Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc diễn ra nhưng dường như ít thu hút được chú ý khi mà những quan tâm đang đổ dồn vào việc Mỹ đang dốc sức nằm làm tê liệt và gây bất ổn cho Nga thời gian vừa qua.

Năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào cũng đã cho tổ chức một hội nghị như vậy. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị này. 

Nghiên cứu tuyên bố chính thức của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thì thấy được rằng hội nghị này thật sự quan trọng. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố chính thức về sự thay đổi chiến lược toàn cầu trong ưu tiên địa chính trị trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc không còn coi quan hệ với Mỹ hay thậm chí Liên minh châu Âu (EU) là ưu tiên cao nhất. Thay vào đó, họ đã xác định một nhóm nước ưu tiên mới trong bản đồ địa chính trị của mình. Những nước đó bao gồm Nga và toàn bộ những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng còn lại trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Đồng thời, danh sách đó còn gồm cả những nước láng giềng châu Á của Trung Quốc cũng như châu Phi và các nước đang phát triển khác.

Có thể nhận rõ điều này qua những nỗ lực về chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ năm 2012, đối với các tổ chức đa phương (Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hiệp hội các nước Đông Nam Á-ASEAN, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới…) và ngoại giao công chúng. Đây là những cơ chế có thể giúp Trung Quốc can dự vào nhiều vấn đề trên toàn thế giới. Rõ ràng, Trung Quốc đã quyết định thay đổi thứ tự các ưu tiên trong chính sách của mình trước đây như: Các cường quốc (chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Nga); các nước ngoại vi (chủ yếu là các nước tiếp giáp biên giới Trung Quốc); các nước đang phát triển (tất cả các nước có tỷ lệ thu nhập thấp hơn). 

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến một nhóm nhỏ các nước đang phát triển: “Các cường quốc đang phát triển chính”. Trung Quốc sẽ “mở rộng hợp tác và liên kết chặt chẽ sự phát triển của đất nước” với các cường quốc đang phát triển chính được nêu ở trên. Theo giới lãnh đạo Trung Quốc, các nước này hiện nay là đối tác đặc biệt quan trọng trong “giúp cải cách trật tự quốc tế”. Những nước đó bao gồm Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia, Mexico. Trung Quốc cũng không còn tự nhận mình là “nước đang phát triển”, theo đó thể hiện sự thay đổi hình ảnh của bản thân nước này. 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng đề cập đến một khía cạnh quan trọng trong chính sách mới tại hội nghị ở Bắc Kinh. Ông Dân tuyên bố “sự mất cân bằng giữa an ninh và phát triển kinh tế của châu Á ngày càng trở thành vấn đề nổi bật”. Trung Quốc đã đề xuất thành lập “cộng đồng vận mệnh chung” châu Á nhằm giải quyết sự mất cân bằng này. Điều này hàm ý về quan hệ kinh tế, ngoại giao thân thiết hơn với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines. 

Nói cách khác, mặc dù quan hệ với Mỹ sẽ vẫn là ưu tiên cao nhất bởi tiềm lực sức mạnh quân sự, tài chính của Washington tuy nhiên chúng ta có thể sẽ thấy những tuyên bố thẳng thắn ngày càng tăng của Trung Quốc chống lại những can thiệp của Mỹ. Điều này đã được thấy rõ vào tháng 10/2014 khi tờ China Daily chính thức đăng bài bình luận về “cuộc cách mạng núp bóng” tại Hong Kong đã đặt vấn đề như sau: “Tại sao Mỹ lại thực hiện cuộc cách mạng màu?”. Bài viết đã chỉ đích danh tổ chức phi chính phủ chuyên lật đổ chế độ được sự hậu thuẫn từ Phó Tổng thống Mỹ, Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), đã nhúng tay vào sự kiện này. Sự thẳng thắn như vậy là điều không tưởng chỉ 6 năm về trước, khi Washington tìm cách gây rắc rối cho Bắc Kinh bằng cách khuấy động biểu tình bạo lực do Phong trào Dalai Lama ở Tây Tạng thực hiện trước Olympics Bắc Kinh 2008. 

Trung Quốc công khai bác bỏ những chỉ trích thường xuyên của phương Tây về nhân quyền. Gần đây nhất, Bắc Kinh tuyên bố đóng băng quan hệ ngoại giao với Anh (sau cuộc gặp của Chính quyền Cameron với Dalai Lama) và với Na Uy (sau sự công nhận của nước này với nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba). Trong những năm qua, Bắc Kinh đã từng bước bác bỏ những chỉ trích của Mỹ đối với những tuyên bố khẳng định chủ quyền lịch sử của nước này tại Biển Đông. 

