Ngày 31/5, Bộ Ngoại Giao Philíppin nói rằng một tàu giám hải và một số tàu hải quân của Trung Quốc đã dỡ các vật liệu xuống và dựng lên một số chưa rõ tổng cộng là bao nhiêu cột thép với những dấu hiệu viết bằng tiếng Hoa và đặt một chiếc phao gần Iroguois hay Amy Douglas Bank. Ngày 1/6, Bộ ngoại Giao Philíppin đã triệu tập Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Manila để yêu cầu làm rõ những sự việc nói trên. Chính phủ Philíppin cho biết họ đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về các tin tức nói trên. Đồng thời, Philíppin cũng phản đối kế họach thiết lập giàn khoan dầu của Trung Quốc ở khu vực bên trong khu vực 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế của Philíppin. Bộ Ngoại Giao Philíppin còn yêu cầu Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Manila cung cấp chi tiết về những thông tin đăng trên báo chí Trung Quốc liên quan đến dự án đặt giàn khoan dầu khổng lồ trên Biển Đông vào tháng 7/2011 và báo trước là sẽ không chấp nhận việc đặt giàn khoan này trong vùng lãnh hải Philíppin.

Bộ Ngoại Giao nước này còn cho biết quân đội Philíppin hiện đang theo dõi các hành động này diễn ra cách đảo Palawan của Philíppin 230 km về hướng tây. Manila nói rằng địa điểm này hoàn toàn nằm trong đường kính 370 km của đặc khu kinh tế hoàn toàn thuộc về Philíppin. Manila nói hành động này rõ ràng vi phạm thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á về cách ứng xử ở Biển Đông.

Người phát ngôn quân đội Philíppin, Mike Rodriguez, nói rằng các ngư dân Philíppin trông thấy những cái phao ấy hồi tuần trước và đã giao những vật ấy cho hải quân Philíppin. Rodriguez nói: “Chúng tôi chưa xác định được nguồn gốc của các dấu mốc liên hệ, nhưng trên đó có viết tiếng Trung Quốc. Tuy vậy, trong bối cảnh bất cứ món gì hiện nay cũng do Trung Quốc sản xuất, thì các phao ấy có thể của bất cứ ai”.

Trong khi đó, tại Jakarta, ngày 31/5, Hội thảo “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông”, qui tụ nhiều học giả chuyên gia đến từ nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Philíppin, Việt Nam, Australia. Hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Indonesia kết thúc và đã ra bản Tuyên bố Jakarta, trong đó nêu rõ việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông là nguy hiểm, Biển Đông là vấn đề đa phương. Tuyên bố Jakarta khẳng định việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh hải với đường 9 đoạn trên bản đồ gọi là đường lưỡi bò chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Theo VnExpress, các đại biểu dự hội thảo đồng thuận là duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực, vì lợi ích chung của các nước ven biển và các nước liên quan. Các đại biểu nhất trí Biển Đông là vấn đề đa phương, từ việc duy trì hòa bình ổn định cho đến đảm bảo tự do đi lại trên biển và triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 10/2002.

ĐA (gt)