Luật Biển quốc tế”.

Trước đây, Washington đã từ chối đưa ra bất cứ quan điểm trực tiếp nào về những tranh chấp này, thay vào đó thể hiện bản thân mình như là bên tham gia bên ngoài trung lập. Đồng thời, Washington nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần của lợi ích quốc gia của mình.

Trong chuyến thăm Philippines vào giữa tháng 2, Chỉ huy Các chiến dịch hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, đã làm tăng thêm những hy vọng của Manila về sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ trong trường hợp có xung đột vũ trang với Trung Quốc ở Biển Đông. Greenert nói, đề cập đến Hiệp ước phòng thủ chung 1951 giữa hai bên: “Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ giúp các ngài. Tôi không biết cụ thể sẽ giúp đỡ như thế nào. Ý tôi là chúng tôi có nghĩa vụ bởi vì chúng ta có một hiệp ước”. Đã xuất hiện những câu hỏi về liệu Mỹ có nghĩa vụ phải phản ứng hay không trong bối cảnh có một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ đang tranh chấp của Philippines.

Những nghĩa vụ phòng thủ chung của Mỹ sẽ có thể được chính thức hóa bằng việc hoàn tất một hiệp ước phòng thủ song phương mới, mà phụ thuộc vào những điều khoản cuối cùng của thỏa thuận, có thể hỗ trợ đáng kể các khả năng răn đe tối thiểu của Philippines đối với Trung Quốc.

Cụ thể, Philippines có thể được lợi từ việc bố trí nhiều vũ khí tinh vi hơn của Mỹ trên bờ biển nước này như một phần trong sự hiện diện quân sự luân phiên lớn hơn của Mỹ. Thỏa thuận này cũng sẽ tạo cơ hội cho các cuộc diễn tập quân sự chung nhiều hơn và một hợp đồng tiềm năng cho phép quân đội Philippines thuê vũ khí hạng nặng tiên tiến của Mỹ.

Chuyến thăm đã lên kế hoạch từ trước của Obama đến Philippines vào cuối tháng 4 tới được mong đợi diễn ra đồng thời với việc ký kết chính thức thỏa thuận quân sự mới này. Aquino đã nói với hãng tin Bloomberg vào cuối tháng 2: “Tôi không thấy các điểm bế tắc lớn, vì vậy tôi cho rằng chúng tôi đang tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận quân sự mới. Tôi sẽ không nói rằng chúng tôi chỉ còn một ngày nữa là đến ngày ký kết, nhưng chúng tôi đang ở rất gần ngày đó”.

Với chuyến thăm sắp tới của Obama đến khu vực rộng lớn hơn, có cảm giác rằng cái được gọi là “sự xoay trục” sang châu Á của Mỹ cuối cùng đang bắt đầu định hình. Nó mang mục đích đã được tuyên bố là cho tới năm 2020 sẽ có được 60% tài sản hải quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Philippines sẵn sàng là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất của sự thay đổi chiến lược này.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ thể hiện thành những vùng biển tĩnh lặng hơn hay xáo động hơn ở Biển Đông hay không. Nhưng những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ tất yếu sẽ bị Trung Quốc xem là một mối đe dọa và có thể thúc đẩy một phản ứng lại nhấn mạnh thêm những yêu sách lãnh thổ của nước này và cho thấy sự chống lại một liên minh khu vực đang nổi lên nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo Asia Times Online

Văn Cường (gt)