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã mạnh dạn hành động để xây dựng những thể chế thay thế cho Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới vốn bị Mỹ kiểm soát. Đây là một cú đòn có khả năng tàn phá sức mạnh kinh tế của Mỹ nếu việc này thành công. Để chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc tại châu Á trên phương diện kinh tế thông qua thiết lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bắc Kinh đã công bố chiến lược thành lập Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), một thỏa thuận thương mại “bao gồm tất cả các bên đều có lợi” mà thực sự thúc đẩy hợp tác châu Á-Thái Bình Dương. 

Nâng cấp quan hệ với Nga 

Hiện tại, điều đáng chú ý là quyết định của Trung Quốc biến quan hệ của nước này với Nga trở thành trọng tâm trong chiến lược ưu tiên mới. Mặc dù có nhiều thập kỷ thiếu tin tưởng lẫn nhau sau sự chia rẽ Trung-Xô vào năm 1960 nhưng hai nước đã bắt đầu hợp tác sâu rộng chưa từng có. Hai cường quốc Á-Âu đã thống nhất tiềm lực kinh tế để tạo ra thách thức tiềm tàng đến quyền lực toàn cầu của Mỹ trong tương lai, như chiến lược gia về chính sách đối ngoại của Mỹ Zbigniew Brzezinski đã nhận định như vậy trong bài viết “Bàn cờ quốc tế” vào năm 1997. 

Vào thời điểm Tổng thống Putin bị kéo vào cuộc chiến tranh trừng phạt kinh tế tổng lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm lật đổ chế độ của ông, Trung Quốc đã ký không phải là một mà nhiều hợp đồng năng lượng khổng lồ với Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Gazprom, Rosneft, điều này cho phép Nga bù đắp thu nhập kinh tế trước mối đe dọa ngày càng tăng về việc giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng cho châu Ấu, một vấn đề sống còn của nền kinh tế Nga. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tại Bắc Kinh, không thể phủ nhận một điều rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị Trung Quốc hạ thấp về mặt ngoại giao qua ảnh chụp chính thức khi bị xếp chỗ đứng cạnh phu nhân của một Tổng thống châu Á trong khi Putin đứng kế bên Tập Cận Bình. Về mặt biểu tượng chính trị, đặc biệt khi Trung Quốc tổ chức một sự kiện lớn thì đây là một phần quan trọng của truyền thông. Cũng trong dịp này, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã nhất trí xây dựng tuyến đường ống khí đốt phía Tây từ Siberia đến Trung Quốc, bổ sung thêm cho tuyến đường phía Đông lịch sử đã được ký kết thống nhất với Nga hồi tháng 5. Khi cả hai hệ thống đường ống dẫn khí đốt này được hoàn thành thì Nga sẽ cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc. Tổng tham mưu trưởng Nga cũng công bố lĩnh vực hợp tác mới quan trọng giữa quân đội Nga và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). 

Hiện tại, giữa tâm điểm cuộc chiến tranh tiền tệ tổng lực của Mỹ chống lại đồng ruble của Nga, Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nếu Moskva đề nghị. Ngày 20/12/2014, tại thời điểm sụt giá kỷ lục của đồng ruble so với đồng USD, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ giúp đỡ nếu nước Nga cần và hoàn toàn tự tin rằng Moskva có thể vượt qua những khó khăn kinh tế. Đồng thời, Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành cho biết việc mở rộng trao đổi tiền tệ giữa hai nước và việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong quan hệ thương mại song phương sẽ có tác động lớn trong việc giúp đỡ Nga. 

Ngoài ra, còn có sự đồng tâm hiệp lực khác giữa Nga và Trung Quốc khi cả hai hợp tác chặt chẽ hơn, trong đó có quyết định của Tổng thống Putin gặp gỡ Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào mùa Xuân, cũng như Thủ tướng Ấn Độ, một đồng minh lâu đời của Nga mà Trung Quốc đã có mối quan hệ lỏng lẻo, mong manh từ những năm 1950. Đồng thời, Nga có vị thế vững mạnh với Việt Nam từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và quan hệ này được phát triển bởi hợp tác khai thác dầu mỏ của Nga ngoài khơi Việt Nam. 

Tất cả những động thái đầy nguy hiểm này báo hiệu rằng Trung Quốc hiểu biết sâu sắc về cuộc chơi địa chính trị và các chiến lược của phe diều hâu tân bảo thủ của Mỹ, giống như nước Nga, họ sẽ không chùn bước trước sự chuyên chế toàn cầu của Mỹ. Năm 2015 sẽ là một trong những năm quan trọng và đáng chú nhất trong lịch sử hiện đại./. 

Tác giả F. William Engdahl, chuyên gia tư vấn và giảng viên về các vấn đề rủi ro chiến lược, tại Đại học Princeton, Mỹ.

Theo “New Eastern Outlook

Duy Anh (gt)