Trước hết chúng ta nói tới Trung Đông: Hãy nhớ lại rằng kể từ năm 2010, những căng thẳng ở Trung Đông không ngừng gia tăng, và phạm vi hành động của Trung Quốc đã bị thu hẹp, trong khi các nước phương Tây chỉ trích Damascus và Tehran. Vào tháng 10/2011 và tháng 2/2012, Bắc Kinh và Moskva đã lần lượt phản đối hành động can thiệp quân sự của Liên đoàn Arập tại Syria.

Trước tiên, dù nhận được sự ủng hộ của Pháp nhân danh đạo lý quốc tế – lên án việc Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính những người dân của ông, chiến tranh rốt cuộc đã không xảy ra do không được sự cho phép của Quốc hội Mỹ. Do không có sự tham gia của Lầu Năm Góc, nên thiếu các phương tiện hiện đại để tiếp tế và kiểm soát các chiến dịch trên không. Paris – sau những bước tiến thiếu thận trọng – đã phải bỏ cuộc.

Nhưng Trung Quốc và Nga đã bị chỉ trích, bị cáo buộc là có thái độ vô liêm sỉ trước một thảm họa nhân đạo xuất phát từ hành động sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì thái độ mập mờ của nước này đối với vấn đề Iran.

Đúng là sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trước cửa ngõ của họ hồi năm 2006, Trung Quốc cuối cùng đã chấp nhận ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Tehran vào các năm 2006, 2007, 2008, 2010, song không vì thế mà họ không tiếp tục, dù bị chỉ trích, mua khí đốt và dầu mỏ của Iran (luôn chiếm từ 8% đến 10% lượng nhập khẩu của Trung Quốc). Nhưng giờ đây, sau các sáng kiến của Mỹ, bối cảnh đã thay đổi.

Giáo sư Thomas Flichy, thuộc Học viện quân sự Pháp Saint Cyr, đã giải thích trên tạp chí “La lettre de Léosthène” ngày 8/4/2015 rằng cả Tehran lẫn Bắc Kinh – từng bị buộc tội đe dọa cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân – luôn là mục tiêu theo dõi của Nhà Trắng.

Sau khi thay thế thái độ đối đầu bằng một chiến lược “giải giáp các nước đối thủ của Mỹ bằng cách kéo họ vào một mạng lưới hợp tác”, Obama đã giảm bớt lập trường cứng rắn của ông về vấn đề Iran.

Với sáng kiến này, Obama đã cố gắng hạn chế phạm vi hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Âu-Á, nơi Tehran chiếm một vị trí trung tâm. Dù sao thì triển vọng ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông đã lại hé mở, bởi vì từ nay quan điểm của Bắc Kinh đã thắng thế, đó là “tìm kiếm một giải pháp toàn diện đáp ứng các lợi ích của cộng đồng quốc tế, kể cả các lợi ích của Iran”; hay như Tân Hoa Xã đã nhấn mạnh đó là “thay đổi nội dung của các cuộc đàm phán”.

Giống như vấn đề Syria – vốn bị che khuất trước tình hình hỗn loạn ở Libya và những hành động tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cộng đồng quốc tế đã trì hoãn các kế hoạch tấn công nhằm vào Bashar al-Assad, sự tương phản với tình hình trước năm 2011 thật rõ rệt, và phạm vi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên đáng kể.

Chủ nghĩa cơ hội của Bắc Kinh với Islamabad và Tehran khiến Washington lo ngại 

Tiếp theo sau thỏa thuận với Tehran, người ta hiểu rằng bằng việc phát triển chiến lược “các con đường tơ lụa mới” – lần này trên đất liền – và không cần để ý đến các giai đoạn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran, Trung Quốc và Pakistan đã đàm phán về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài hơn 2500 km – dự án bị kéo dài ít ra là từ đầu thế kỷ này do Mỹ ngăn cản. Đường ống dẫn khí này sẽ nối cảng Assayuleh của Iran, cách thành phố Shiraz 250 km về phía Nam, đối diện Qatar, với Nawabshah ở Pakistan, cách thành phố Karachi 200 km về phía Bắc.

Đường ống dẫn khí mang tên “đường ống hòa bình” sẽ đi qua cảng Gwadar – do Trung Quốc quản lý từ năm 2012 sau khi cảng Singapore (PSA International) phải bỏ cuộc – đã gây khó chịu cho Washington vì Mỹ muốn kiểm soát việc mở cửa chiến lược của Iran và có thể thiết lập lại các lệnh trừng phạt nếu Tehran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận đã ký với nhóm nước P5+1. Nhưng phải đối đầu với Tehran và Islamabad, hai đồng minh chắc chắn của Trung Quốc, Nhà Trắng rất có thể tự làm khó mình vì trong khu vực, Ấn Độ cũng nằm trong danh sách các nước quan tâm tới khí đốt của Iran.

