Tuy nhiên, Thủ tướng Modi - người vừa thăm tàu sân bay INS Vikramaditya ngày 14/6 - hẳn phải nhận thấy rằng thời khắc đặc biệt này trong lịch sử hàng hải châu Á sẽ không kéo dài quá lâu. Tàu sân bay INS Viraat già cỗi của Ấn Độ, được đưa vào sử dụng đã 60 năm, sẽ phải “về hưu” sớm. Trong khi đó, kế hoạch tự đóng tàu sân bay trong nước của Ấn Độ gặp khó khăn do thiếu vốn. Thậm chí, nếu New Delhi đẩy nhanh tốc độ trong những năm tới thì Ấn Độ vẫn phải chứng kiến việc Trung Quốc đưa thêm tàu sân bay vào hoạt động bên cạnh chiếc tàu đầu tiên mà họ đưa vào phiên chế cách đây vài năm. Sự nổi lên của Trung Quốc như một thế lực mạnh về kinh tế, sự phát triển nhanh chóng về tiềm lực hải quân và sự quyết đoán ngày càng tăng tại các vùng biển châu Á đang làm biến đổi môi trường an ninh của Ấn Độ. 

Xuất thân từ bang Gujarat, từng có thời hoàng kim là tuyến đầu thương mại hàng hải của Ấn Độ trên thế giới, Thủ tướng Modi có thể ở vị thế tốt hơn những người tiền nhiệm trong việc hoạch định chiến lược hàng hải của Ấn Độ. Từ năm 1612, Công ty Đông Ấn Độ (East India Company) đã thiết lập lực lượng hàng hải tại Surat để chống cướp biển tại biển Arập và bảo vệ hàng hải thương mại của Anh với Ấn Độ. Bốn thế kỷ sau đó, nằm trong những lực lượng hải quân lớn của thế giới, lực lượng hải quân Ấn Độ tại biển Arập vẫn làm nhiệm vụ chống cướp biển. Tuy nhiên, số lượng và tầm quan trọng chiến lược của họ đã thay đổi. Trong khi thương gia Anh liên kết với Ấn Độ để tiếp cận các thị trường thế giới qua đường biển, New Delhi trong những thập niên đầu sau khi tuyên bố độc lập (năm 1947) đã không chú ý đến hàng hải. 

Có hai yếu tố khiến Ấn Độ “quay lưng với biển”. Thứ nhất là chiến lược tự lực phát triển kinh tế quốc gia của Ấn Độ. Thứ hai, về mặt trận an ninh, nước Ấn Độ độc lập phải đối phó với vấn đề biên giới trên bộ do sự phân chia lãnh thổ tại tiểu lục địa Nam Á tạo nên và việc Trung Quốc đưa quân sáp nhập Tây Tạng. Chỉ khi Ấn Độ bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa kinh tế trong những năm 90 của thế kỷ 20, New Delhi mới thức tỉnh trước những nhu cầu bắt buộc về hàng hải. Hiện nay, tỷ trọng thương mại của Ấn Độ, chủ yếu thông thương qua đường biển, chiếm gần 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Ấn Độ cũng phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu các nguồn năng lượng đi qua đường biển. Thế nhưng, sự phát triển hạ tầng hàng hải của Ấn Độ, cho dù xây dựng các hải cảng tầm cỡ quốc tế hay mở rộng khả năng hàng hải, chưa theo kịp nhịp độ phụ thuộc của nước này vào biển. Ấn Độ không phát triển hai quần đảo ở Vịnh Bengal và Vịnh Arập để tạo điều kiện mở rộng tầm với và ảnh hưởng hàng hải của mình. Thực tế, trên mặt trận an ninh, Ấn Độ luôn hành động không theo kịp lời nói. 

Vào giữa thập niên trước, là một quốc gia thương mại lớn, đáng lẽ Ấn Độ phải xây dựng một năng lực hải quân lớn hơn và hùng mạnh hơn nhằm bảo vệ lợi ích của mình xung quanh vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bảo đảm hàng hóa chung của toàn cầu thông thương trên biển. Song đáng tiếc là New Delhi trở thành cản trở chính đối với sự phát triển hàng hải và các mục tiêu hải quân trong vài năm qua. Dưới thời của Bộ trưởng Antony, hải quân Ấn Độ phải cam chịu tất cả những thảm họa do Bộ Quốc phòng giáng xuống các lực lượng vũ trang: Quản lý các mối quan hệ dân sự-quân sự một cách yếu kém, hỗn loạn trong mua sắm vũ khí, từ chối hỗ trợ mở rộng sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước. Hải quân cũng phải chịu đựng thêm gánh nặng do Bộ Quốc phòng thiếu sự đánh giá đúng những vấn đề hàng hải… 

Tại mỗi thời điểm khi các nước lớn, nhỏ cũng như các thể chế đa phương, khu vực và toàn cầu kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò an ninh lớn hơn, ông Antony lại “đóng cửa” đối với ngoại giao hải quân Ấn Độ và đối với các đối tác hàng hải quốc tế. Thủ tướng Modi sẽ có năng lực để làm sạch những “mảnh vụn” từ thời kỳ nắm quyền lực kéo dài của ông Antony tại Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông Modi phải dành sự chú ý đặc biệt đến khía cạnh dân sự-quân sự về những nhu cầu hàng hải bắt buộc của Ấn Độ. Hải quân phải là trọng tâm chiến lược kinh tế và an ninh Ấn Độ.

Theo “The Indian Express” (ngày 14/6)

Nhật Linh (gt)