Hầu hết những người phát biểu, ngoại trừ các đại diện của Trung Quốc, đều cho rằng những lập luận được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông không có tính thuyết phục.

Bà Bonner Glaser , Giám đốc Ban Trung Quốc học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), cho rằng Trung Quốc phải đáp ứng những quan tâm đã được nêu lên về tấm bản đồ 9 đoạn.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Chính trị học tại trường Đại học George Mason ở Washington, cho rằng đòi hỏi đó của Bắc Kinh là không có cơ sở. Ông nói rằng đòi hỏi của Trung Quốc là “ quá đáng”, những cơ sở lịch sử mà Trung Quốc nêu ra để chứng minh cho chủ quyền của mình “không ai chấp nhận”  “không thuyết phục”. Ông cũng cho rằng thời gian vừa qua, Việt Nam không khiêu khích Trung Quốc trên biển.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long , giáo sư môn Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Maine, chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Á và Đông Nam Á nhận định rằng cần cho thế giới biết việc Trung Quốc sẽ ngày càng cường điệu vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề khác, đe dọa an ninh của vùng Đông Nam Á.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng về sự kiện Trung Quốc quy lỗi cho Việt Nam và Philippines đã khởi động đợt leo thang căng thẳng kỳ này, chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, sau khi cắt dây cáp các tàu dò tìm dầu khí Việt Nam. Đả phá lập luận của báo chí Trung Quốc cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã khuấy động tình hình Biển Đông để đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi chú ý tới những vấn đề nội bộ, Tiến sĩ Thủy nói rằng chính Trung Quốc, bằng những hành động của mình, đã gây sự chú ý của dân chúng Việt Nam tới các vấn đề Biển Đông. Ông nói thêm rằng hình ảnh của Trung Quốc dưới con mắt người Việt đã xấu đi đáng kể và giữa hai nước giờ đây cạnh tranh đang tăng, trong khi hợp tác ngày càng giảm.

Tiến sĩ Trần Đình Hoành, luật sư tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư và di trú hành nghề ở Mỹ, có mặt trong cử tọa, bày tỏ quan ngại về số phận của hàng ngàn ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt giữ và xách nhiễu trong hai năm qua. Ông kêu gọi Bắc Kinh hãy hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mà nước này đã đơn phương áp đặt từ tháng 5 - 8/2011 để có thể nghĩ tới một giải pháp hoà bình. Ông cho rằng không thể nói tới một giải pháp lâu dài trong khi nhiều người bị tác động hàng ngày vì chính sách của Trung Quốc. Ông cũng nhắc tới cuộc chiến năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, như một ví dụ cụ thể khẳng định rằng Việt Nam chưa bao giờ nhượng lại quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia xác nhận rằng năm 1974, khi Trung Quốc chiếm phần phía nam quần đảo Hoàng Sa, Hà nội đã không lên tiếng phản đối vì lúc đó, kẻ thù lớn hơn là đế quốc Mỹ nhưng cũng vì thế mà người Trung Quốc bây giờ cứ mang điều đó ra mà khai thác.

Một thành viên của một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách và chiến lược người Trung Quốc yêu cầu không nêu danh tính, bầy tỏ ý kiến như sau “Các cường quốc lớn, dù có ý tốt, vẫn có thể lâm vào tranh chấp vì một tính toán sai lầm. Mở kênh thông tin để thảo luận với nhau là điều thiết yếu” . Ông cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể đang nghiên cứu xét một thời điểm thuận tiện để có thể mở thảo luận.

Giáo sư Tô Hạo của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhân vật bị chất vấn nhiều nhất trong hội thảo 2 ngày, bênh vực triệt để quan điểm của Trung Quốc. Ông nói vấn đề Biển Đông nên được giải quyết trong nội bộ các nước châu Á. Ông cho rằng trong kỷ nguyên mới và một trật tự thế giới tương lai, châu Á không còn phải nhắm mắt đi theo các giá trị phương Tây, mà ông cho là không còn hợp thời trong thời hiện đại, khi mà châu Á và người dân khu vực có một thế đứng mới. Ông đề nghị một giải pháp toàn châu Á, không có sự can thiệp của phương Tây, để giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông.

Ngoài ra, một số người có mặt trong cử tọa đã nêu lên tính mơ hồ trong sách lược của Mỹ liên quan tới cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, một người Philippines phát biểu rằng cần phải nêu rõ đường đi nước bước trong các vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế. Ông tin rằng sẽ có lợi cho khu vực nếu tất cả các bên liên quan xác định rõ vị thế của mình. Chỉ như vậy mới có hy vọng ổn định và duy trì ổn định khu vực. Giáo sư Ian Storey và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Ernest Bower, người dẫn chương trình tại hội thảo An ninh Hàng hải tại Biển Đông, cũng có cùng quan điểm.

VOA nhận định một giải pháp cho vấn đề Biển Đông xem ra vẫn còn rất xa vời và cuộc hội thảo An ninh Biển Đông có thể là khởi điểm của một cuộc tranh luận, hy vọng dẫn tới một tiến trình vô cùng phức tạp để tìm một giải pháp không quân sự cho cuộc tranh chấp vẫn đang leo thang từng giờ.

NCBĐ (gt)