Bất chấp việc Washington đe dọa trừng phạt Pakistan, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan, Shahid Khaqan Abbasi, khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, đã khẳng định rằng dự án đang được thực hiện. Giai đoạn đầu, do một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng, sẽ được giới hạn ở Pakistan, từ Gwadar tới Nawabshah (700 km) với chi phí ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó 85% là tiền vay của Trung Quốc. Một công ty Pakistan sẽ xây dựng 80 km còn lại cho tới biên giới giáp Iran. Còn việc kết nối với cảng Assayuleh của Iran là nội dung của cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với người đồng cấp Pakistan trong chuyến thăm chính thức Islamabad mới đây.

Đòn bẩy tài chính hiệu quả của AIIB

Ở châu Á-Thái Bình Dương, sự thành công của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng đã mở ra những triển vọng mới, đồng thời cũng là cú ngáng chân với Washington – nước đã phản đối AIIB một cách thiếu thận trọng.

Các diễn biến gần đây nhất cho thấy những hy vọng và sức mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc chính là việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Đài Loan bày tỏ sự quan tâm đối với AIIB, còn Iran và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) mới đây đã được chấp nhận là các thành viên sáng lập. 

Tokyo quan tâm nhưng thận trọng

Tokyo mới đây đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với AIIB, một dấu hiệu không thể phủ nhận cho thấy họ muốn khắc phục những nguy cơ xung đột về chủ quyền, khi mà Mỹ và Canada vẫn đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, đó chỉ là một dấu hiệu xoa dịu khi xét tới những căng thẳng chồng chất từ năm 2010 giữa Nhật Bản và Trung Quốc mà còn lâu mới được giải quyết, trong khi đó việc Nhật Bản tham gia AIIB là chủ đề của các cuộc đàm phán với Washington nhân cuộc gặp cấp cao giữa Shinzo Abe và Obama vào ngày 28/4.

Mặt khác, ngày 11/4, một bài báo của Tân Hoa Xã đã tỏ thái độ hoài nghi, ba ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo từ Tokyo về những nguy cơ chệch hướng quân sự do những tranh chấp trên Biển Đông.

Đặc biệt Carter đã ủng hộ việc tăng cường trách nhiệm của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhằm nới lỏng sự ràng buộc của bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Theo Carter, “phạm vi hoạt động của Nhật Bản và của đồng minh đã rộng lớn hơn, góp phần đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực”. Đúng là sự thay đổi chiến lược của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc lo ngại, song thực ra kể từ Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014, giọng điệu giữa hai đối thủ lớn ở Đông Bắc Á đã thay đổi.

Một dấu hiệu lặng sóng khác liên quan tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội – đã dịu đi giữa những dấu hiệu trái ngược nhau, trong đó phải kể đến việc Việt Nam quan tâm tới việc xích lại gần Tokyo và Washington.

Ván bài nước đôi của Hà Nội và sự lúng túng của Washington

Tháng 3/2014, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới Tokyo, được Shinzo Abe và giới quân sự Nhật Bản đón chào. Đến tháng 3/2015, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tới thăm Mỹ. Trong các sự kiện, Bắc Kinh đã tỏ ra nhanh tay hơn Washington. Thực vậy, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tiếp đón tại Trung Quốc nhân vật số 1 Việt Nam, người mà Chính phủ Mỹ mong muốn tiếp đón trong những tháng tới.

Đằng sau những sự ngờ vực 

Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong khi từ Jamaica, bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama, ngày 9/4 Obama đã nhắc lại những lo ngại của Nhà Trắng trước các sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “lợi dụng tầm vóc và sức mạnh quân sự của mình để quấy đảo các nước láng giềng nhỏ.”

Một sự cáo buộc mà chắc chắn Hà Nội đã hiểu rõ, nhưng đáp lại lời cáo buộc đó người phát ngôn của Trung Quốc đã lưu ý rằng những sức ép quân sự trên toàn thế giới mang dấu ấn của Mỹ nhiều hơn là của Trung Quốc. 

Sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh hồi trung tuần tháng 4 là thành công đầu tiên và rất có ý nghĩa sau một loạt những thủ đoạn của Trung Quốc để xoa dịu Hà Nội, kể cả chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10/2014 của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Washington và là cựu Ngoại trưởng Trung Quốc.

Mang dấu hiệu của mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản, chuyến thăm nói trên đã được Bộ Chính trị Trung Quốc cố ý đặt trong khuôn khổ của cuộc cạnh tranh với Washington mà Tân Hoa Xã đã thẳng thắn đề cập tới, điều này cho thấy sự lo lắng vốn ít được thể hiện ra bên ngoài của Trung Quốc.

Thông cáo của Tân Hoa Xã đã nhấn mạnh sự tương phản giữa các mối quan hệ song phương Việt-Trung trước đây và yếu tố mới lạ trong quan hệ với Washington. Các mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh từng lâu bền và vững chắc, dựa trên sự gần gũi về địa lý, sự bổ sung cho nhau về kinh tế, những tương đồng về văn hóa và ý thức hệ. Cũng theo Tân Hoa Xã, trong bối cảnh này, sẽ là ngây thơ nếu tin rằng một quan hệ đối tác đã ăn sâu bén rễ trong lịch sử như vậy có thể bị đe dọa bởi những tranh cãi trên Biển Đông. Rồi ám chỉ Washington: “Không một quốc gia nào có thể gây rạn nứt giữa chúng ta”. 

AIIB và “Con đường tơ lụa trên biển”

Theo tạp chí Nikei Asian Review, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã hứa hẹn cùng nhau hợp tác trong dự án “Con đường tơ lụa trên biển” – nằm giữa bờ biển phía Đông của Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, đi qua Ấn Độ Dương, con đường mà Bắc Kinh đã xây dựng một cách có phương pháp từ nhiều năm qua.

Trên trục này, Bắc Kinh xem Việt Nam như một cột mốc quan trọng dọc tuyến đường lưu thông hậu cần có tầm quan trọng hàng đầu. Nhưng Hà Nội, cảnh giác với những yêu sách quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, cho tới nay vẫn thận trọng đứng xa dự án này. Do vậy, cả hai bên đã hứa hẹn từ nay sẽ giải quyết các tranh chấp giữa họ bằng con đường thương lượng, tránh những hành động chệch hướng quân sự, và cuối cùng, cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực mà Hà Nội đã chuẩn bị ngay từ mùa Thu 2014 khi trở thành thành viên sáng lập của AIIB.

Washington, đã cam kết một cách đáng kể với Hà Nội đến mức tổ chức các cuộc diễn tập chung trên Biển Đông, giờ đây theo dõi tình hình với sự bối rối.

Lầu Năm Góc cũng vui mừng vì trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, tàu khu trục trang bị tên lửa USS Fitzgerald đã đỗ tại Đà Nẵng – lần đầu tiên được hộ tống bởi tàu Fort Worth trọng tải 3.500 tấn, vừa là tàu sân bay trực thăng vừa là tàu đổ bộ mang theo các tàu tuần tra nhanh trên boong. Chi tiết thú vị là phó chỉ huy của đội tàu này là một người Mỹ gốc Việt, Lê Bá Hùng. Sau khi cùng gia đình và cha ông (vốn là một sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam) rời khỏi Việt Nam vào năm 1975 trên một chiếc tàu đánh cá, năm 2009 ông trở lại Đà Nẵng với tư cách là chỉ huy tàu khu trục trang bị tên lửa USS Lassen.

Những thỏa thuận ngầm mơ hồ 

Ở châu Á, vẻ bề ngoài đôi khi đánh lừa mọi người. Năm 2014, Hà Nội chắc chắn đã tạo ra một sức ép cộng đồng rất lớn đối với Bắc Kinh. Mục đích là vạch cho Bắc Kinh thấy những giới hạn không được vượt qua bằng cách hợp tác với Mỹ và tòa án quốc tế La Haye. Nhưng giới chức Việt Nam có khả năng sử dụng chiến lược hai mặt: không ngừng gây sức ép đối với Bắc Kinh đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các tranh chấp biên giới.

Tháng 12/2011, khi còn là Phó Chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. Cuộc gặp gỡ này diễn ra sau chuyến thăm Việt Nam của Đới Bỉnh Quốc, nhân vật số 1 về các vấn đề chiến lược của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, và sau một thông cáo chung được đưa ra vào giữa tháng 10/2011, theo đó Bắc Kinh nhất trí đẩy mạnh việc phân định biên giới trên biển và đàm phán về hoạt động khai thác chung trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hiểu đúng từng chữ, tuyên bố nêu rõ, ít ra là trong khu vực này, các nhà đàm phán Trung Quốc – hành động với sự đảm bảo của Hồ Cẩm Đào – có thể từ bỏ một phần các yêu sách của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền.

Thực vậy, tuyên bố này chỉ ra rằng “hai nước sẽ tìm kiếm những giải pháp bền vững, có thể chấp nhận được đối với cả hai bên trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (...) Trong khi chờ một thỏa thuận mang tính tổng quát về vấn đề chủ quyền, Bắc Kinh và Hà Nội sẽ tích cực đàm phán về một quan hệ hợp tác để cùng phát triển.”

Đây không phải là lần đầu tiên hai bên đã đạt được một thỏa thuận trái với yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Năm 2000, một cam kết song phương kiểu này đã được ký kết trong vịnh Bắc Bộ, phân định ranh giới các vùng biển nằm giữa các bờ biển phía Bắc Việt Nam và bờ biển phía Tây của đảo Hải Nam. Thậm chí, hải quân hai nước đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung. 

Tuy nhiên, thái độ không khoan nhượng mới của Bắc Kinh về vấn đề quần đảo Hoàng Sa đã dẫn đến phản ứng cứng rắn bất ngờ của Hà Nội trong năm 2014.

Theo Question Chine

Lan Hương (gt)